Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hà Nội tạo điều kiện hỗ trợ về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp
Việt Nga (HNM) - 05/05/2015 08:53
 
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về "Năm của doanh nghiệp (DN) 2015", mới đây UBND TP Hà Nội đã tổ chức gặp gỡ các DN công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn. Đây là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe các ý kiến góp ý, đề xuất của cộng đồng DN CNTT về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho DN.
Dịch vụ công nghệ thông tin cần được ưu tiên phát triển. Ảnh: Nhật Nam
Dịch vụ công nghệ thông tin cần được ưu tiên phát triển. Ảnh: Nhật Nam

 


Doanh nghiệp muốn có mặt bằng ổn định

Nếu như trước đây, tại một số buổi làm việc với DN CNTT, không ít DN CNTT dành phần lớn phát biểu của mình mong muốn cơ quan nhà nước có ưu đãi về các chính sách thuế, thì tại cuộc họp mặt giữa UBND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn chủ trì mới đây, phần nhiều ý kiến chỉ mong muốn được thành phố tạo điều kiện để có mặt bằng sản xuất ổn định.

Trong phần kiến nghị với thành phố, đại diện một số DN cho rằng trong số hơn 5.000 DN CNTT đang hoạt động trên địa bàn thì chỉ số ít DN có trụ sở khang trang với quy mô lao động lớn, còn lại gần 5.000 DN là gặp khó về nơi sản xuất. Trong số này có rất nhiều DN CNTT quy mô nhỏ chỉ từ 50 đến 100 lao động. Cụ thể, theo đại diện Công ty Phần mềm Hoàng Long, DN này và không ít DN phần mềm khác gặp không ít khó khăn về thuê địa điểm mặt bằng sản xuất, thường xuyên phải di chuyển chỗ làm khi chủ nhà đòi lại mặt bằng hoặc bị ép tăng giá… Vì vậy, đại diện DN này đề xuất thành phố nên dành một khu đất, hoặc xây tòa nhà để cho các DN CNTT quy mô nhỏ thuê, mua, góp vốn… miễn là để DN có thể ổn định sản xuất. Đại diện một số DN khác lại mong muốn Hà Nội sớm đẩy nhanh tiến độ các dự án khu CNTT, khu công viên phần mềm để DN sớm được vào đầu tư sản xuất.

Thực tế hiện nay, Hà Nội đã có khu CNTT tập trung Cầu Giấy đã hoạt động ổn định sản xuất, quy tụ nhiều "tên tuổi" lớn của ngành CNTT như: FPT, CMC, Hài Hòa, Viettel… Hà Nội cũng đã dành 3-4 khu CNTT tập trung. Cụ thể, thành phố đã dành đất để triển khai khu công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm Hà Nội (tại đường Võ Nguyên Giáp, huyện Đông Anh); Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội tại Sài Đồng (do Công ty Hanel đầu tư); Khu công viên CNTT Hà Nội tại quận Long Biên (do Công ty Him Lam đầu tư). Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện các dự án này đang chậm và theo tiến độ đề ra đến các năm 2016, 2018 mới đi vào hoạt động thì trong thời gian ngắn hạn các DN CNTT vẫn chưa thể tháo gỡ khó khăn. Trả lời kiến nghị của các DN, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo thành phố cũng cho biết, sẽ tạo điều kiện hỗ trợ về cơ chế chính sách để chủ đầu tư các khu CNTT tập trung sớm ổn định sản xuất; đồng thời cho biết, trước mắt thành phố chưa có kế hoạch xây mặt bằng cho thuê, mà các DN tự chủ động liên lạc với Ban Quản lý các khu CNTT để tìm mặt bằng sản xuất.

Nên tập trung phát triển dịch vụ chất lượng cao

Hầu hết các ý kiến của đại diện các DN CNTT trên địa bàn đều bày tỏ sự vui mừng trước việc lãnh đạo thành phố dành sự quan tâm tới cộng đồng DN CNTT. Chia sẻ với việc Hà Nội đang triển khai chính quyền điện tử, xây dựng để Hà Nội trở thành thành phố thông minh hơn, các chuyên gia, lãnh đạo DN cũng đã có những góp ý sát thực với các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố. Cụ thể, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam Nguyễn Long cho rằng, Hà Nội có nhiều lợi thế, đó là hạ tầng dùng chung của thành phố cơ bản hoàn thành. Đồng thời, Hà Nội duy trì việc phát triển hạ tầng ở top đầu cả nước (một trong 3 thành phố có hạ tầng mạnh). Hà Nội có lợi thế được coi là "điểm sáng" về gia công phần mềm, có nhiều DN nội dung số hoạt động… Vì thế, Hà Nội cần sớm hoàn thiện mạng WAN thành phố đạt tỷ lệ 100% bằng với TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng (hiện mới đạt 60%)… để sẵn sàng cho ứng dụng.

Nhiều ý kiến chuyên gia, lãnh đạo DN cho rằng, trước xu thế toàn cầu hiện nay là thị trường dịch vụ CNTT đã, đang phát triển mạnh (doanh thu ngành này chiếm 57% doanh thu của toàn ngành CNTT), các DN CNTT cũng chuyển dịch từ sản xuất sản phẩm truyền thống sang làm dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ trực tuyến và dịch vụ gia công. Việt Nam hiện được đánh giá có lợi thế là một trong 6 quốc gia có tiềm năng cung cấp dịch vụ CNTT hàng đầu Châu Á… Do vậy, trước mắt các chuyên gia cho rằng Hà Nội nên ưu tiên nghiên cứu, tập trung cho phát triển công nghiệp dịch vụ CNTT. Cụ thể, thành phố cần có các nghiên cứu, khảo sát để xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê về DN CNTT Hà Nội; có các ưu đãi về chính sách cho các khu CNTT tập trung. Đặc biệt, thành phố nên xây dựng chính sách thúc đẩy xu thế dịch vụ CNTT theo quan điểm của ngành công nghiệp: Thu hút nguồn lực chất lượng cao, tri thức và có hiệu quả; tạo điều kiện hình thành các trung tâm nghiên cứu, phát triển về CNTT...
Tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành công nghiệp CNTT Hà Nội khoảng 12-15%/năm, đóng góp 12% doanh thu của ngành công nghiệp CNTT cả nước. Doanh thu năm 2014 tăng trưởng 14,3% so với năm 2013; công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng năm 2014 đạt 14,25% so với năm 2013 với doanh thu đạt khoảng 830 triệu USD. Tính đến hết năm 2014, thành phố đã thu hút được hơn 400 dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp CNTT, với tổng số vốn đầu tư hơn 200 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội về hàng điện tử, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi là 2.044 triệu USD.
Đối thoại Chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
Ngày mai (27/4) tới, Bộ Công thương sẽ tổ chức Đối thoại chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư