Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hơn 300 "lao động cổ cồn" - những ông chủ đặc biệt tại TEDI
Anh Minh - 04/08/2016 08:26
 
Hơn 300 lao động “cổ cồn” tại Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông - vận tải (TEDI) đã bỏ tiền túi để mua gần 50% cổ phần tại doanh nghiệp.

Cho đến thời điểm này, sau khi mua thành công 20,3%/29% vốn điều lệ do Nhà nước nắm giữ tại đợt thoái vốn vào cuối tháng 5/2016, tập thể người lao động của TEDI đã trở thành cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp tư vấn xây dựng công trình hàng đầu Việt Nam này.

Cụ thể, hưởng ứng lời kêu gọi cho Công đoàn Tổng công ty, các kỹ sư, lao động bậc cao thuộc diện được mua cổ phần tại TEDI mua 2,53 triệu cổ phần, tương ứng với 20,3% vốn điều lệ mà Nhà nước quyết định thoái. Với giá thỏa thuận được Chính phủ phê duyệt là 15.851 đồng/cổ phần, người lao động tại đây đã bỏ ra 40,2 tỷ đồng. Tính cả đợt phát hành cổ phiếu để cổ phần hóa lần đầu vào năm 2014, người lao động tại TEDI đã bỏ ra gần 80 tỷ đồng để sở hữu một lượng lớn cổ phiếu hơn 6 triệu cổ phần.

Cầu Nhật Tân, một trong những công trình mà TEDI tham gia tư vấn. Ảnh: Đức Thanh
Cầu Nhật Tân, một trong những công trình mà TEDI tham gia tư vấn. Ảnh: Đức Thanh

Hiện tại, trong cơ cấu cổ đông tại đơn vị tư vấn giao thông uy tín nhất Việt Nam có số vốn điều lệ 125 tỷ đồng này, tập thể người lao động sở hữu 48,353% vốn điều lệ; công đoàn cơ sở chiếm 0,28%; cổ đông chiến lược FECON (Việt Nam) nắm 30,112%; Công ty TNHH Oriental Consultants (Nhật Bản) nắm 4,35%.

“Với cơ cấu vốn điều lệ này, người lao động TEDI đã thực sự được tham gia quản lý và làm chủ doanh nghiệp”, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Giao thông – Vận tải) cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, trong danh sách 390 cổ đông của TEDI được chốt đến thời điểm 31/5/2016, có tới 307 người TEDI. TEDI cũng là trường hợp hiếm hoi trong số hàng trăm doanh nghiệp GTVT mà người lao động giữ vị thế là cổ đông lớn nhất sau khi chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.

Một lãnh đạo Công đoàn Tổng công ty cho biết, nhiều kỹ sư đã thế chấp cả “sổ đỏ” tại ngân hàng để vay vốn mua cổ phần với niềm tin vào sự phát triển trong tương lai của doanh nghiệp.

Điều đáng nói là, mặc dù chỉ đứng thứ 3 về quy mô vốn sở hữu, nhưng các cổ đông tại TEDI vẫn đồng thuận ủng hộ ông Hitoshi Yahagi (thành viên HĐQT, đại diện phần vốn của đối tác Nhật Bản) làm Chủ tịch HĐQT TEDI. Sự tham gia của đối tác chiến lược đến từ Nhật Bản không chỉ làm tăng thêm uy tín, kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại, mà còn mở ra  cơ hội tìm kiếm việc làm ra các thị trường tư vấn quốc tế.

Vị trí Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty vẫn thuộc về ông Phạm Hữu Sơn, người có hơn 10 năm giữ chức vụ này. Bên cạnh đó, toàn bộ Ban Tổng giám đốc 6 người cũng đều là các chuyên gia đầu ngành của TEDI.

Đây cũng là phương án mà tập thể người lao động cũng như nhóm người đại diện phần vốn nhà nước tại TEDI kiến nghị với Chính phủ gần 1 năm qua, nhằm tránh cho TEDI không bị “tan đàn, sẻ nghé” do sự chia tay với các kỹ sư đầu đàn vốn là tài sản quý giá nhất với một doanh nghiệp tư vấn.

Theo ông Phạm Hữu Sơn, việc thoái toàn bộ vốn nhà nước sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp tái cơ cấu triệt để và tham gia sâu rộng hơn nữa vào thị trường xây dựng mà trước đây TEDI buộc phải đứng ngoài do bị bó buộc bởi “thân phận” là doanh nghiệp  trực thuộc Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT).

Theo lãnh đạo TEDI, kết quả này cho phép người lao động tại TEDI được tham gia làm chủ doanh nghiệp, đặc biệt đối với Tổng công ty là doanh nghiệp tư vấn, nguồn lực con người có trình độ chuyên môn cao là yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp tiếp tục phát triển và ổn định. Cần phải nói thêm, mặc dù cổ tức của TEDI trong 2 năm đầu tiên chuyển đổi không cao, chỉ đạt 10%, nhưng ngoài thương hiệu uy tín lâu năm, doanh nghiệp này còn sở hữu những kỹ sư tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực cầu, đường bộ và đường sắt.

Trước đó, trong văn bản góp ý phương án thoái vốn đặc biệt tại TEDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, giải pháp này không chỉ hình thành thế chân vạc đặc biệt trong cơ cấu cổ đông, mà còn hạn chế nguy cơ chảy máu chất xám, giúp đơn vị giữ được đội ngũ chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm. “Cần phải đảm bảo tổng số cổ phần do người lao động nắm giữ trong doanh nghiệp tối thiểu là 35% để có quyền phủ quyết đối với các vấn đề quan trọng của công ty cổ phần”, một lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị.

“Đối với doanh nghiệp tư vấn như TEDI, cổ tức không phải là tất cả. Sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với TEDI chính là giá trị thương hiệu tích lũy được từ chính đội ngũ kỹ sư tư vấn. Việc giữ chân người lao động thông qua việc trở thành những người chủ thực sự cũng là một giải pháp được chúng tôi tính đến”, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI chia sẻ quan điểm.

Cienco1: Chưa đầy một năm thay 2 tướng trẻ
Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) – nhà thầu xây dựng công trình giao thông lớn nhất Việt Nam lại thay Tổng giám đốc.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư