Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kẻ buông lơi, người nắm chặt dự án tỷ USD
Nguyên Đức - 12/03/2018 08:21
 
Việc Dự án Lọc dầu Vũng Rô, vốn đầu tư 3,2 tỷ USD, vừa chính thức bị thu hồi đã một lần nữa cho thấy, cần tiếp tục rà soát để thu hồi các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không có khả năng thực hiện.
TIN LIÊN QUAN

Kẻ buông tay, người nắm chặt

Cuối cùng, số phận của Dự án Lọc dầu Vũng Rô đã được quyết định. Phú Yên - sau khi được sự chấp thuận của Chính phủ - đã chính thức thu hồi dự án có quy mô vốn 3,2 tỷ USD và đã trải qua 10 năm trầy trật mà chưa thực hiện.

Dự án Lọc dầu Vũng Rô được cấp chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2008, với quy mô ban đầu 1,7 tỷ USD, sau đó được nâng lên 3,2 tỷ USD. Sau một thời gian dài chuẩn bị, đình trệ rồi xin gia hạn triển khai, tháng 9/2014, Dự án chính thức được động thổ trong sự hồ hởi của các bên. Khi đó, chủ đầu tư của Dự án - Technostar Management Limited, đã cam kết sẽ tích cực chuẩn bị để năm 2016 sẽ khởi công Dự án. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Dự án vẫn giậm chân tại chỗ, khiến UBND tỉnh Phú Yên đã phải nhiều lần lên tiếng hối thúc và cảnh báo thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Địa điểm được quy hoạch xây dựng Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô - Dự án vừa bị tỉnh Phú Yên thu hồi.
Địa điểm được quy hoạch xây dựng Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô - dự án vừa bị tỉnh Phú Yên thu hồi.

Đầu năm nay, Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô bất ngờ ký thỏa thuận hợp tác với DenimoTech (Đan Mạch), để xây dựng nhà máy sản xuất chất kết dính bitum (nhựa chống thấm, nhựa đường) tại khu vực Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô, làm dấy lên hy vọng về việc Lọc dầu Vũng Rô sẽ được tái khởi động. Nhưng đã không có một cái kết có hậu nào xảy ra. Sau 10 năm được cấp chứng nhận đầu tư, Lọc dầu Vũng Rô đã phải trả lại cho cơ quan quản lý đầu tư Phú Yên tờ giấy tưởng chừng rất có ý nghĩa này.

Một điều thú vị là, trong bối cảnh Lọc dầu Vũng Rô bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thì Tổ hợp Hóa dầu miền Nam đã chính thức được khởi công xây dựng vào cuối tháng 2 vừa qua, sau 10 năm mua đi bán lại, đổi chủ liên tục. Có nghĩa là, trong khi Technostar buông tay, thì Tập đoàn SCG (Thái Lan) lại lựa chọn phương án “nắm chặt”, thậm chí còn muốn ẵm trọn dự án này.

Thông tin từ ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SCG, cho biết, đây là dự án trọng điểm trong chiến lược mở rộng của doanh nghiệp này tại ASEAN, mà Việt Nam là trọng tâm.

Còn ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tại Lễ khởi công Dự án đã không giấu giếm kỳ vọng rằng, Dự án sẽ tạo ra khoảng 15.000 - 20.000 việc làm trong quá trình xây dựng, hơn 1.000 lao động có kỹ thuật cao khi đi vào vận hành thương mại; và ước tính sẽ góp 60 triệu USD/năm cho ngân sách quốc gia trong suốt 30 năm kể từ khi vận hành thương mại vào năm 2022.

Nếu kế hoạch của SCG tại Lọc hóa dầu miền Nam vẫn đang nằm trong tính toán, thì ở một phương diện khác, có thể thấy khá nhiều dự án tỷ USD khác đang vận hành hiệu quả ở Việt Nam. Chẳng hạn như các tổ hợp công nghệ cao của Samsung tại Việt Nam.

Thông tin vừa được Samsung công bố mới đây, năm 2017, Tập đoàn tiếp tục có một năm kinh doanh bội thu, với doanh thu hợp nhất đạt 212 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế cũng đã tăng mạnh từ 20 tỷ USD lên 37,3 tỷ USD. Đáng chú ý, đóng góp không nhỏ cho kết quả kinh doanh ấn tượng này của Samsung toàn cầu là Samsung Việt Nam.

Báo cáo của Samsung cho thấy, năm 2017, tổng doanh thu và lợi nhuận của 4 công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV - Bắc Ninh), Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT - Thái Nguyên), Samsung Display Việt Nam (SDV - Bắc Ninh) và Samsung HCMC CE Complex (SEHC - TP.HCM) đã tăng trưởng tới 40% so với năm trước. Cụ thể, nhóm 4 công ty này đạt tổng doanh thu 61,5 tỷ USD và lợi nhuận ròng 5,8 tỷ USD, chiếm 29% doanh thu và 16% lợi nhuận của Samsung.

Những con số trên đã một lần nữa cho thấy, Samsung đã đầu tư và hoạt động kinh doanh lớn như thế nào tại Việt Nam. Năm ngoái, Samsung Việt Nam đã xuất khẩu hơn 54 tỷ USD, đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Không những “nắm chặt”, mà có thể nói, Samsung đã “bám chặt” vào nền kinh tế Việt Nam.

Tiếp tục rà soát dự án ảo

Thực tế, chuyện “kẻ buông tay, người nắm chặt” là “chuyện thường tình” trong hoạt động kinh doanh, đầu tư. Vấn đề nằm ở chỗ, sau khi Dự án Lọc dầu Vũng Rô - vốn giành được rất nhiều kỳ vọng của tỉnh Phú Yên nói riêng, cả nước nói chung về việc sẽ có đóng góp lớn trong thúc đẩy kinh tế - xã hội và ngành lọc hóa dầu Việt Nam phát triển - bị thu hồi, dư luận lại đòi hỏi phải rà soát lại các dự án FDI quy mô lớn khác “bất động” đã lâu mà không triển khai. Điều này càng cần thiết hơn bao giờ hết khi Việt Nam đang chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút FDI.

Thông tin gần đây cho thấy, cùng với Lọc hóa dầu miền Nam, một số dự án tỷ USD đã và đang rục rịch trở lại. Một trong số đó là Dự án First Solar, 1 tỷ USD, ở TP.HCM. Ngay cả Berjaya cũng lên tiếng về việc có thể sẽ khởi công trở lại Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam, vốn đầu tư 3,5 tỷ USD, ở TP.HCM.

Chia sẻ với Báo Đầu tư từ cuối năm trước, đại diện của Berjaya đã nhắc khả năng sẽ khởi công Dự án vào đầu năm nay. Tuy nhiên, đã gần giữa tháng 3/2018, chưa có thông tin liên quan đến vấn đề này. Như vậy, TP.HCM có lẽ cần tiếp tục rà soát và hối thúc chủ đầu tư Dự án thực hiện các cam kết của mình. Dự án này cũng đã cấp chứng nhận đầu tư từ 10 năm nay.

Hay như ở Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng còn không ít dự án chậm triển khai. Cuối năm 2016, tỉnh này đã từng phải phát văn bản để “truy tìm tung tích” chủ đầu tư Dự án Dragon Sea, vốn đầu tư 900 triệu USD. Ở Bà Rịa - Vũng Tàu còn có dự án Saigon Atlantic 4,1 tỷ USD cũng đã vật vờ cả chục năm nay. Ở Nghệ An, còn có Dự án Thép Kobelco, 1 tỷ USD…

Không khó để kể hàng loạt dự án FDI quy mô lớn chây ỳ trong triển khai. Đã nhiều lần, GS-TSKH Nguyễn Mại đã đề xuất việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các địa phương kiểm tra toàn diện tình hình các dự án chưa triển khai để phân thành 2 loại là dự án có khả năng thực hiện và dự án không thể triển khai, để từ đó kiên quyết loại bỏ số liệu thống kê các dự án loại 2, đồng thời đôn đốc, theo dõi để các dự án loại 1 nhanh chóng được triển khai.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đôn đốc các địa phương thực hiện việc này. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều dự án đang trong tình trạng “lửng lơ”, cần tiếp tục được rà soát, loại bỏ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư