Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Hoạt động của tham tán thương mại: Cánh tay nối dài của Chính phủ
Thế Hải - 29/02/2016 09:39
 
Doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng nhận được sự trợ từ Thương vụ để định hướng sản xuất, chủng loại sản phẩm, nhằm tạo nên ưu thế cạnh tranh khi xuất khẩu.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Việt Nam có 56 Thương vụ và 7 chi nhánh tại các khu vực châu Á, châu Âu, Tây Phi, Tây Á - Nam Á và khu vực châu Mỹ. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

“Năm 2015, nếu không nhờ kênh tham tán thương mại ở nước ngoài thì xoài Cát Chu tại Đồng Tháp khó có thể xuất khẩu sang Nhật, trái nhãn tươi cũng khó mà vào được thị trường Mỹ. Các đơn hàng xuất khẩu thủy sản cũng nhận được sự hỗ trợ đáng kể của các đại diện thương mại nước ngoài”, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ tại tổng kết Công tác thị trường nước ngoài trong khuôn khổ Hội nghị Tham tán Thương mại 2016 diễn ra 26/2/2016 tại Hà Nội.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Tháp năm 2015 đạt 777 triệu USD trong bối cảnh mặt hàng chủ lực là gạo và thủy sản bị giảm về giá, khiến giá trị xuất khẩu gạo chỉ còn 100 triệu USD, cá tra 615 triệu USD…

Theo ông Phong, với sự nỗ lực của doanh nghiệp tại Đồng Tháp và nếu nhận được sự thông tin, hướng dẫn kịp thời, cụ thể từ phía các thương vụ, hàng hóa của doanh nghiệp tại địa phương sẽ có cơ hội đến với nhiều thị trường xuất khẩu hơn và thu về giá trị lớn hơn, chứ không dừng ở kết quả như 2015.

Mong muốn gia tăng xuất khẩu, được tư vấn cụ thể về các mặt hàng xuất khẩu mà nước sở tại có nhu cầu cao, nhưng theo ông Phong, bản thân các doanh nghiệp tại Đồng Tháp cũng rất hiểu, bởi lực lượng tham tán thương mại hiện đang rất mỏng về nguồn lực cũng như bị hạn chế về kinh phí hoạt động, phương tiện đi lại không chủ động…

“Chúng tôi được biết, Bộ phận Thương vụ tại một số thị trường chỉ có 1 người, nhưng còn phải đảm nhiệm  công việc của Cơ quan đại diện giao, có muốn cũng khó mà giúp các doanh nghiệp trong nước kết nối với đối tác nhập khẩu”, ông Phong nói.

Bộ Công thương cho biết, tính đến nay, Việt Nam có 56 Thương vụ và 7 chi nhánh tại các khu vực châu Á, châu Âu, Tây Phi, Tây Á - Nam Á và khu vực châu Mỹvới 147 biên chế, nhưng thực tế có mặt chỉ là 127 biên chế.

Đại diện cho Cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam đã tham gia vào một loạt các FTA thế hệ mới, thì điều doanh nghiệp mong mỏi là các Thương vụ cần thông tin chi tiết, cập nhật về các thị trường TPP và các thị trường châu Âu. Đây đều là những thị trường quan trọng của thủy sản, dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ… trong nhiều năm tới.

Không chỉ bó gọn trong việc kết nối xuất khẩu, mà Thương vụ hãy thể hiện nhiệm vụ là “cánh tay nối dài của Chính phủ”, với những tham mưu về chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, định hướng sản xuất chủng loại sản phẩm/mặt hàng có ưu thế cạnh tranh…

“doanh nghiệp sẵn sàng trả kinh phí cho các cơ quan Thương vụ nước ngoài, nếu Thương vụ cung cấp dịch vụ, thông tin ngành hàng, cảnh báo doanh nghiệp trong trường hợp hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu, hỗ trợ doanh nghiệp trong những tranh chấp thương mại…”, ông Lộc cho biết thêm.

Đơn cử với thị trường Mỹ, một trong những thị trường xuất khẩu lớn của nhiều hàng hóa trong nước, cũng là thị trường chủ lực khối TPP, ngay từ lúc này, doanh nghiệp mong muốn các Tham tán thương mại kết nối họ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Mỹ, vì đây là đối tượng làm ăn phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước và chính các doanh nghiệp Mỹ cũng thiếu thông tin về các nhà sản xuất trong nước, đại diện VCCI đề nghị.

Liên quan đến triển vọng tăng nhanh xuất khẩu hàng hóa sang TPP, EVFTA, VKFTA…, ông Đào Trần Nhân, Tham tán Công sứ thương mại tại Mỹ cho rằng, các hiệp định thương mại đã được ký kết sẽ tạo ra cơ hội mới cho xuất khẩu, cho các ngành sản xuất của Việt Nam. Trong số 11 nước sẽ tham gia TPP, xuất khẩu vào Hoa Kỳ của Việt Nam đứng đầu về mặt hàng dệt may và da giày.

Rõ ràng, cơ hội tăng xuất khẩu với 2 mặt hàng này là rất lớn, nếu nhìn vào mức thuế mà dệt may và da giày Việt Nam đóng thuế trong xuất khẩu. Năm 2014, Việt Nam phải đóng thuế gần 1,68 tỷ USD cho mặt hàng dệt may vào Mỹ, chiếm tới 3/4 tổng số thuế Mỹ thu được tại tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Với ngành da giày, theo ông Nhân, hàng năm Mỹ dùng 2,5 tỷ đôi giày, thuế thu từ giày hơn 2,7 tỷ USD. Theo tính toán của Hiệp hội Giày dép Hoa Kỳ, khi TPP thực thi, Việt Nam sẽ tăng xuất giày dép thêm 32%.

Năm 2015, xuất khẩu ngành da giày lần đầu tiên đã có sự thay đổi, khi EU sau nhiều năm là thị trường lớn nhất đã phải “nhường ngôi” cho thị trường Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách, ô dù… sang Mỹ đã chạm gần 5 tỷ USD.

Trên thực tế, sự “vênh” nhau giữa doanh nghiệp trong nước và Thương vụ ở nước ngoài đang là vấn đề được cả hai phía nêu nhiều nhất tai các kỳ Hội nghị tham tán thương mại. Trong khi nhiều Thương vụ “kêu” về hệ thống cung cấp thông tin từ trong nước còn yếu, chưa kịp thời và đầy đủ, thì doanh nghiệp cũng phàn nàn về thiếu thông tin từ các thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận được vai trò của các tham tán thương mại trong việc hỗ trợ xuất khẩu và càng hội nhập sâu, tham gia nhiều hơn các FTA, doanh nghiệp càng cần hơn những tư vấn về sản xuất chủng loại hàng hóa nào phù hợp, khuyến cáo về hàng khó cạnh tranh… để giảm thiểu rủi ro khi đưa hàng hóa đi xuất khẩu.

Thông tin mới nhất từ Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Nguyễn Trung Dũng đang là tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả. Ông Dũng cho hay, năm qua, trái xoài Việt Nam đầu đã đưa được vào siêu thị Aeon, Chiba để bán cho người Nhật. Nếu đưa được hàng hóa vào thị trường khó tính thì sẽ vào được các thị trường khác.

“Tôi nghĩ rằng, bên cạnh nỗ lực của tham tán, công tác xúc tiến thương mại cần phải được đổi mới để thêm nhiều trái cây chất lượng ở trong nước hiện diện tại Nhật. Nếu khâu xúc tiến thương mại được làm tốt hơn, cộng với sự hỗ trợ từ Tham tán tại Nhật, sẽ giúp người dân thu về giá trị gia tăng cao”, ông Dũng đề nghị.

Tìm đơn hàng xuất khẩu qua kênh tham tán thương mại
Tận dụng thời cơ tìm kiếm khách hàng, gia tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu hàng hóa… qua kênh tham tán thương mại tại thị trường nước ngoài luôn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư