Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hé mở lối thoát cho Dự án đường bộ Hòa Lạc - Hòa Bình
Anh Minh - 11/01/2014 09:25
 
Việc xây dựng hệ thống đường bộ kết nối Hà Nội với Hòa Bình sẽ có phương án đầu tư mới theo hình thức BOT thay cho Dự án Đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình đã bị vỡ trận. >>> Geleximco đoạn tuyệt Dự án cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình >>> Geleximco buông tay, đường Hòa Lạc - Hòa Bình lo tìm chủ mới >>> Hà Nội thêm KĐT trục hướng tâm đường Lê Văn Lương
TIN LIÊN QUAN

Có thể nhận thấy tính khả thi cao hơn trong phương án đầu tư xây dựng Dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình theo hình thức BOT so với xây dựng một tuyến cao tốc 4 làn xe.

Dự án đường bộ Hòa Lạc - Hòa Bình
Quốc lộ 6 đã không đáp ứng được nhu cầu vận tải giữa Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc. Ảnh: Anh Minh

Theo đề xuất xây dựng của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ, Dự án sẽ tiến hành đầu tư xây dựng mới tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình dài 30 km, bắt đầu từ làng Văn hóa đến Quốc lộ 6 (đầu TP. Hòa Bình) theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, quy mô 2 làn xe và cải tạo đoạn Quốc lộ 6 Xuân Mai – Hòa Bình (Km 38 – Km 71) dài khoảng 33 km đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, quy mô 2 làn xe.

Tính toán của đơn vị tư vấn cho thấy, chi phí xây dựng tuyến Hòa Lạc – Hòa Bình có xét tận dụng để nâng cấp lên quy mô cao tốc sau này trên cơ sở hướng tuyến cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình là 2.138 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 566 tỷ đồng.

Đối với việc cải tạo 33 km Quốc lộ 6 do chỉ tiến hành tăng cường cường độ mặt đường, kết hợp với mở rộng một số đoạn qua khu đông dân cư nên tổng mức đầu tư chỉ vào khoảng 341 tỷ đồng.

“Chúng tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ghép công trình cải tạo Quốc lộ 6 và xây dựng tuyến mới Hòa Lạc – Hòa Bình thành Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình và Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình”, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Như vậy, để đầu tư cả hai tuyến đường thành một dự án, thì tổng mức đầu tư bao gồm cả lãi vay, trượt giá sẽ vào khoảng 3.129 tỷ đồng.

Sở dĩ Bộ GTVT phải xin đầu tư gấp Dự án là do, Quốc lộ 6 là tuyến kết nối duy nhất giữa vùng Tây Bắc và Hà Nội. Nhưng với hiện trạng bề rộng mặt đường hẹp hơn 8 m; mặt đường bị rạn nứt, xuống cấp không thể đáp ứng nhu cầu vận tải và an toàn giao thông... Theo tính toán tới năm 2017, để đáp ứng nhu cầu toàn hành lang vận tải nối Tây Bắc – Hà Nội, tuyến Quốc lộ 6 cần có quy mô 4 làn xe. Trong khi đó, Quốc lộ 6 đoạn từ Xuân Mai lên Hòa Bình đã bị đô thị hóa nặng, nên phương án mở rộng thành 4 làn là không khả thi.

Do hiện nay nguồn vốn ngân sách không thể bố trí cho Dự án được, bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn ODA rất khó khăn, nên Bộ GTVT đề nghị cho phép áp dụng hình thức BOT, trong đó nhà đầu tư huy động 100% vốn. Nhà đầu tư được đặt 2 trạm thu phí, trong đó 1 trạm trên Quốc lộ 6 ưu tiên thu phí hoàn vốn ngay sau khi việc cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 hoàn thành (dự kiến trong năm 2015) và 1 trạm thu phí trên đường Hòa Lạc – Hòa Bình được thu ngay sau khi tuyến mới được thông xe (dự kiến trong năm 2017).

Điểm nhấn quan trọng nhất liên quan tới phương án tài chính Dự án là việc Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép áp dụng mức thu phí tương tự mức thu tại các công trình BOT mở rộng Quốc lộ 1 với mức thu có thể lên tới 3,5 lần mức thu phí cơ bản do Bộ Tài chính ấn định tại thời điểm trước 1/1/2014. Với mức thu này, thời gian hoàn vốn cho Dự án vào khoảng 29 năm, tính cả thời gian hoàn vốn và tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Với phương án đầu tư mới này, hệ thống đường bộ kết nối Hòa Bình – Hà Nội vẫn sẽ có 4 làn xe tương tự quy mô Dự án đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình, nhưng tính khả thi tài chính sẽ “sáng sủa” hơn, đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước.

Cần phải nói thêm rằng, yếu tố tài chính là nguyên nhân khiến Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) buộc phải “tung cờ trắng”, xin rút khỏi Dự án BOT đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình.

Được biết, sau khi tổng mức đầu tư Dự án BOT đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình vọt lên gần 18.000 tỷ đồng, vào tháng 8/2013, Geleximco đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin thôi đầu tư Dự án do nhận thấy không có khả năng hoàn vốn. Tại thời điểm này, nhà đầu tư đã giải phóng mặt bằng được 30% trên đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình và tiến hành thi công một số hạng mục.

Thông tin từ Bộ GTVT, hiện đã có một số nhà đầu tư trong nước đánh tiếng xin đầu tư vào Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Binh và đường Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình, trong đó có cả Geleximco sau khi tuyến này cơ bản cho thấy có tính khả thi tài chính.

“Đây thực sự là lối thoát cho cả Bộ GTVT và các nhà đầu tư trong việc nâng cấp hệ thống đường kết nối Hà Nội – Hòa Bình”, một chuyên gia ngành giao thông nhận định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư