Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hàng tạm nhập phải chịu sự giám sát cho tới khi tái xuất khỏi Việt Nam
PV (TTXVN/Vietnam+) - 22/05/2018 19:36
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, trong đó quy định cụ thể về tạm nhập, tái xuất hàng hóa.

Theo Nghị định, thương nhân Việt Nam được quyền kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh theo các quy định sau: Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện, thương nhân phải đáp ứng điều kiện theo quy định; hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép được quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định này. 

Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định trên thì thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cơ quan hải quan. 

Các phương tiện bốc xếp container tại cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Các phương tiện bốc xếp container tại cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Nghị định nêu rõ đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ được thực hiện tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo quy định tại Điều 15 Nghị định này, không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa. 

Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan từ khi tạm nhập cho tới khi hàng hóa thực hiện tái xuất ra khỏi Việt Nam; không chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng container trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định. 

Trường hợp do yêu cầu vận chuyển cần phải thay đổi hoặc chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng container để tái xuất thì thực hiện theo quy định của cơ quan hải quan.

Giới hạn thời gian tạm nhập, tái xuất 

 Nghị định quy định hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn, thương nhân có văn bản đề nghị gia hạn gửi Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục tạm nhập; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá 2 lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập, tái xuất. 

Quá thời hạn nêu trên, thương nhân phải tái xuất hàng hóa ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu hủy. Trường hợp nhập khẩu vào Việt Nam thì thương nhân phải tuân thủ các quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa và thuế. 

Nghị định quy định rõ kinh doanh tạm nhập, tái xuất được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu ký với thương nhân nước xuất khẩu, nước nhập khẩu. Hợp đồng xuất khẩu có thể ký trước hoặc sau hợp đồng nhập khẩu.

Xử lý nghiêm 4 doanh nghiệp tạm nhập tái xuất ô tô nếu sai phạm
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vừa yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tiếp tục kiểm tra, rà soát hoạt động tạm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư