Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Huyền thoại về vùng đất ngàn năm văn vật
Trần Thái Phương - 10/10/2014 08:00
 
() Không chỉ những ai từng sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, mà ngay cả những người chỉ ghé qua Hà Nội đôi lần  đều có chung cảm nhận: Hà Nội quả là nơi kinh kỳ, hào hoa, thanh lịch và ngày càng hiện đại. Song để xứng tầm Thủ đô của đất nước, Hà Nội còn phải cố gắng về nhiều mặt.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Gắn biển chào mừng cho Dự án Thăng Long Number One
Hà Nội: Hào hùng những đêm lịch sử
Hà Nội rực rỡ cờ hoa mừng 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô
Chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Khai mạc triển lãm Thủ đô 60 năm xây dựng và phát triển
   
 

Cầu Nhật Tân, một điểm nhấn mới của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh

 

Không phải ngẫu nhiên, cách đây hơn một ngàn năm trước, Lý Công Uẩn, bậc minh quân vĩ đại bậc nhất của dân tộc, từng khẳng định Hà Nội: “Ở trung tâm cõi bờ đất nước, có cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, vị trí ở giữa bốn phương Đông Tây Nam Bắc, địa hình thế núi sông sau trước. Ở nơi đó địa thế rộng mà bằng phẳng, vùng đất cao mà sáng sủa, cư dân không khổ vì ngập lụt, muôn vật đều phì nhiêu tươi tốt. Xem khắp nước Việt ta chỗ ấy là nơi hơn cả, thực là chỗ bốn phương tụ hội, là nơi đô thành bậc nhất của Đế vương muôn đời!”.

Nhận xét này cho đến nay, càng ngày càng được củng cố và khẳng định cả về lý thuyết lẫn thực tế.

Hầu hết các nhà nghiên cứu về Hà Nội đều có chung nhận định: Hà Nội là nơi tập trung của nhiều cư dân gồm các dân tộc thuộc nhóm người Việt, người Hoa, người Pháp, người Ấn, người Chăm... và nhiều sắc tộc khác nhập cư trong các thời kỳ lịch sử khác nhau. Nhận định  trên có căn nguyên lâu dài từ lịch sử, bởi ngay từ thời cổ đại, đất Thăng Long xưa đã là nơi kết tụ của các làng quê thuần Việt, được hình thành từ các xóm làng có con sông, bờ ao, giếng nước, sân đình... Những dấu ấn nguyên thủy xa xưa ấy cho đến nay vẫn còn phảng phất đâu đó trên những con phố dài mờ sương ngập lá vàng rơi, những gánh hàng rong len lỏi trên những con phố cổ ngoằn ngoèo bụi bặm; những đình chùa miếu mạo trầm mặc uy nghiêm; những làng cổ với chi chít đường ngang lối tắt quanh co, bí ẩn...

Và nữa, Hà Nội còn là nơi giao thoa và chắt lọc những gì tinh túy nhất của các nền văn hóa lớn trên thế giới. Những nét đặc trưng văn hóa ấy biểu hiện rất rõ trong từng phong cách, ngôn ngữ, cách ăn mặc và đặc biệt là trong kiến trúc nhà cửa, đền đài miếu mạo; trong trang phục và văn hóa ẩm thực, những sinh hoạt dân gian qua những lễ hội và thú vui tao nhã như thú chơi hoa, trồng cây cảnh, chơi chim...

Hà Nội đa dạng và sinh động, nhưng có lẽ tựu trung, Hà Nội là một đô thị khá điển hình và độc đáo của hai nền văn hóa lớn Á - Âu kết tinh và hội tụ.

Dấu ấn Á Đông được du nhập vào Việt Nam từ khá sớm bằng các con đường từ giao lưu thương mại đến di cư tìm nguồn sống; hoặc đi theo con đường chiến tranh, nô dịch thuộc địa, du nhập tôn giáo, truyền bá tâm linh... Những cư dân đến vùng đất này, mặc dù đã trải qua quá trình địa phương hóa, nhưng những dấu ấn nguyên thủy, bản địa vẫn được bảo tồn ở một mức độ nhất định. Điều này được thể hiện rõ nhất trong ngôn ngữ như tiếng Hán là một ví dụ sinh động.

Ngoài ra, các tôn giáo như Đạo giáo, Lão giáo, Khổng giáo rồi đạo Phật sau này là đạo Thiên chúa đã để lại dấu ấn đậm nét và không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tâm linh của người Hà Nội. Rồi khi người Pháp vào Việt Nam, đương nhiên, họ đã để lại trên mảnh đất này nhiều đau thương và không ít bi kịch; nhưng cùng với đó, họ cũng đồng thời mang đến một sắc thái mới của phương Tây, làm mờ dần những nét văn hóa cổ kính lâu đời trên khắp các phố phường Hà Nội.

Hà Nội đa dạng và sinh động, nhưng có lẽ tựu trung, Hà Nội là một đô thị khá điển hình và độc đáo của hai nền văn hóa lớn Á - Âu kết tinh và hội tụ.

Những phố Tây mọc lên, những con đường, cây cầu mang tên Pháp, tạo cho Hà Nội một dáng vẻ mới. Người Pháp cũng đã thổi một luồng không khí văn minh vào hệ thống giáo dục và các cơ sở văn hóa của Hà Nội, làm giảm đi cái ngột ngạt, khép kín đầy gò bó, chật chội dựa trên các trật tự tôn ty kiểu chuyên chế phương Đông cổ xưa.

Tuy vậy, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, Thăng Long - Hà Nội vẫn còn ẩn chứa biết bao vẻ đẹp thơ mộng, độc đáo và đầy quyến rũ... Trải qua bao thế hệ, khu phố cổ Hà Nội vẫn hiển hiện là nơi đông đúc người dân sinh sống. Những làng nghề như Hàng Bạc, Hàng Thiếc, Hàng Lược, Hàng Chiếu... gắn chặt với các nghề thủ công truyền thống vẫn còn tấp nập kẻ bán, người mua. Những công trình văn hóa, đền đài miếu mạo như Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột, Đền Ngọc Sơn... là biểu trưng văn hóa của dân tộc sẽ còn trường tồn mãi cùng năm tháng.

Nhắc đến nét hào hoa, thanh lịch của chốn kinh kỳ không chỉ dừng lại ở những làng nghề, làng hoa, những dải lụa La Khê, hay đồ đồng Ngũ Xá hay vườn hoa cây cảnh Quảng Bá, Nhật Tân..., những món ăn độc đáo như chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì,, cốm Làng Vòng.., mà còn phải kể đến một vẻ đẹp trời ban, tạo ra một nét mộng mơ duyên dáng độc đáo, mà không phải thủ đô nào trên thế giới cũng được đặc ân của đất trời ban tặng. Đó là, hàng trăm hồ lớn nhỏ được hình thành bởi những hoạt động về địa chất hàng vạn năm ở vùng đất này.

Có một sự khác biệt ở đây là, hầu hết các hồ ở Hà Nội đều được huyền thoại hóa bởi những câu chuyện kỳ lạ, gắn với những huyền sử, huyền tích kỳ bí và đầy bí ẩn. Hồ Gươm thân thuộc với câu chuyện sau khi chiến thắng giặc Minh, Hoàng Đế Lê Lợi đi thuyền ra giữa hồ trả lại gươm báu cho rùa vàng. Hồ Tây xưa kia ở phía Tây kinh thành Thăng Long. Đây là một hồ lớn nhất Hà Nội có nguồn gốc sâu xa từ dòng sông Cái.

Huyền thoại cổ kính gắn với hồ Tây kể rằng: thời nhà Lý, thiền sư Minh Không sang Trung Quốc chữa bệnh cho vua Tống. Sau khi khỏi bệnh, vua Tống ban đồng đen cho ngài. Khi về nước, ngài dùng đồng đen đúc thành quả chuông lớn. Khi tiếng chuông được ngân lên vang xa tới tận Trung Quốc, trâu vàng nghe tiếng (đồng đen là mẹ của vàng) lồng lên phi tới tận Thăng Long thì biến mất. Những nơi trâu vàng đi qua lún thành hồ Tây ngày nay.

Các hồ khác ở Hà Nội cũng đều ẩn chứa biết bao câu chuyện bí ẩn hoặc gắn với một chứng tích lịch sử: Hồ Linh Đàm là nơi trú ngụ của thần Rồng, hồ Ngọc Khánh là nơi huấn luyện thủy binh, hồ Thiền Quang, hồ Đồng Nhân, hồ Bảy Mẫu... đều ẩn chứa nhiều huyền thoại bí ẩn và độc đáo như vậy. 

Ngày nay, Hà Nội đang mở rộng vươn xa, nhưng để xứng tầm Thủ đô của một quốc gia có vị thế trên thế giới, Hà Nội rất cần tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch phố phường, đầu tư cho kết cấu hạ tầng... Và điều rất quan trọng, là phải giữ gìn, phát huy vẻ đẹp văn hoá của người Tràng An, giữ cho được nét tinh hoa của vùng đất kinh kỳ ngàn năm, để Hà Nội là nơi tập trung những gì tinh túy, hào hoa nhất của nhiều vùng đất trên khắp cả nước, để giá trị của Thủ đô ngày càng được nâng tầm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư