Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Huỳnh Hạnh Phúc, người sáng lập Teach for Vietnam: Hạnh phúc là cho đi
Hồng Phúc - 16/02/2017 08:49
 
Có thời điểm, Huỳnh Hạnh Phúc - người sáng lập Teach for Vietnam - nghĩ rằng, hạnh phúc là có nhiều tiền, song quan điểm giờ đã khác…
Huỳnh Hạnh Phúc, Trưởng Dự án và người sáng lập Teach for Vietnam
Huỳnh Hạnh Phúc, Trưởng dự án và người sáng lập Teach for Vietnam

Quyết định mạo hiểm

Sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh tại Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM), Hạnh Phúc làm kế toán tại Intel Vietnam. Trong khoảng một năm ấy, anh rủ bạn bè lập nhóm tự ôn các chứng chỉ GMAT, IELTS hay TOEFL… tại các quán cà phê bình dân nhằm tìm kiếm học bổng du học. Song song đó, Hạnh Phúc còn làm tình nguyện viên cho Chương trình Operation Smile Việt Nam (Phẫu thuật nụ cười Việt Nam) hay trên tàu bệnh viện USNS Mercy (Hoa Kỳ) tại cảng Quy Nhơn.

Phúc tự nhận mình có duyên với du học khi nộp hồ sơ xin học bổng thành công tại hai trường đại học Missouri và Harvard. Tháng 6/2015, Phúc tốt nghiệp Đại học Harvard và quyết định trở về Việt Nam làm quản trị chiến lược cho Grab Vietnam trong khoảng 4 tháng. Dù có mức lương khá cao, nhưng trong thâm tâm, anh vẫn chưa thực sự cảm thấy thoải mái. Nhớ về một mô hình mà nhiều sinh viên ở Harvard tham gia và mang lại tác động tốt cho cộng đồng là Teach for America, Phúc quyết định mạo hiểm địa phương hóa mô hình này tại Việt Nam với tên gọi Teach for Vietnam (TFV).

Teach for American là một trong 40 đối tác thuộc Teach for All - tổ chức giáo dục phi lợi nhuận quốc tế thành lập năm 1989. Ở châu Á - Thái Bình Dương, hiện có Teach for Thailand, Teach for Malaysia, Teach for Philippines. Sau một thời gian hoạt động, cả 3 mô hình này đều đã được đưa vào khung chính sách quốc gia về phát triển nguồn nhân lực cho các quốc gia đó. Dĩ nhiên, câu chuyện thành công này chưa hẳn sẽ lặp lại ở Việt Nam, nhưng đó là động lực thúc đẩy Phúc nỗ lực nhiều hơn.

Bước đi đầu tiên

TFV là chương trình phi lợi nhuận về hạt giống lãnh đạo trong giáo dục phổ thông, bằng cách tìm kiếm, phát triển các thế hệ trẻ tài năng, tâm huyết từ nhiều ngành nghề. TFV đang ở giai đoạn tuyển chọn 27 hạt giống đa ngành nghề trong và ngoài nước. Sau vòng tuyển chọn, đội ngũ này sẽ được phân giao về các trường cấp 2 ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. Trong năm đầu, TFV sẽ tập trung giảng dạy môn tiếng Anh. “Dự án hướng tới người học là trẻ em ở những vùng khó khăn, nên sẽ hoàn toàn miễn phí cho người học”, Phúc chia sẻ.

Trong suốt 2 năm giảng dạy, đội ngũ hạt giống sẽ được TFV đào tạo các kỹ năng sư phạm, kỹ năng mềm và được một chuyên gia của TFV theo sát hỗ trợ trong suốt quá trình “nằm vùng”. Họ không phải là tình nguyện viên bởi sẽ làm việc toàn thời gian như một giáo viên và được trả lương. Sau 2 năm giảng dạy, họ có thể tiếp tục tham gia mạng lưới TFV hoặc khởi nghiệp ở các mảng khác và được hỗ trợ từ TFV cũng như đội ngũ vườn ươm.

Trao đổi ngắn cùng Hạnh Phúc:

Một số ý kiến cho rằng, đội ngũ giáo viên hạt giống của TFV sẽ cạnh tranh với khoảng 70.000 giáo viên truyền thống. Anh chia sẻ như thế nào về ý kiến này?

Thực chất, chúng tôi không cạnh tranh gì cả. TFV đang cố gắng để đào tạo một đội ngũ nguồn nhân lực là những hạt giống có thể hoạt động trong tất cả các ngành và tạo ra giá trị cho toàn bộ xã hội, chứ không chỉ riêng ngành giáo dục. Đó mới là đích đến.

Điều kiện để ứng cử làm “hạt giống” của TFV là gì?

Đó là có bằng đại học; đạt thành tích cao trong học tập, công việc và hoạt động cộng đồng; kiên trì đối mặt với khó khăn; tư duy logic, khả năng kết nối nguyên nhân, kết quả và tìm ra giải pháp thích hợp cho từng vấn đề; khả năng ảnh hưởng và thúc đẩy người khác; khả năng tổ chức tốt: lên kế hoạch, thực hiện đúng hạn và làm việc hiệu quả; tôn trọng học sinh và gia đình học sinh ở khu vực khó khăn.

“Trở thành một giáo viên xuất sắc, đặc biệt là trong điều kiện nhiều thử thách, không phải là dễ. Nếu đã trở thành hạt giống của TFV, họ sẽ sở hữu những phẩm chất mà nhiều công ty và tổ chức đều tìm kiếm: khả năng lãnh đạo, đặt mục tiêu, lên kế hoạch thực hiện hiệu quả, liên tục cải thiện bản thân”, Phúc cho biết.

Tuy nhiên, đó là tầm nhìn và sứ mệnh, còn trước mắt, việc tuyển chọn hạt giống đang khiến TFV “đau đầu” vì giáo dục vốn là mảng khó thu hút nhân tài. Phúc mong muốn thông qua TFV, đội ngũ du học sinh Việt Nam tại các trường danh tiếng như Harvard, Standford, Yale… có cầu nối để trở về cống hiến cho xã hội.

Khi bắt tay vào thực hiện dự án, Phúc có một khoản tiền để dành. Cộng thêm với đóng góp từ các bạn bè quốc tế, Phúc có thể duy trì hoạt động TFV trong thời gian đầu. Sau đó, ngoài 18.700 USD (khoảng 440 triệu đồng) hỗ trợ của Lãnh sự quán Mỹ, hơn 3 tỷ đồng từ tỉnh Tây Ninh, sắp tới, TFV sẽ nhận được một khoản hỗ trợ nhỏ từ Teach for All.

Thông qua TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, thành viên Ban Cố vấn của TFV, TFV đã ký kết hợp tác với tỉnh Tây Ninh triển khai mô hình này từ tháng 2/2017. Đội ngũ TFV sẽ phối hợp với các sở Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... để lên kế hoạch triển khai dự án. Và nếu mô hình thí điểm này thành công, TFV sẽ có thêm sự tin tưởng và hỗ trợ hợp tác từ nhiều tỉnh, thành phố khác.

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hợp tác thực hiện chuyên mục này

Người sáng lập DesignBold Hùng Đinh: Kẻ ngoại đạo và giấc mơ lãng mạn không biên giới
CEO DesignBold Hùng Đinh đang khát vọng viết nên một giấc mơ. Giấc mơ đưa Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp như Isarel đã từng…
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư