Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Gói thầu thang máy Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi Long An: Thay đổi hồ sơ mời thầu nhưng vẫn bảo lưu xuất xứ nhập ngoại
Ngọc Tuấn - 03/08/2016 15:04
 
Trong bài viết “Dự án Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi Long An: Đấu thầu… rối như canh hẹ!” ra ngày 25/7/2016, Báo Đầu tư Online – Baodautu.vn có phản ánh những sai sót trong hồ sơ mời thầu (HSMT) gói thầu số 20 (cung cấp, lắp đặt thang máy) thuộc dự án xây dựng Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi Long An. Sau 3 ngày bài báo được đăng tải, Sở Y tế tỉnh Long An, đơn vị chủ đầu tư dự án, có quyết định phê duyệt thay đổi nội dung HSMT gói này. Tuy nhiên, sai sót cốt lõi nhất vẫn chưa được chỉnh sửa.

Nhắc lại nghi vấn sai sót

Báo Đầu tư Online – Baodautu.vn có phản ánh một nhà thầu đã bị chỉ ra vô số nghi vấn sai phạm trong HSMT gói 20 (phát hành ngày 13/7/2016). Cụ thể, HSMT gói này được Sở Y tế tỉnh Long An phê duyệt theo Quyết định số 165/QĐ-SYT ngày 1/7/2016. Theo đó, chủ đầu tư mời thầu cung cấp 13 bộ thang máy tải gường bệnh, tải khách. Tùy từng loại cụ thể gói thầu yêu cầu thang máy có tải trọng từ 825 kg - 1600 kg, từ 4 đến 8 điểm dừng, vận tốc từ 60 m/phút - 90m/phút, điều khiển đơn hoặc nhóm đôi, sản phẩm mới 100%, sản xuất năm 2016 trở về sau… Nghi vấn lớn nhất là gói thầu này là, 13 bộ thang máy phải là hàng “nhập khẩu 100% nguyên đai nguyên kiện, có đặc tính kỹ thuật kèm theo”.

Nhà thầu còn “điểm mặt” hàng loạt bất hợp lý trong HSMT. Chẳng hạn, vị trí Chỉ huy trưởng phải có tới 11 loại chứng chỉ khác nhau; hãng thang máy phải có chứng nhận là hội viên của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam; nhà thầu phải có doanh thu trung bình tối thiểu 52 tỷ đồng/năm, với yêu cầu 3 hợp đồng kinh nghiệm tương tự, trong đó có ít nhất 1 hợp đồng có giá trị tối thiểu 30 tỷ đồng. Cùng những yêu cầu trên, HSMT còn cài thêm điều kiện “thiết bị được sản xuất đạt tiêu chuẩn EU, G7 và đạt tiêu chuẩn sản xuất an toàn EN 81” vào Mục 42 về điều kiện ký kết hợp đồng.

.
.

Ngoài ra, HSMT còn “tiền hậu bất nhất” bởi trong mục ưu đãi nhà thầu đưa ra nguyên tắc nhà thầu được hưởng ưu đãi khi cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên. Tuy nhiên, trong phần yêu cầu phạm vi cung cấp lại là hàng nhập khẩu 100% nguyên đai, nguyên kiện. Việc HSMT đưa điều kiện hàng nhập khẩu 100% là hành vi phân biệt đối xử với hàng hóa sản xuất trong nước. Hành vi vi phạm pháp luật đấu thầu này có thể sẽ làm thiệt hại hàng tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Thay đổi… chưa căn cơ

Như đã nói trên đây, sau khi phản ánh của Báo Đầu tư Online – Baodautu.vn, chủ đầu tư đã quyết định phê duyệt thay đổi nội dung HSMT bằng việc ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An ký ban hành quyết định số 198/QĐ-SYT ngày 28/7/2016. Vậy những thay đổi mới nhất này có giải quyết gốc rễ những nghi vấn sai phạm pháp luật để việc đấu thầu diễn ra công bằng, minh bạch và đảm bảo hiệu quả vốn ngân sách nhà nước đầu tư?

Theo quyết định nói trên thì HSMT thay đổi ở 5 nội dung, như thời gian thực hiện hợp đồng; năng lực, tài chính lành mạnh; tiêu chuẩn nhân sự chủ chốt; các yêu cầu khác và mục chỉ dẫn nhà thầu (CDNT). Thay đổi đáng chú ý nhất là về năng lực, tài chính lành mạnh. Theo đó, chủ đầu tư bỏ nội dung “Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn từng năm trong 3 năm gần đây ≥2. Hệ số tổng nợ phải trả/vốn chủ sở hữu từng năm trong 3 năm gần đây <2. Xác nhận không nợ thuế, nợ BHXH đến hết quý 2/2016”.

Về tiêu chuẩn đánh giá nhân sự chủ chốt (vị trí Chỉ huy trưởng) cũng thay đổi theo hướng giảm bớt các chứng chỉ “râu ria” và được điều chỉnh còn lại là tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành Điện, Điện Điện tử và các chứng chỉ khác như chỉ huy trưởng công trình, hành nghề giám sát công tác lắp đặt thiết bị điện công trình, chứng nhận kỹ thuật an toàn điện, chứng nhận kỹ thuật an toàn thang máy, chứng nhận đào tạo nhãn hiệu thang máy dự thầu và hợp đồng lao động còn hiệu lực cũng như tham gia BHXH liên tục tại nhà thầu 5 năm (trước khi điều chỉnh là 8 năm).

Bên cạnh đó, quyết định cũng bỏ yêu cầu hãng thang máy phải có chứng nhận là hội viên của Hội đồng công trình xanh Việt Nam, bỏ yêu cầu thiết bị máy móc, phương tiện thi công huy động cho công trình như máy cắt bàn, máy khoan cầm tay, máy khoan bê tông, máy mài, máy phát điện ≥10KW, dàn giáo xây dựng, xe cẩu tự hành…

Thay đổi cuối cùng đáng chú ý là mục chỉ dẫn nhà thầu cũng được điều chỉ các chỉ dẫn cô đọng hơn. Cụ thể, Mục CDNT 11.4 rút gọn còn: “Nhà thầu phải nộp cùng với HSMT các tài liệu về thiết bị vận chuyển, thi công lắp thang máy đáp ứng đầy đủ số lượng, chủng loại theo yêu cầu của HSMT; thông số kỹ thuật dự thầu phải có xác nhận của nhà sản xuất; nhà thầu phải có chứng nhận quản lý chất lượng ISO:2008 về cung cấp, lắp đặt thang máy.

Có thể nhận thấy rằng, việc chủ đầu tư cầu thị và cam kết sửa những bất cập trong HSMT là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, niềm hy vọng của các nhà thầu cung cấp thang máy sản xuất trong nước một lần nữa bị dập tắt và thách thức niềm tin vào tính minh bạch trong công tác đấu thầu gói thầu 20. Bởi nguyên do quyết định thay đổi HSMT vẫn chưa “chỉnh” được sai sót cốt lõi nhất là vấn đề yêu cầu xuất xứ nhập ngoại.

Cần thông tin lại rằng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An khẳng định với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn vào ngày 20/7/2016 “yêu cầu hàng nhập ngoại 100% là chủ trương của… UBND tỉnh Long An”. Theo chúng tôi chủ trương này của tỉnh Long An thiếu cơ sở vì theo Điều 12, Nghị định 63 quy định về lập hồ sơ mời thầu, trong khoản 7 chỉ rõ “hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa…”

Bên cạnh đó, tại mục C, khoản 5, điều 3 Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành về hướng dẫn chi tiết việc lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa cũng quy định rất rõ “không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự canh tranh không bình đẳng như nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử…”.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ có văn bản 228/TTg-KTN yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt Chỉ thị 494/CT-TTg về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Thủ tướng cũng yêu cầu bổ sung nội dung “trong hồ sơ mời thầu không được quy định cụ thể xuất xứ, hàng hóa cũng như không được đưa yêu cầu hàng hóa nhập khẩu nguyên chiếc… để đảm bảo thúc đẩy sản xuất hàng nội địa”.

Sáng nay, 3/8, thông tin cho phóng viên Báo Đầu tư Online – Baodautu.vn qua điện thoại, đại diện nhà thầu TNE cho biết nhà thầu nay đang soạn thảo văn bản gửi tới Chủ tịch UBND tỉnh Long An và Cục Quản lý Đầu thầu để kiến nghị tiếp tục chỉnh sửa HSMT gói này.

Để tìm hiểu về căn cứ để tỉnh Long An đưa ra chủ trương dùng thang máy xuất xử nhập ngoại và thông tin quan điểm chính thức của địa phương,  Báo Đầu tư Online – Baodautu.vn sẽ đăng ký phỏng vấn lãnh đạo tỉnh trong những ngày tới và thông tin tới độc giả.

Gói thầu 13 thuộc Dự án Bệnh viện Sản - Nhi (tỉnh Quảng Ngãi): Có dấu hiệu “ngâm” hồ sơ
Trong cuộc thanh tra toàn diện các quy định pháp luật về đấu thầu đối với Gói thầu số 13 “cung cấp, lắp đặt hệ thống thang máy” thuộc Dự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư