Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hoà Phát trên đường chạy với thép
Thanh Hương - 07/02/2017 16:30
 
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án thép trị giá khoảng 3 tỷ USD đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi trao cho Tập đoàn Hoà Phát (HPG) trong ngày hôm qua (6/2). Vài ngày trước, doanh nghiệp đang ở vị trí lớn nhất ngành thép của Việt Nam này đã công bố mức lợi nhuận sau thuế là 6.600 tỷ đồng năm 2016.

Trụ cột… thép

Trong những ngày đầu tiên của năm Đinh Dậu 2017, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã công bố kết quả kinh doanh đạt được trong năm 2016 với mức doanh thu và lợi nhuận khủng.

Theo đó, tổng doanh thu của HPG là gần 34.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt mức 6.600 tỷ đồng, tăng tương ứng 34% và 89% so với 2015. Con số  này được xem là cao nhất từ khi HPG hoạt động.

.
Thép là mảng kinh doanh chính của Hoà Phát

Thép - mảng kinh doanh chính của HPG tiếp tục là trụ cột, đóng góp tới 80% cho thành tích doanh thu và lợi nhuận trên.

Năm 2016, lần đầu tiên kể từ khi tham gia thị trường thép, HPG đã trở thành doanh nghiệp có thị phần thép xây dựng lớn nhất Việt Nam với sản lượng 1,8 triệu tấn.

Nếu so với tổng lượng thép cán được sản xuất năm 2016 là 8,5 triệu tấn, như số liệu công bố của Hiệp hội thép Việt Nam, thị phần của HPG là trên 21%.

Mảng kinh doanh ống thép với 500.000 tấn các loại cũng giúp HPG tiếp tục dẫn đầu về sản lượng tiêu thụ, chiếm 26% thị phần của cả nước. Đây cũng là năm ống thép thiết lập kỷ lục lớn nhất từ trước đến nay.

Tất nhiên, với HPG, kinh doanh không chỉ có thép. HPG khởi nguồn từ lĩnh vực nội thất, điện lạnh, thiết bị phụ tùng, đã mở rộng sang đầu tư bất động sản và đặc biệt bắt đầu tiến công vào nông nghiệp.

Theo công bố của HPG, Nội thất Hòa Phát tiếp tục khẳng định thị phần số 1 về hàng văn phòng.

Trong lĩnh vực bất động sản, ngoài Khu công nghiệp Phố Nối A và Khu công nghiệp Hòa Mạc, năm 2017, HPG sẽ triển khai 2 dự án lớn là Khu công nghiệp Yên Mỹ 200 ha và đặc biệt Khu đô thị Bắc Phố Nối 260 ha đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở cho các khu công nghiệp và dân cư ven Hà Nội. Mảng kinh doanh bất động sản này từng được lãnh đạo HPG khẳng định, sẽ chỉ ở quy mô vừa phải, với doanh thu và lợi nhuận ở mức 10% doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn.

Với lĩnh vực nông nghiệp, HPG đang xác định đây là lĩnh vực nằm trong chiến lược dài hạn và được ưu tiên nguồn lực trong những năm tới.

Hiện nhà máy thứ nhất tại Hưng Yên công suất 300.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động. Tiếp đó Nhà máy thứ hai tại KCN Long Khánh, tỉnh Đồng Nai với công suất tương tự đang được hoàn thiện. Ngay trong năm 2017, HPG sẽ xây dựng nhà máy thứ ba tại Phú Thọ với công suất tương tự để phục vụ cho khu vực Tây Bắc. Mục tiêu được đặt ra là đạt sản lượng trên 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi và phát triển đàn lợn hơn 1 triệu con đến năm 2020.

Tuy nhiên, có thể thấy, quy mô đầu tư hay lợi nhuận từ nông nghiệp trước mắt sẽ kém rất xa những gì thép mang lại.

Tận dụng chính sách

Nếu nhìn vào bảng thống kê doanh thu và lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2013 - 2016 được HPG công bố, có thể thấy sự gia tăng đột biến về lợi nhuận trong năm 2016.

Cụ thể, các năm 2014-2015 không có sự chênh lệch nhiều về doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Tới năm 2016, doanh thu chỉ tăng khoảng 6.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng tới 3.000 tỷ đồng, gần bằng lợi nhuận của cả năm 2015 (có doanh thu lên tới 27.864 tỷ đồng).

Dự án thép của HPG có công suất 4 triệu tấn thép/năm, chia làm 2 giai đoạn với thời hạn hoạt động 70 năm. 

 

Với thực tế ngành hàng thép vẫn đóng góp tới 80% doanh thu và lợi nhuận của toàn tập đoàn, câu chuyện lợi thế trong ngành thép của HPG là không thể bỏ qua.

Cần phải nói lại rằng, năm 2016 cũng đánh dấu nhiều thay đổi trong ngành thép lẫn hoạt động của mảng thép tại HPG.

Cụ thể, việc hoàn thành đầu tư Khu liên hợp Gang thép tại Kinh Môn, Hải Dương, năng lực sản xuất phôi của HPG hiện vào khoảng 1,8-2 triệu tấn/năm và có thể cán ra chừng ấy thép xây dựng. Tiêu thụ thép xây dựng năm 2015 chỉ là 1,4 triệu tấn, đã được nâng lên thành 1,8 triệu tấn trong năm 2016, tức là tăng trưởng về tiêu thụ tới 30%.

HPG cũng tranh thủ cơ hội giá kim loại thế giới đang dễ mua để nhập khẩu quặng số lượng lớn, giá rẻ hơn đáng kể so với dùng quặng khai thác trong nước.

Người đứng đầu HPG, ông Trần Đình Long, trong các cuộc gặp mặt cổ đông rất tự tin cho rằng, thép Hòa Phát có giá cả cạnh tranh, “chiến đấu” được cả trong nước lẫn cạnh tranh sòng phẳng với thép Trung Quốc, kể cả Formosa.

Điều này lại càng đúng khi thép sản xuất trong nước nhận được sự bảo hộ mạnh mẽ của Nhà nước trong năm 2016 với cả sản phẩm thép thành phẩm và phôi thép.

“Trung Quốc không chỉ phá giá đồng nhân dân tệ, mà còn đang dư thừa rất lớn, tới cả trăm triệu tấn. Một vài nhà máy đã đến điểm lỗ, nên phải tìm cách xuất khẩu sản phẩm. Điều này đã khiến thép Trung Quốc tràn sang Việt Nam, gây áp lực lớn với toàn bộ ngành thép nội”, ông Long nói.

Để bảo vệ sự nghiệp đầu tư của mình, Hòa Phát không ngại ngần tuyên chiến với thép nhập khẩu, khi cùng với Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và Công ty cổ phần Thép Việt Ý (chiếm 38,6% tổng sản lượng phôi thép sản xuất trong nước và 34,2% với thép dài) đứng đơn đề nghị áp dụng biện pháp tự vệ đối với hai mặt hàng này.

Biện pháp tự vệ đã được Bộ Công thương ban hành thông qua quyết định áp thuế tạm thời và sau đó là áp thuế chính thức trong năm 2016.

Theo đó, thời gian áp thuế suất mức 23,3% với phôi thép nhập khẩu từ ngày 23/3/2016 sẽ kéo dài và giảm dần để về mức 17,3% ở thời điểm 21/3/2020 và sau đó về 0%.

Đối với thép dài, mức thuế tự vệ sẽ là 14,2% từ 22/3/2016 và giảm dần theo lộ trình về mức 10,9% thời điểm 21/3/2020 và sau đó về 0%.

Đường đi còn dài

Có lẽ xác định thép là ngành hàng mang lại lợi nhuận chủ đạo, nên HPG không ngừng tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.

Theo kế hoạch, chiều nay, ngày 6/2/2017, Giấy chứng nhận đầu tư của Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi, có quy mô vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD sẽ được trao cho HPG tại Quảng Ngãi.

Dự án thép của HPG có quy mô vốn đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng, công suất 4 triệu tấn thép/năm, chia làm 2 giai đoạn với thời hạn hoạt động 70 năm. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ sản xuất 2 triệu tấn thép/năm với sản phẩm thép thanh và thép cuộn chất lượng cao. Giai đoạn 2, cũng có công suất 2 triệu tấn/năm với sản phẩm thép cuộn cán nóng bề dày từ 1,2 - 19 mm, khổ rộng từ 700-1650 mm.

Việc tìm được nhà đầu tư tiếp quản dự án dở dang và tiếp tục đầu tư luyện cán thép cũng nhận được sự ủng hộ của các bộ, ngành liên quan, bởi giảm được lãng phí nguồn vốn đã đầu tư và tận dụng được quỹ đất 375 ha cho dự án.

Theo một chuyên gia trong ngành, mặc dù sản phẩm thép dài (thép thanh vằn và thép cuộn) trong nước đang dư thừa công suất, nhưng với tốc độ tăng trưởng nhu cầu thép trong nước là 10%/năm và lợi thế của Dự án khi đầu tư cả dây chuyền từ quặng sắt - gang - phôi thép - cán thép với quy mô công suất lớn sẽ giảm được giá thành sản xuất thép, nên sản phẩm của Dự án sẽ có sức cạnh tranh so với các dự án thép quy mô nhỏ.

Theo Báo cáo của chủ đầu tư, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất lựa chọn dây chuyền công nghệ hiện đại, phù hợp với tiêu chuẩn các nước châu Âu, G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Trước thời điểm nghỉ Tết Đinh Dậu 2017, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương đầu tư Dự án này và giao cho Bộ Công thương thẩm định thiết kế cơ sở của Dự án, trong đó đảm bảo nhà đầu tư tuân thủ các cam kết về công nghệ, thiết bị và các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường theo quy định của pháp luật; Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi giám sát nhà đầu tư thực hiện các cam kết về công nghệ thiết bị sản xuất quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi xây dựng phương án quan trắc, giám sát về môi trường đối với Dự án, đảm bảo nhà đầu tư tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và các cam kết.

Rất có thể, ngay năm 2018, Dự án này sẽ chính thức hoạt động để tận dụng triệt để ưu đãi không dễ có từ các biện pháp phòng vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài hiện nay.

Dẫu vậy, một số dự đoán cũng nhắc tới câu chuyện HPG sẽ không dừng lại ở các dự án luyện gang, sản xuất phôi và cán thép. Xa hơn một chút, mỏ quặng sắt Thạch Khê có thể là đích ngắm mới của HPG..

Trong quá khứ, đại gia ngành thép này từng mua là 5% cổ phần của cổ đông sáng lập là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng như không giấu tham vọng sẽ nắm được 51% vốn trong Công ty cổ phần khai thác mỏ sắt Thạch Khê (TIC). Tuy nhiên, cũng chưa biết tương lai của mỏ sắt Thạch Kê ra sao, nên khó đoán định điều gì trong kế hoạch này.

Song, điều có thể nói ngay là với các dự án đang triển khai, Hòa Phát chắc chắn sẽ đi con đường dài với thép.

Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư Dự án Gang thép Hòa Phát Dung Quất
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư Dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Quảng Ngãi.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư