Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Hứng khởi, tràn đầy tự tin bước vào năm 2017
Thanh Hà - 01/01/2017 08:34
 
2016 là một năm đầy phấp phỏng lo toan của kinh tế Việt Nam và dù không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra, nhưng cũng đã có thể tạm yên tâm với con số 6,21%. Điều quan trọng là, nền kinh tế vẫn đầy hứng khởi khi bước vào năm 2017 và hứa hẹn những thành công mới.
TIN LIÊN QUAN

Một bản tango đầy màu sắc đã vang lên rộn rã khi năm 2016 bắt đầu, sau khi kinh tế Việt Nam bắt đầu hồi phục mạnh mẽ trong năm 2015, với tăng trưởng GDP đạt 6,68% - mức cao nhất trong vòng 5 năm. Đó được coi là bước chạy đà quan trọng để Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2016.

Vào thời điểm đó, đặc biệt là sau Đại hội Đảng lần thứ XII được tổ chức thành công, với chủ trương đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới, với quyết tâm tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, rất nhiều kỳ vọng và tin tưởng rằng, tăng trưởng kinh tế 2016 sẽ không mấy khó khăn để đạt mục tiêu đề ra.

Cả nước tưng bừng đón năm mới 2017 - một năm hứa hẹn mang lại nhiều thành công mới. Ảnh: Lê Toàn
Cả nước tưng bừng đón năm mới 2017 - một năm hứa hẹn mang lại nhiều thành công mới. Ảnh: Lê Toàn

Nhưng rồi khó khăn ập đến. Thiên tai, xâm nhập mặn cả miền trong lẫn miền ngoài, khiến sản xuất nông nghiệp gặp khó. Sản xuất công nghiệp cũng chưa sớm phục hồi, xuất khẩu cũng tăng trưởng chậm lại. Kết quả là, quý I/2016, tăng trưởng GDP chỉ ở mức 5,48%. Bắt đầu những nỗi lo cho kinh tế cả năm. Bắt đầu những dự báo mơ hồ rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 có thể không đạt được…

Tháng 4/2016, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chọn Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu tiên tới làm việc kể từ khi nhậm chức, nỗi lo ấy đã được cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô đệ trình lên người đứng đầu Chính phủ. Nhưng khi ấy, Thủ tướng cương quyết phải nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để đạt mục tiêu đề ra, từ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đến cải thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, rồi huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội…

Quý II, tăng trưởng GDP nhích dần lên 5,78%. Quý III, bất ngờ vọt lên 6,56%, để tính chung 9 tháng, GDP tăng trưởng 5,93%. Tất cả vỡ òa trong niềm vui khi kinh tế đang dần hồi phục. Đã bắt đầu có những tính toán rằng, cứ đà này, nếu tăng trưởng GDP quý IV bằng cùng kỳ năm 2015, thì cả năm kinh tế sẽ tăng trưởng 6,3 - 6,5%, tuy không đạt mục tiêu đề ra, song vẫn là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới và toàn cầu khó khăn, giá dầu vẫn ở mức thấp, kinh tế trong nước đang đối mặt với thiên tai và cả nhân tai.

Chuyện Formosa và vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung đã ám ảnh cả nền kinh tế trong năm 2016. Không chỉ là nỗi ám ảnh, những thiệt hại kinh tế là không thể đong đếm hết, khi hàng chục ngàn người mất việc và tăng trưởng GDP đã giảm điểm vì sự cố này.

Nhưng vượt qua tất cả, nền kinh tế đã kết thúc một năm 2016 đầy phấp phỏng lo toan bằng một con số được cho là chấp nhận được - tăng trưởng 6,21%. Đúng là mức tăng trưởng này thấp hơn kế hoạch 6,7% đề ra, cũng thấp hơn mục tiêu “quyết tâm đạt được” của Chính phủ là 6,3 - 6,5%, nhưng đã cao hơn mức tăng trưởng GDP trong 7 năm từ 2008 - 2014 và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân của các nước trong khu vực.

Nhìn ra xung quanh, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 13/12 đã phải giảm dự báo tăng trưởng năm 2016 của các quốc gia đang phát triển ở châu Á, với mức tăng trưởng chỉ khoảng 5,6%, thay vì 5,7% như dự báo trước đó. Trung Quốc có lẽ cũng chỉ tăng trưởng 6,6%, cả khu vực Đông Nam Á khoảng 4,5%...

Nhìn vậy để thấy mừng cho những nỗ lực mà Việt Nam đã đạt được. Chưa cao, chưa đạt kỳ vọng, nhưng cũng có thể tự hào, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung và bất ổn chung của kinh tế toàn cầu.

Hơn nữa, một cách công bằng, điều quan trọng với kinh tế Việt Nam 2016 là không nên chỉ nhìn ở con số tăng trưởng 6,21%, mà hãy nhìn vào những nỗ lực của Chính phủ trong xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động. Hãy nhìn vào quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, vào những động thái quyết liệt trong tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và những cải cách thể chế quan trọng, mà những thể chế này sẽ tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng và phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Ngay cả với sự cố Formosa, hãy nhìn vào mặt sau của vấn đề để thấy rằng, trong rủi có may, đây là lời cảnh tỉnh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam sẽ không vì lợi ích kinh tế trước mắt, vì tăng trưởng ngắn hạn mà hy sinh môi trường. Đó là hướng đi đúng cho một nền kinh tế phát triển bền vững, mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới muốn tăng trưởng và phát triển cũng cần hướng tới.

Bởi vậy, con số 6,21% tăng trưởng có thể được coi là một bước đi chậm lại, một sự hy sinh trong ngắn hạn để hướng tới một sự phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, khi những chương trình cải cách kinh tế quyết liệt được thực hiện.

Nhìn ở khía cạnh ấy để hứng khởi bước vào năm 2017, hứa hẹn những thành công mới, dù phía trước cũng còn bộn bề khó khăn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư