Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Gói thầu thang máy Nhà hát truyền hình Đài PTTH Vĩnh Long: Nghi vấn “bẫy tiến độ”
Ngọc Tuấn - 24/05/2018 13:50
 
Việc liên danh nhà thầu được xếp hạng năng lực tốt nhất bị rớt thầu sau quá trình thương thảo hợp đồng gói thầu thang máy (BT1) Nhà hát truyền hình Đài PTTH Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) đặt ra nghi ngại về chiêu “bẫy tiến độ” để loạt đối thủ.

Năng lực tốt nhất vẫn rớt thầu

Gói thầu TB1 phát hành hồ sơ chào hàng cạnh tranh ngày 2/2/2018, phương thức 1 giai đoạn - 1 túi hồ sơ, thời gian thực hiện hợp đồng 120 ngày và sử dụng nguồn vốn quỹ phát triển sự nghiệp của chủ đầu tư (Đài PTTH tỉnh Vĩnh Long) với giá gói thầu 3,4 tỷ đồng. 

Theo hồ sơ chào hàng, gói thầu thực hiện cung cấp, lắp đặt (bao gồm cả tài liệu kỹ thuật, đào tạo, hướng dẫn sử dụng, kiểm định an toàn) 2 thang máy tải khách, trọng tải lớn hơn, hoặc bằng 825 kg, tốc độ 60 m/s, 3 điểm dừng.

Gói thầu thang máy Dự án Nhà hát truyền hình Vĩnh Long bị nhà thầu đặt nghi vấn về tiêu chí thời gian thực hiện hợp đồng.
Gói thầu thang máy Dự án Nhà hát truyền hình Vĩnh Long bị nhà thầu đặt nghi vấn về tiêu chí thời gian thực hiện hợp đồng.

Dù có giá trị nhỏ, nhưng gói thầu thang máy này vẫn thu hút nhiều nhà thầu có tiếng tham gia. Theo biên bản đóng, mở hồ sơ đề xuất lập ngày 9/2/2018, 4/5 nhà thầu mua hồ sơ yêu cầu đã nộp hồ sơ đề xuất. Đó là, nhà thầu Công ty TNHH Hoàng Phúc (TP. Cần Thơ), Công ty TNHH Tập đoàn Thang máy thiết bị Thăng Long (TP. Hà Nội), Công ty cổ phần Thang máy và Thiết bị 5S (TP. Hà Nội), liên danh nhà thầu Công ty TNHH Kỹ nghệ Toàn Tâm - Công ty TNHH Thang máy Mitsubishi Việt Nam (TP.HCM). 

Ngày 26/3/2018, chủ đầu tư phát đi Thông báo số 26/TB – PTTH - XD thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, theo đó, nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn Thang máy thiết bị Thăng Long trúng thầu với giá hơn 2,99 tỷ đồng. Nhà thầu Công ty TNHH Hoàng Phúc rớt thầu vì không đáp ứng yêu cầu hồ sơ yêu cầu về thông số kỹ thuật công suất của động cơ kéo. Nhà thầu Công ty cổ phần Thang máy và Thiết bị 5S trượt thầu do “không có xác nhận của cơ quan thuế đã nộp thuế đầy đủ năm 2017” và hợp đồng tương tự có giá trị thấp hơn mức hồ sơ yêu cầu. 

Diễn biến bất ngờ và đáng chú ý là, liên danh nhà thầu Công ty TNHH Kỹ nghệ Toàn Tâm - Công ty TNHH Thang máy Mitsubishi Việt Nam, một trong những nhà thầu lớn và đình đám nhất trong làng thang máy tại Việt Nam lại “ngã ngựa” ở gói thầu được nhận định có quy mô khiêm tốn này. 

Theo văn bản thông báo kết quả đấu thầu, liên danh này trượt thầu vì quá trình thương thảo hợp đồng không thành liên quan đến thời gian thực hiện hợp đồng. Dù trước đó liên danh nhà thầu này được xếp hạng số 1 trong báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất. Vậy uẩn khúc nào khiến việc thương thảo hợp đồng giữa Đài PTTH tỉnh Vĩnh Long và liên danh nhà thầu được đánh giá cao lại không thành công? Đây là câu hỏi được giới nhà thầu thang máy rất quan tâm, bởi liên danh nhà thầu trên từng trúng nhiều gói thầu có giá trị và yêu cầu kỹ thuật gấp cả chục lần gói thầu mà họ bị đánh trượt tại Nhà hát truyền hình Vĩnh Long.

Theo thông tin Báo Đầu tư có được, thì chủ đầu tư và nhà thầu trúng thầu (Tập đoàn Thang máy thiết bị Thăng Long) đã tiến hành ký kết hợp đồng kinh tế số 3750/2018/HĐKT ngày 19/4/2018. Theo đó, thời gian thực hiện hợp đồng là 120 ngày, bao gồm 105 ngày cho phần việc nhập khẩu và vận chuyển 2 thang máy đến công trình; 15 ngày cho thi công, lắp đặt, hiệu chỉnh và nghiệm thu thang máy. 

Nghi vấn chiêu “bẫy tiến độ” 

Để lý giải nguyên do trượt thầu, một nguồn tin (yêu cầu giấu tên) từ liên danh nhà thầu Kỹ nghệ Toàn Tâm - Mitsubishi Việt Nam cho phóng viên Báo Đầu tư biết, với tiêu chí về cấu hình thang máy như hồ sơ yêu cầu nêu (kích thước hố thang 1.950 mm x 1.900 mm; công suất động cơ kéo lớn hơn hoặc bằng 4,8 KW; kích thước độ âm PIT (đáy hố thang) 1.400 mm, độ cao đỉnh hố thang 4.400 mm, kích thước thông thủy hố thang 1.950 mm (rộng) x 1900 mm (sâu)…, thì chỉ có thang máy mã hiệu NexWay - S thương hiệu Mitsubishi Electric mới đáp ứng yêu cầu. 

“Tuy nhiên, với cấu hình thang máy NexWay-S, theo quy trình đặt hàng sản xuất, nhập khẩu từ Thái Lan thì không nhà thầu nào có thể hoàn thành được trong thời gian thực hiện hợp đồng là 120 ngày như hồ sơ yêu cầu. Bởi chỉ thời gian nhập hàng thôi cũng đã hết 120 ngày, chưa kể thời gian thi công 30 ngày”, nguồn tin trên khẳng định. Vẫn theo nguồn tin trên, đặc thù ngành thang máy là không thể có sẵn sản phẩm, bởi mỗi công trình yêu cầu cấu hình khác nhau. Do vậy, mỗi khi có hợp đồng, các nhà thầu mới đặt hàng từ nhà sản xuất rồi nhập khẩu. 

“Không những vậy, gói thầu thang máy Nhà hát truyền hình Vĩnh Long yêu cầu hàng mới 100% và phải được sản xuất năm 2018, thì chuyện đáp ứng tiến độ yêu cầu 120 ngày là điều không tưởng”, vị này đã không ngại ngần khi đưa ra giả thuyết đây là chiêu “bẫy tiến độ” để loại đối thủ trong cuộc đấu này. 

“Liên danh nhà thầu Kỹ nghệ Toàn Tâm - Mitsubishi Việt Nam đề xuất thang máy mã hiệu NexWay-S và thời gian thực hiện 180 ngày nhưng không được chủ đầu tư chấp thuận và đó là lý do chúng tôi trượt thầu, dù theo báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất chúng tôi là ứng viên sáng giá nhất”, nguồn tin trên giải thích.

Điều lạ là, nhà thầu Tập đoàn Thang máy thiết bị Thăng Long cũng chào thầu thang máy mã hiệu NexWay-S, nhưng với thời gian thực hiện hợp đồng 120 ngày và được chủ đầu tư chấp thuận thắng thầu. Nghi vấn đặt ra là, trong quá trình thi công, nhà thầu phải tuyệt đối tuân thủ yêu cầu về tiến độ của chủ đầu tư, nếu loại trừ “phép màu kiểu 3 đầu, 6 tay”, thì có 2 khả năng có thể xảy ra: hoặc bên thắng thầu sẽ dùng “bùa phép” với thang máy sản xuất trước năm 2018 để lách yêu cầu hồ sơ; hoặc nhà thầu này chấp nhận bị chủ đầu tư phạt chậm tiến độ miễn là có hợp đồng để thực hiện. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn có thể giải quyết êm gọn, nếu nhà thầu thắng thầu “tiên đoán” khả năng chắc chắn thắng cuộc và nhập khẩu thiết bị trước!

Chuyện nhà thầu Tập đoàn Thang máy thiết bị Thăng Long “biến điều không thể thành có thể” tại sân thầu Vĩnh Long không phải chuyện lần đầu. 

Cần nhắc lại rằng, cách đây nửa năm, tại gói thầu cung cấp, lắp đặt thang máy Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, nhà thầu này đã dùng “phép lạ” để thực hiện giải pháp lắp thang máy tải hàng P13 chính giữa hố thang, mặc dù, quy chuẩn của Hãng Mitsubishi, loại thang này buộc phải lắp lệch (cửa lùa) về một phía hố thang. Cũng tại gói thầu đó, nhà thầu Tập đoàn Thang máy thiết bị Thăng Long còn làm phép ở nội dung “khả năng bảo hành, bảo trì sau bán hàng”, khi nhà thầu này không được Tập đoàn Mitsubishi Electric (Nhật Bản) “cấp quyền bảo trì hợp pháp sau thời hạn bảo hành”, dù hồ sơ mời thầu có quy định “nhà thầu phải là đại diện bảo hành, bảo trì hợp pháp của chính hãng sản xuất tại Việt Nam và có khả năng bảo hành, bảo trì trong và sau thời hạn bảo hành”. 

Thiết nghĩ, việc nhà thầu tìm những giải pháp thi công tối ưu, có tính đột phá để đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư để thắng thầu là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, điều phi thường “biến không thành có” cần phải được hậu kiểm đấu thầu để kiểm soát nhà thầu và cả chủ đầu tư thực thi nghiêm túc các điều khoản hợp đồng đã giao kết, nhằm triệtt tiêu hoàn toàn hiện tượng “bắt tay dưới gầm bàn”. 

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, Điều 8, Hợp đồng kinh tế số 3750/2018/HĐKT thực hiện gói thầu thang máy Nhà hát truyền hình Vĩnh Long, nhà thầu Tập đoàn Thang máy thiết bị Thăng Long nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng giá trị 89,9 triệu đồng (3% giá trị hợp đồng). Số tiền bảo lãnh này sẽ trả cho Đài PTTH Vĩnh Long (chủ đầu tư) nếu nhà thầu không hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm đã giao kết, bao gồm cả giao kết về tiến độ.

Hủy gói thầu thang máy Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long: Bỏ ngỏ nhiều nghi vấn
Chủ đầu tư là Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long đã chính thức hủy đấu thầu, khép lại “cuộc đấu” gây tranh cãi. Tuy nhiên, gói thầu thang máy Dự án...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư