Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Huy động trái phiếu chính phủ: Không khó, không đáng lo ngại
Mạnh Bôn - 15/02/2015 08:05
 
Trong tháng 1 vừa qua, ngân sách nhà nước đã huy động được 25.569 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) - tín hiệu cho thấy, năm 2015, ngân sách có thể huy động đủ 441.000 tỷ đồng từ nguồn này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ 2015 xây dựng nông thôn mới
Thời điểm tốt để huy động vốn quốc tế
Năm 2014 huy động trái phiếu tăng đột biến
Giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2015

Năm 2015, ngân sách nhà nước sẽ huy động 85.000 tỷ đồng TPCP để đầu tư cho các công trình, dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua; 226.000 tỷ đồng để bủ đắp bội chi và cần phải thêm 130.000 tỷ đồng nữa để đảo nợ.

Trái phiếu kỳ hạn dài như lãi suất kỳ hạn 5 năm, bình quân chỉ còn khoảng 6%/năm

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đây là nhiệm vụ vô cùng nặng nề, tuy nhiên với những diễn biến thuận của thị trường trái phiếu, nếu quyết liệt ngay từ đầu năm, mục tiêu huy động đủ 441.000 tỷ đồng TPCP hoàn toàn có thể thực hiện được.

Trên thực tế thị trường trái phiếu đã diễn biến khá thuận lợi. Nhờ vậy, theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2014, tổng số vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu (TPCP, trái phiếu chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương) đạt 288.722 tỷ đồng, bằng 7,27% GDP. Trong đó, huy động thông qua phát hành TPCP đạt 234.067 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2013 và gấp 3,5 lần năm 2010.

Không chỉ thành công về khối lượng huy động, năm 2014, thị trường trái phiếu, đặc biệt là TPCP còn khá thành công về kỳ hạn phát hành và lãi suất huy động vốn cho đầu tư phát triển và đảo nợ. Cụ thể, kỳ hạn phát hành TPCP bình quân đạt 4,95 năm, tăng 1,74 năm so với năm 2013 với mức lãi suất giảm tương đối mạnh (giảm từ 1%-2,5%) so với mặt bằng lãi suất năm 2013. Đặc biệt, trái phiếu kỳ hạn dài như lãi suất kỳ hạn 5 năm, bình quân chỉ còn khoảng 6%/năm, giảm 2,5%/năm; kỳ hạn 10 năm khoảng 6,5%/năm, giảm 2,3%/năm và lãi suất kỳ hạn 15 năm chỉ còn khoảng 7,8%/năm, giảm 1,2%/năm so với mức trung bình 9%/năm của năm 2013. Theo Bộ trưởng Dũng, việc kéo dài được thời gian huy động với mức lãi suất thấp là cơ hội rất tốt để đảo nợ.

Theo số liệu quyết toán ngân sách nhà nước và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, năm 2011, nợ công của Việt Nam tương đương 50% GDP. Vì vậy, việc ngân sách đẩy mạnh huy động vốn khiến nhiều người lo lắng.

Trái với sự lo lắng đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu không đáng lo ngại, vì ngân sách sử dụng một phần trong số tiền huy động để thanh toán cho các khoản huy động với thời gian ngắn và lãi suất cao trước đây (đảo nợ). “Nếu như năm 2012, chúng ta mới sử dụng 20.000 tỷ đồng tiền huy động từ TPCP để đảo nợ, thì đến năm 2013 số tiền đảo nợ đã lên gấp đôi và năm 2014, số tiền đảo nợ vào khoảng 77.000 tỷ đồng. Năm 2015, số tiền đảo nợ dự kiến lên đến 130.000 tỷ đồng. Như vậy, sau khi trừ đi số tiền đảo nợ thì nghĩa vụ trả nợ chỉ vào khoảng 20 - 21% tổng thu ngân sách, thấp hơn tỷ lệ 25% mà Quốc hội đã cho phép”, ông Dũng lý giải.

Cũng theo người đứng đầu ngành tài chính, việc tăng huy động vốn trên thị trường trái phiếu để cơ cấu lại nợ không chỉ giảm gánh nặng phải trả nợ trước mắt, mà còn tránh được áp lực về tỷ giá trong trường hợp phải huy động vốn trên thị trường quốc tế vì nợ trong nước đã tăng từ 40,3% năm 2010 lên 54,5% vào năm 2014, ngược lại, nợ nước ngoài giảm từ 59,7% xuống còn 45,5%, mà còn tăng được hiệu quả sử dụng nguồn vốn vì huy động vốn với lãi suất thấp để trả các khoản nợ đã huy động với lãi suất cao trước đây.

“Do áp lực đầu tư, năm 2011, ngân sách phải huy động TPCP với lãi suất lên đến 11,9%/năm; năm 2012 lãi suất 10,03%/năm. Lãi suất huy động cao, thời gian huy động ngắn, nhưng lại đầu tư dài hạn vừa rủi ro, vừa gây áp lực trả nợ hàng năm. Tuy nhiên, năm 2013, lãi suất huy động TPCP chỉ còn 7,96%/năm và năm 2014 tiếp tục giảm xuống còn 6,81%/năm. Đây là cơ hội lớn để cơ cấu lại nợ, tăng hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn TPCP”, Bô trưởng Dũng cho biết.

Liên quan đến sử dụng nguồn vốn TPCP, trả lời các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, nguồn vốn này được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng. Cụ thể là tập trung phân bổ cho các dự án nằm trong danh mục dự án sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2014-2016.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội số vốn phân bổ cho từng dự án. Tất cả các dự án được phân bổ vốn đều nằm trong danh mục đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua để tập trung hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sử dụng vốn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định và cho biết thêm, năm 2013 có 96,5% số dự án chấp hành đúng tinh thần Chỉ thị 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn TPCP. Năm 2014, tỷ lệ dự án thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 1792/CT-TTg đạt tới 99,2%.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư