Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Hỗ trợ doanh nghiệp phải đi vào thực chất
- 30/03/2013 07:25
 
Làm việc với Thành ủy Hà Nội và các doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, các ngân hàng luôn đồng hành với doanh nghiệp, nhưng không thể cứ mãi "đếm cua trong lỗ" mà phải hỗ trợ bằng thực lực.
TIN LIÊN QUAN


Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng khẳng định, thời gian tới, chính sách tiền tệ cũng sẽ được nới lỏng hơn và phấn đấu giảm tiếp lãi suất để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gỡ khó.

Lãi suất cho vay xoay quanh 10%

Đại diện giới doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đóng trên địa bàn Thủ đô, ông Vũ Thanh Sơn-Tổng giám đốc Công ty Thương mại Hà Nội, kiến nghị ngân hàng cần tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay xuống khoảng 10% đồng thời "nới" các điều kiện cho vay để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

"Doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước có thể tiếp cận đồng vốn vay dễ dàng. Thế nhưng, những doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà Tổng công ty chúng tôi hiện có khoảng 40 công ty thành viên với hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ, thì rất khó tiếp cận vốn vay do tài sản thế chấp ít," ông Sơn cho biết.

Hơn nữa, theo ông Sơn, hiện đang tồn tại 3 tình trạng, đó là doanh nghiệp có tâm lý sợ đi vay, còn ngân hàng thì sợ cho vay. Trong khi đó, lãnh đạo, cán bộ tín dụng của các ngân hàng thì lo lắng, sợ bị trách nhiệm dẫn đến rụt rè trong các quyết định cho vay. Hơn nữa, tâm lý lợi dụng khó khăn, một số ít doanh nghiệp không tốt đã "kéo theo" tiếng xấu cho cả các doanh nghiệp làm ăn đứng đắn, dẫn đến cùng nhau chìm trong khó khăn.

Chính vì vậy, bên cạnh kiến nghị về giảm lãi suất, ông Sơn cũng mạnh dạn đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kéo dài cơ chế khoanh nợ, giãn nợ đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn để tiếp tục có phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh.

"Ngân hàng Nhà nước nên chăng đóng vai trò là một trọng tài quan sát trên sân, với doanh nghiệp và các ngân hàng chính là cầu thủ thi đấu. Nếu trọng tài công tâm và nhìn bao quát, sâu hơn thì sẽ 'phân loại' được doanh nghiệp nào 'chơi tốt' hay doanh nghiệp nào cần bị loại khỏi cuộc chơi," ông Sơn ví von.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty Dệt 19-5 Đỗ Văn Minh lại chia sẻ: "Các doanh nghiệp dệt may có thể ký được đơn hàng từ nay cho đến tháng 12/2013, nhưng ngặt một nỗi không dám làm vì không có... tiền."

Theo ông Minh, nhiều doanh nghiệp dệt may đang rất muốn "phục thù," khôi phục sản xuất nên rất cần sự hỗ trợ đắc lực từ phía các ngân hàng.

Chính vì vậy, vị Tổng giám đốc này cũng đưa ra kiến nghị ngân hàng giảm lãi suất cho vay xuống khoảng từ 9-10% đồng thời nới lỏng các điều kiện về tín nhiệm để doanh nghiệp được tiếp cận với vốn vay dễ dàng hơn...

Trước thực tế này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Dư địa cho việc giảm tiếp lãi suất là vẫn còn, nhưng phụ thuộc vào việc kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường giá cả trong nước. "Trong tình hình hiện nay do còn nhiều yếu tố có thể khiến chỉ số CPI tăng (do điều chỉnh giá xăng dầu, tăng viện phí...) thì trần lãi suất vẫn phải duy trì để tạo ổn định chung cho thị trường. Nếu thanh khoản của các ngân hàng duy trì tốt như hiện nay cùng các điều kiện vĩ mô khác, chúng tôi có thể cân nhắc bỏ trần lãi suất và mặt bằng lãi suất có thể giảm xuống thêm," người đứng đầu Ngân hàng trung ương cho hay.

Theo Thống đốc, hiện các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được vay với mức lãi suất 11%. Thậm chí, có tổ chức tín dụng cho vay ra với lãi suất chỉ còn 8% (đối với kỳ hạn ngắn từ 3-6 tháng). Thế nhưng, rõ ràng các doanh nghiệp đều hiểu đây chưa phải là mức lãi suất áp dụng "đại trà". "Các doanh nghiệp cần hiểu là chính sách thì phải có độ trễ và chúng tôi đang hy vọng trong khoảng từ 1-2 tháng tới đây, mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh bình thường sẽ xoay quanh khoảng 10% (dao động từ 9-11%) áp dụng cho các khoản vay mới và các khoản cho vay cũ phấn đấu đưa xuống dưới 15%," Thống đốc nói.

Riêng đối với các khoản vay có bảo lãnh, Thống đốc cũng cho biết vấn đề này có liên quan đến quy định về thư bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển và Bộ Tài chính. "Theo tôi được biết thì số dư khoản bảo lãnh này chỉ khoảng một vài trăm tỷ, rất thấp. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có kiến nghị Bộ Tài chính cần có các quy định hướng dẫn cụ thể để có cơ chế bảo lãnh hợp lý, từ đó tạo điều kiện để các ngân hàng mạnh dạn cho vay vốn," ông Bình nhấn mạnh.

Mặt khác, bên cạnh dư địa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cũng cần phải phát huy vai trò hơn nữa. "Nếu cố lắm lãi suất cho vay cũng chỉ có thể xuống thêm được 2-3% là hết mức. Vì vậy, không thể cứ 'đếm cua trong lỗ' nếu chính sách tài khóa không phát huy qua việc giảm các loại thuế và phí cho doanh nghiệp. Tất nhiên, việc giảm bao nhiêu và giảm như thế nào thì cần phải tính toán và có lộ trình," Thống đốc nói.

Dành từ 20.000-40.000 tỷ đồng cho bất động sản

Ông Nguyễn Minh Quang-Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị Hà Nội (UDIC) lại nêu những cái khó của doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.

"Mặc dù là một doanh nghiệp lớn trong ngành kinh doanh bất động sản, nhưng chúng tôi cũng có 5 doanh nghiệp xây lắp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do thị trường trầm lắng, không bán được hàng," ông Quang nói.

Một điểm đáng chú ý là chính bản thân lãnh đạo doanh nghiệp này cũng thẳng thắn nhìn nhận một thực trạng hiện nay là nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quen với hình thức phá sản, nên vẫn có tâm lý e ngại. Cùng với đó là các quy trình, thủ tục vô cùng rườm rà của các cơ quan chức năng cũng khiến cho việc "ra đi" của các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thêm phần khó khăn...

Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong năm 2013 ngân hàng sẽ dành một gói tín dụng từ 20.000 – 40.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay ưu đãi 6%/năm, áp dụng trong 3 năm đầu cho các đối tượng thu nhập trung bình vay để mua nhà. Giải đáp về những ý kiến còn băn khoăn về lãi suất sau thời hạn 3 năm, Thống đốc Bình nhấn mạnh: "Nếu sau thời điểm 3 năm, lãi suất thị trường cao hơn 6% thì lãi suất cho vay sẽ ổn định trong suốt thời gian vay; còn nếu lãi suất thị trường thấp hơn mức 6% thì lãi suất cho vay của gói tín dụng này sẽ chỉ bằng 50% (tức là 3%). Vì vậy, những đối tượng thuộc diện vay vốn có thể yên tâm."

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế theo quyết định 780 là kéo dài thời gian gia hạn nợ, giãn nợ đối với các doanh nghiệp có khó khăn. Đây có thể coi là một nỗ lực rất lớn của hệ thống ngân hàng, bởi theo con số thống kê hiện nay, đã có khoảng 260.000 tỷ đồng được cơ cấu lại nợ trên cả nước (chiếm xấp xỉ 10% tổng sư nợ của nền kinh tế); trong đó riêng Hà Nội là 154.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng khuyến cáo doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng về sự rủi ro của "cục nợ" này, bởi nếu doanh nghiệp được giãn nợ mà không có phương án làm ăn tốt, khoản nợ xấu có thể "ập" xuống bất cứ lúc nào.

Trước kiến nghị của các doanh nghiệp về việc nới lỏng các điều kiện về tiêu chí đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp, Thống đốc Bình cho hay Ngân hàng Nhà nước không chủ trương hạ chuẩn tín dụng, nhưng cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá thực lực doanh nghiệp để có thể áp dụng linh hoạt các quyết định cho vay. "Tuy nhiên, các doanh nghiệp và cả ngân hàng cũng phải cân nhắc điều này để lượng đoán cho tương lai," Thống đốc Bình nói.

Tỷ giá ổn định, không cố định

Xung quanh kiến nghị của các doanh nghiệp về việc phá giá VND, tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu, Thống đốc Bình khẳng định: Chính sách điều hành tỷ giá luôn được tính toán một cách thận trọng dựa trên cơ sở cân đối các yếu tố vĩ mô và góp phần bình ổn thị trường giá cả trong nước. "Chúng tôi không cố giữ ổn định tỷ giá một cách vô lý mà cung cách điều hành sẽ là Ngân hàng Trung ương chỉ đưa ra tỷ giá trung tâm và biên độ giao dịch, còn lại là do cung-cầu thị trường điều tiết," ông Bình cho hay.

Lý giải thêm về vấn đề này, Thống đốc Bình cho biết trong năm 2012 vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã mua vào ngoại tệ với giá cao hơn mức tỷ giá trung tâm, đây cũng chính là động thái hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu cùng với chính sách về cho vay bằng ngoại tệ với lãi suất ưu đãi. Riêng trong hai tháng đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước cũng đã mua vào 5 tỷ USD để giữ ổn định tỷ giá.

"Nếu chúng tôi không tung tiền ra mua vào, tỷ giá sẽ còn 'rớt' nữa. Vì vậy, không thể nói là Ngân hàng Nhà nước giữ cố định tỷ giá. Chúng tôi khẳng định sẽ duy trì tỷ giá ổn định và Ngân hàng Nhà nước đủ sức để làm điều đó. Bởi hiện vốn khả dụng dư thừa trong nền kinh tế luôn được giữ ở mức từ 40.000-50.000 tỷ đồng (tương đương 2-2,5 tỷ USD) và trong điều kiện dự trữ ngoại hối hiện nay, số tiền này có thể được bán ra để can thiệp tỷ giá bất kỳ khi nào cần thiết," ông Bình chia sẻ./.

Tính đến cuối tháng 2/2013 dự nợ tín dụng địa bàn Hà Nội đạt trên 600.000 tỷ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; dư nợ đối với xuất khẩu chiếm 7,8%, tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 8,8%, dự nợ cho vay đối tượng chính sách xã hội chiếm 0,63% tổng dư nợ.

Khánh Chi (Vietnam+)

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư