Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội: Khánh thành Nhà máy nước mặt sông Đuống vào ngày 10/10
Thanh Nga - 18/09/2018 17:12
 
Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, công trình trọng điểm của Hà Nội sẽ được hoàn thành đúng dịp chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10.

Khi đi vào vận hành dự án sẽ bảo đảm đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội và dần thay thế nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm cao.

Ông Đỗ Văn Định, Giám đốc Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống cho biết, Dự án đang trong quá trình đẩy nhanh tiến độ thi công tất cả các hạng mục công trình để kịp khánh thành và cấp nước cho người dân Hà Nội vào đúng dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10 năm nay.

Theo đó, trong 2 ngày 15 và 16/9 vừa qua, 3 tuyến ống HDPE dẫn nước đường kính 1.000 mm với tổng chiều dài hơn 1.000 m vừa được hạ thủy thành công xuống lòng sông Đuống tại khu vực Km49+500 thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội.

Theo thiết kế, các tuyến ống dẫn nước từ Nhà máy nước sạch tới khu vực dân cư phải vượt qua 3 con sông, trong đó 2 sông lớn là sông Hồng và sông Đuống bằng phương pháp đánh chìm qua sông. Đây là một trong những hạng mục thi công quan trọng của giai đoạn 1 dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống. 

Hiện tại, đây là công trình đầu tiên tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật đánh chìm đường ống cỡ lớn và với quy mô lớn nhất, đoạn đánh chìm qua lòng sông Đuống có chiều dài trên 200 m và qua lòng sông Hồng dài trên 500 m. Toàn bộ quá trình thi công được tiến hành hết sức cẩn trọng, chính xác, bảo đảm trong mọi điều kiện và địa hình, đường ống không thể bị vỡ hoặc rò rỉ.

Trước đó nhiều tháng, các đơn vị thi công đã phải tiến hành hút cát, nạo vét lòng sông, độ sâu tính từ mặt nước xuống vị trí đặt ống khoảng 20 m. Đây chính là 2 điểm nút khó khăn nhất của dự án, vì bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất trong thi công, để bảo đảm an toàn, toàn bộ tuyến ống ở đây phải được đặt chìm dưới đáy sông, không làm ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện vận tải thủy.

Sau nhiều giờ thi công khẩn trương, liên tục với sự tham gia của các kỹ sư, chuyên gia giàu kinh nghiệm và công nhân xây dựng, 3 tuyến ống HDPE dẫn nước đường kính 1.000 mm với tổng chiều dài hơn 1.000 m đã được hạ thủy thành công xuống lòng sông Đuống tại khu vực Km49+500 thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội. Đây là hạng mục thi công đòi hỏi áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật toàn diện và trình độ công nghệ cao.

Dự án đã tập hợp những nhà thầu hàng đầu trong lĩnh vực thi công đường ống, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và quản lý dự án hàng đầu thế giới cùng các chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm, hệ thống thiết bị công nghệ, máy móc và vật liệu tiên tiến nhất cũng được đáp ứng tối đa để phục vụ cho dự án.

Chủ tịch HĐQT Nhà máy nước mặt Sông Đuống Đỗ Thị Kim Liên cho biết, việc hạ thủy thành công đường ống nước xuống sông là bước đệm và động lực lớn giúp Nhà máy tiếp tục thực hiện ước mơ, khát vọng... “Chúng tôi cam kết đúng ngày 10/10/2018, những dòng nước sạch đầu tiên sẽ được chuyển đến tận nhà của bà con tại những vùng có đường ống của nhà máy được hoàn thành giai đoạn 1 đi qua, tại Thủ đô Hà Nội”, bà Liên khẳng định.

* Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được phê duyệt đầu tư theo quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/03/2013 và quyết định chủ trương đầu tư số 2869/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 3/6/2016.

* Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 5.000 tỷ đồng (225 triệu USD), bao gồm 2 hợp phần chính gồm Công trình thu – trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 61,5 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) và tuyến ống truyền dẫn nước sạch dài 76 km phân bố trên huyện Gia Lâm; Long Biên; Sóc Sơn; Đông Anh; Hoàng Mai, Thanh Trì và khu vực Hưng Yên.

* Theo quy hoạch và kế hoạch mở rộng Nhà máy Nước mặt Sông Đuống đến năm 2020 sẽ đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm, chia thành hai kỳ đầu tư: Kỳ 1 đến năm 2018, vận hành kinh doanh nước sạch với công suất 150.000 m3/ngày đêm và kỳ 2 đến năm 2020, vận hành kinh doanh nước sạch với công suất 300.000 m3/ngày đêm.

Tiếp nối giai đoạn này, Dự án sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2025 đạt 600.000 m3/ngày đêm, đến năm 2030 công suất đạt 900.000 m3/ngày đêm. Dự án sử dụng nguồn nước thô được khai thác từ sông Đuống có chất lượng và lưu lượng bảo đảm cung cấp nước cho sinh hoạt và đáp ứng các giai đoạn phát triển nâng công suất nhà máy nước đến năm 2050.

Hà Nội đầu tư hơn 60 tỷ đồng để phục hồi và phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa
UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt Kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư