Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Hiệu quả các dự án FDI tại Hải Dương
Thanh Sơn - 29/11/2015 17:47
 
Trong 5 năm qua, kinh tế tỉnh Hải Dương có bước tiến khá toàn diện, với tăng trưởng bình quân 7,9%/năm (cao hơn bình quân chung của cả nước). Năm 2015, quy mô kinh tế của tỉnh đạt 76.734 tỷ đồng (tăng gần hai lần năm 2010), thu nhập bình quân đạt 2.000 USD/người. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp; đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao.
TIN LIÊN QUAN

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 135.000 tỷ đồng, tăng gấp hơn 1,8 lần so với 5 năm trước. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 33.213 tỷ đồng, tăng bình quân 5,4%/năm, chiếm tỷ trọng 24,6%. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, các khu công nghiệp trên địa bàn Hải Dương đã thu hút được 204 dự án (bao gồm 157 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 47 dự án trong nước), với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,3 tỷ USD và 12.287 tỷ đồng.

“Những năm qua, Hải Dương luôn khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, trong đó tập trung ưu tiên thu hút các dự án FDI có quy mô đầu tư lớn, hàm lượng công nghệ cao, công nghệ nguồn; dự án sản phẩm có sức cạnh tranh; dự án sản xuất định hướng xuất khẩu; phát triển công nghiệp phụ trợ; dự án sản xuất có sử dụng thế mạnh về nguyên liệu của địa phương; chủ động xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư...”, ông Trương Văn Hơn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương khẳng định.

Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Nam Sách, chuyên sản xuất, cung cấp các linh kiện, phụ tùng xe máy, ô tô cho hãng Honda. Ảnh: Thành Chung
Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Nam Sách, chuyên sản xuất, cung cấp các linh kiện, phụ tùng xe máy, ô tô cho hãng Honda. Ảnh: Thành Chung

Chính phủ đã cho phép Hải Dương quy hoạch, đầu tư xây dựng 18 khu công nghiệp tập trung, với diện tích gần 4.000 ha. Trong đó, 10 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, với diện tích 2.086 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân của các khu công nghiệp đã được giao đất và xây dựng hạ tầng đạt khoảng 60%. Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp đã thực hiện là 2.180/5.970 tỷ đồng dự kiến, đạt 50%. Ngoài ra, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch 38 cụm công nghiệp, với diện tích gần 1.600 ha.

Có thể thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại địa phương này đã góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội Hải Dương như Công ty Ford, Tập đoàn Sumidenso, Tập đoàn Brother, Tập đoàn Lucky, Công ty UMC Việt Nam, Công ty Uniden, Tập đoàn Hyundai Motor... Tổng vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI ước đạt trên 1,767 tỷ USD, chiếm 62% tổng vốn đăng ký.

Nếu năm 2010, doanh thu từ khu vực FDI của Hải Dương đạt 1,765 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,096 tỷ USD, chiếm 96% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, thì ước hết năm 2015, các con số này lần lượt đạt 3,8 tỷ USD và 3,511 tỷ USD. “Chúng tôi luôn đánh giá cao và ghi nhận sự đóng góp này của khu vực FDI với sự phát triển của Hải Dương”, ông Hơn cho biết thêm.

Trong các lĩnh vực đầu tư, công nghiệp và xây dựng vẫn được quan tâm thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất, chiếm 88,6% vốn đầu tư đăng ký, với 185 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2.526,7 triệu USD. Lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông, lâm sản, thực phẩm chiếm 3,1% với 14 dự án, vốn đăng ký 89,3 triệu USD.

Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ chiếm 7,5% với 15 dự án, vốn đăng ký 213,9 triệu USD. Quy mô sản xuất công nghiệp - xây dựng ở Hải Dương cũng tăng khá, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 12%/năm. Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp của các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp đạt 9.545 tỷ đồng, chiếm 43% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thì đến năm 2015 đã tăng gấp gần 2,2 lần.

Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh phát triển khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 13,5%/năm và từng bước trở thành nhóm ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Tiêu biểu là công nghiệp điện tử tăng bình quân 14%/năm, sản xuất vật liệu xây dựng tăng 8,3%/năm, chế biến nông sản thực phẩm tăng 9,1%/năm…

Có thể khẳng định, những năm qua, thu hút đầu tư trong và ngoài nước đã góp phần tạo ra năng lực sản xuất mới, hình thành các ngành nghề mới, các sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao trên thị trường, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời tạo điều kiện khai thác các nguồn lực của địa phương mà trước đây còn ở dạng tiềm năng như đất đai, nhà xưởng, nguồn nhân lực.

Kết quả thu hút các dự án FDI đã góp phần quan trọng vào việc huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư