Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Hàng tiêu dùng Hàn Quốc thâm nhập sâu thị trường Việt
Thế Hoàng - 04/10/2017 19:37
 
Cùng với làn sóng hàng Thái Lan, từ vài năm nay, hàng hóa từ Hàn Quốc cũng thâm nhập thị trường Việt Nam với tốc độ chóng mặt.

Tăng cường tiếp thị sản phẩm

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, nhập siêu từ thị trường Hàn Quốc đang tiếp tục tăng mạnh, lên đến 23,3 tỷ USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, mức thâm hụt thương mại này tăng gần 7,4 tỷ USD so với cách đây 3 tháng.

.
.

Giới phân tích dự báo, nhập siêu từ Hàn Quốc có thể tiếp tục tăng do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã có hiệu lực từ cuối năm 2015, giúp đẩy mạnh giao thương giữa hai nước.

Ngoài nhập siêu gia tăng do các hoạt động đầu tư của Hàn Quốc ngày càng mở rộng tại Việt Nam, kéo theo nhu cầu nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu của các doanh nghiệp Hàn Quốc, thì sự chủ động của các doanh nghiệp Hàn Quốc đưa hàng hóa tiêu dùng đến Việt Nam là một yếu tố khiến hàng của nước này phủ sóng ngày càng rộng để chiếm lĩnh thị trường hơn 93 triệu dân.

Trước và sau thời điểm VKFTA có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường các chuyến đi giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng Việt Nam. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng năm 2015 - 2016, đã có trên 50 đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc mang hàng hóa tới tiếp thị tại thị trường Việt Nam.

Đầu tháng 9 vừa qua, đoàn gồm 15 doanh nghiệp lớn của TP. Changwon chuyên sản xuất đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, thực phẩm, linh phụ kiện điện thoại… đã đến Việt Nam tìm đối tác nhập khẩu. Mục tiêu của phía bạn là đưa hàng phủ sóng nhiều hơn tại Việt Nam.

Trước đó chưa đầy 1 tháng, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã tiếp và làm việc với đoàn gần 10 doanh nghiệp mỹ phẩm đến từ Hàn Quốc trong chuyến khảo sát thị trường và tìm kiếm đối tác. 

Ông Song Kyeong-Chang, Tổng giám đốc Công ty Gyeongsangbuk-do cho biết, doanh nghiệp ngành mỹ phẩm Hàn Quốc đang tìm kiếm thông tin về chính sách để đầu tư mở các cửa hàng nhỏ về mỹ phẩm tại TP.HCM, Hà Nội - hai thị trường có sức tiêu thụ lớn mỹ phẩm.

Gia tăng chuỗi cửa hàng tiện lợi

Loại trừ yếu tố gia tăng nhập siêu do ngày càng nhiều các dự án FDI Hàn Quốc vào Việt Nam, thị trường tiêu dùng Việt Nam đang có sức hút rất lớn với các nhà bán lẻ, doanh nghiệp nước này.

Trên thực tế, các thương hiệu bán lẻ lớn như Lotter, Emart… đã và đang kinh doanh khá hiệu quả chỉ sau một thời gian ngắn đặt chân vào Việt Nam. Lâu nay, người tiêu dùng trong nước dễ dàng mua được những gói mỳ tôm, hoa quả hay những loại rong biển chữ Hàn ngay trong siêu thị gần nhà.

Hàng tiêu dùng Hàn Quốc đã thâm nhập thị trường Việt Nam cách đây nhiều năm và cũng không còn xa lạ trong các cửa hàng tiện lợi. Các mặt hàng thực phẩm Hàn Quốc đang dần đi vào đời sống của người Việt với chất lượng tốt và mức giá không quá cao so với những mặt hàng ngoại nhập khác.

Với tham vọng chiếm lĩnh sức mua của thị trường Việt, chuỗi cửa hàng tiện lợi thương hiệu Hàn Quốc GS25 dự tính mở cửa hàng đầu tiên tại thị trường Việt Nam vào cuối năm nay.

Đại diện của GS25 cho biết, đã nhận được đề nghị từ nhiều đối tác ở Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, để mở rộng thương hiệu. Sau nhiều tháng nghiên cứu, họ nhận thấy Việt Nam là quốc gia có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất.

Công ty bán lẻ GS Retail lý giải, việc chọn Việt Nam mở cửa hàng GS25 đầu tiên của hãng ở nước ngoài là do kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và những người từ 35 tuổi trở xuống chiếm tới 57% dân số.

Tại Hàn Quốc, GS Retail được đánh giá là một nhà phân phối bán lẻ đầy tiềm lực với các thương hiệu phổ biến như GS25 (chuỗi cửa hàng tiện lợi), siêu thị GS (thực phẩm tươi sống), hệ thống bán lẻ về sức khoẻ và sắc đẹp Watsons và điều hành thương hiệu khách sạn Parnas Hotel…

Đại diện Công ty TNHH Hoàng Hân (Hà Nội), doanh nghiệp đang kết nối với đối tác Hàn Quốc đưa trái cây tươi và đồ sấy cùng các nông sản vùng miền Hàn Quốc vào thị trường nội địa xác nhận, hàng tiêu dùng Hàn Quốc ngày càng được người Việt Nam đón nhận bởi sự tương đồng về khẩu vị. Một yếu tố quan trọng nữa là giá cả ở mức chấp nhận được và bao bì hấp dẫn, thích hợp cho việc làm quà tặng.

[Infographics] Tìm hiểu về VKFTA
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) ​đã chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư