Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hóa giải trở ngại để M&A tăng tốc
Anh Hoa - 25/07/2016 09:37
 
Trở lại mốc kỷ lục từng đạt được những năm trước đó, xuất hiện thương vụ tỷ đô đình đám, với tốc độ tăng trưởng có xu hướng ngày càng cao, thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam hiện ảnh hưởng khá lớn tới nhiều ngành, nhiều thị trường và nền kinh tế. Song cũng chính thị trường này đang đòi hỏi phải sớm hóa giải những vấn đề phát sinh để có thể tăng tốc ấn tượng hơn.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, cùng với sự sôi động của thị trường khu vực và thế giới, năm 2015, quy mô giá trị thị trường M&A tại Việt Nam đã trở lại mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD từng thiết lập trong năm 2012. Đặc biệt, chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2016, giá trị các thương vụ M&A ước tính đã vượt mốc 3 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo 2016 là năm sôi động cho các giao dịch mới trên thị trường M&A, với quy mô có thể đạt 6 tỷ USD.

.
Diễn đàn M&A Việt Nam - sự kiện thường niên lớn nhất Việt Nam về mua bán, sáp nhập và đầu tư chiến lược

Không chỉ xác lập kỷ lục về giá trị, mà thị trường còn chứng kiến các thương vụ M&A quy mô, có tác động lan tỏa. Đi đầu trong năm qua cũng như thời gian gần đây là ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng, khi hai ngành hàng này chiếm tới 38,46% tổng giá trị thương vụ M&A. Đặc biệt là, chỉ riêng thương vụ đình đám giữa Central Group mua lại Big C và Tập đoàn Singha Asia trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tập đoàn Masan đã chiếm 24,8% giá trị M&A năm 2015 và nửa đầu 2016.

Trên bình diện tổng thể, có thể dự báo rằng, những năm tới sẽ xuất hiện thêm nhiều thương vụ lớn trong các lĩnh vực tiềm năng như bán lẻ, hàng tiêu dùng, bất động sản... ở Việt Nam. Ngoài ra, viễn thông, năng lượng, hạ tầng cảng biển và hàng không, vật liệu cũng xuất hiện những thương vụ quy mô. Đáng lưu ý nữa là nhiều khả năng vào thời điểm cuối 2016, đầu 2017, cùng với những động thái mạnh mẽ về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân, cải cách một số luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tham gia tích cực hơn vào hoạt động M&A. Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài càng tăng khi việc ký kết và nỗ lực xúc tiến ký kết các thỏa thuận thương mại thế hệ mới được xem là sự đảm bảo của Chính phủ về môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định tại Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam đang bước sang chu kỳ phát triển mới trong không gian kinh tế mới, với những thuận lợi được cho là cơ hội vàng, không gian kinh tế của Việt Nam đang được mở rộng hơn bao giờ hết. Để tiếp cận nhanh thị trường Việt Nam, thì M&A vẫn là công cụ hữu hiệu mà nhiều tập đoàn đa quốc gia lựa chọn.

Tuy nhiên, dòng vốn mới này sẽ có những điểm khác so với những năm 2007, 2008 - thời điểm mà nhà đầu tư nước ngoài rất khó tìm địa chỉ đầu tư khi muốn làm ăn tại Việt Nam. Sau thời kỳ thị trường chứng khoán và bất động sản phát triển nóng, các nhà đầu tư đã rút ra những kinh nghiệm quý. Giờ đây, họ sẽ thận trọng hơn khi ra quyết định đầu tư, hướng dòng vốn của mình vào những doanh nghiệp thực sự có năng lực cạnh tranh, có triển vọng. Cách đưa vốn vào Việt Nam thông qua các thương vụ M&A mà các nhà đầu tư Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... áp dụng có thể xem là thí dụ điển hình.

Song để M&A thực sự là kênh huy động vốn hiệu quả, các nhà quản lý nhà nước và bản thân doanh nghiệp phải xác định rằng, ngoài việc phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thì việc đưa ra các cam kết là chưa đủ, mà khả năng thực thi cam kết mới là nhân tố tác động tích cực đến dòng vốn này.

Qua các thương vụ M&A đang đặt ra một loạt vấn đề cần được hóa giải. Chẳng hạn, Bộ Tài chính đã gỡ rào cản về tỷ lệ vốn nhà đầu tư nước ngoài được mua thông qua quyết định nới room, nhưng quy định này còn vướng khi áp dụng cụ thể tại một số doanh nghiệp vì cam kết hội nhập. Hay các quy định pháp lý liên quan đến thuế chuyển nhượng cần được thực thi thế nào trước khi diễn ra thương vụ M&A để tránh thất thoát cho Nhà nước? Đặc biệt, M&A còn bị rào cản về tâm lý bởi một doanh nghiệp Việt Nam hôm nay được yêu mến, nhưng ngày mai có thể bị tẩy chay nếu bán cho nước ngoài...

Việc xóa bỏ các rào cản hay đi tìm câu trả lời cho vấn đề trên cần được các bên thực hiện có trách nhiệm để thúc đẩy thị trường M&A phát triển lành mạnh, thực sự trở thành kênh huy động vốn hữu hiệu. Đây cũng là yếu tố góp phần thúc đẩy quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và nền kinh tế.

Diễn đàn M&A Việt Nam - sự kiện thường niên lớn nhất Việt Nam về mua bán, sáp nhập và đầu tư chiến lược do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức từ năm 2009 đến nay.

 Với chủ đề “Cơ hội trong không gian kinh tế mở”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 sẽ được tổ chức vào ngày 18/8/2016 tại TP. HCM, bao gồm các hoạt động hội thảo, phổ biến kiến thức và kết nối đầu tư. Dự kiến sẽ có khoảng 500 lãnh đạo doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự sự kiện.

Cơ hội M&A rộng mở trong thị trường 600 triệu dân
Với việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đang nổi lên như là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư