Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hệ sinh thái khởi nghiệp phải là một khu rừng giàu có
Thị Hồng - 10/07/2019 10:23
 
Hệ sinh thái khởi nghiệp được ví như một khu rừng giàu có. Ở đó, các thành tố liên kết với nhau một cách chủ động, thay vì chịu sự dàn xếp của bất kỳ nguồn lực nào.
Nghe bài viết này tại đây :
Các gian hàng trưng của giới khởi nghiệp trong một sự kiện của Ngày hội Khởi nghiệp Start-up Day.
Các gian hàng trưng của giới khởi nghiệp trong một sự kiện của Ngày hội Khởi nghiệp Start-up Day

Chiếc Boeing hay khu rừng tự nhiên?

Sau 5 năm kết nối với 25 tỉnh thành trên cả nước, trực tiếp triển khai các chương trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với 7 tỉnh thành, những nhà lãnh đạo của Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) đã đúc kết được khá nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ sinh thái này. Cụ thể, có hai cách cần quan tâm.

Cách thứ nhất, theo ví von của ông Phạm Duy Hiếu, Phó Chủ tịch SVF, là xây tổ chức như việc vận hành một máy bay Boeing, với các linh kiện mắc vào nhau, vận hành theo nguyên tắc nhất định. Trong mô hình này, người quản lý sẽ vận hành máy bay, các phòng ban tương tác để đảm bảo hiệu suất hoạt động của chiếc Boeing giả tưởng. Nhưng, mặt trái của bộ máy này là cảm giác bị coi là máy móc từ những người làm việc. Hệ quả là áp lực cho cả người quản lý và bị quản lý.

Cách thứ hai, được hình dung tương tự mô hình của hệ sinh thái trong các khu rừng. Ở đó, cây cổ thụ, cây non, muôn thú, vi sinh vật… tương tác với nhau không theo một phương trình toán học nào, nhưng lại vô cùng gắn kết, theo hướng cộng sinh để phát triển.

“Muốn xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nhiều người sai lầm khi coi hệ sinh thái ấy như một cỗ máy và thế là, có một bức tường hạn chế sáng tạo. Sáng tạo cần được sinh sôi từ bên trong tổ chức và lan toả ra. Xây dựng hệ sinh thái là phải tạo ra khu rừng nhiều hơn là lắp đặt máy bay Boeing”, ông Hiếu đúc kết kinh nghiệm.

Cũng chính vì coi hệ sinh thái khởi nghiệp như một khu rừng, sẽ không có công thức chung cho cả nước, cho địa phương. Ví như, không phải lúc nào phát động chương trình khởi nghiệp cũng là tốt, bởi nếu kéo dài, người khởi nghiệp và cả các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sẽ trở nên thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ…

Ba nguyên lý hình thành khu rừng

Năm 2014, thời điểm khái niệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn chưa được nhắc tới nhiều ở Việt Nam, SVF đã ra đời với vai trò là quỹ xã hội hoá phi lợi nhuận đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Đội ngũ sáng lập và những thành viên đồng hành với SVF rất đa dạng, ở các độ tuổi khác nhau, từ 5x đến 9x, với vai trò xã hội cũng không giống nhau, như chính trị gia, nhà khoa học, doanh nhân, sinh viên, và cả những người nước ngoài yêu Việt Nam. Nhưng, điểm chung để kết nối họ là khát khao xây dựng nền tảng công nghệ Việt Nam làm giá trị cốt lõi, đưa Việt Nam phát triển bền vững.

Tuy vậy, ông Huỳnh Trung Nam, Chủ tịch SVF đánh giá, hệ sinh thái khởi nghiệp, cộng đồng start-up Việt Nam vẫn chỉ ở giai đoạn đầu phát triển.

Thực tế, start-up Việt Nam đang có một khởi đầu vô cùng thuận lợi, khi Chính phủ xác định đây là một trong những mục tiêu phát triển hàng đầu của đất nước. Các trung tâm kinh tế lớn trên cả nước đều hướng đến xây dựng thành phố khởi nghiệp.

Dù vậy, khởi nghiệp không thể phát triển bền vững nếu đây chỉ là hoạt động mang tính phong trào, thiếu tính kết nối.

Để thay đổi, SVF đã đề xuất 3 nguyên lý giúp tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam phát triển như một “khu rừng tự nhiên giàu có”.

Thứ nhất, các thành viên trong khu rừng phải được coi trọng là chính mình. Ví dụ, như con thỏ không thể được khuyến khích đi học để trở thành con sư tử. Việc này không hề dễ, đòi hỏi cộng động cần hỗ trợ phát huy ưu điểm của các thành viên, cũng như đón nhận nhược điểm của thành viên này một cách khách quan, không áp đặt. Trong hệ sinh thái này, nhược điểm của người này có thể nhận được sự giúp đỡ, động viên từ người khác để khắc phục.

Thứ hai, từng thành tố sau khi được là chính mình cần luôn quan sát bản thân, nuôi dưỡng khả năng giải quyết vấn đề thay vì chỉ chú trọng vào đổ lỗi cho người khác.

Thứ ba, nguyên tắc mọi thành viên được hành động, tôn trọng sự sáng tạo, thúc đẩy trải nghiệm và thay đổi để trưởng thành...

“Khi các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, sinh viên, doanh nhân, cơ quan quản lý… cùng hành động, sẽ tạo ra mạng lưới những mối quan hệ chằng chịt và lúc đó, hệ sinh thái sẽ hình thành”, ông Hiếu chia sẻ.

Trong 5 năm qua, SVF đã tiếp cận được với hơn 10.000 người cùng trên 100 chương trình/cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức, huấn luyện, hỗ trợ cho hơn 100 start-up, thiết lập mạng lưới hơn 360 cố vấn khởi nghiệp và tổ chức 11 khóa huấn luyện cố vấn khởi nghiệp…

“SVF sẽ góp phần xây dựng thế hệ doanh nhân tử tế và lan toả giá trị này ra khắp cộng đồng”, ông Phạm Duy Hiếu, Phó chủ tịch SVF khẳng định.

Gam màu sáng trong hệ sinh thái khởi nghiệp
Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam và các thành tố tham gia thị trường đang phát triển nhanh chóng. Đây là cơ sở để nhiều nhà đầu tư nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư