Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa: Mắt xích nằm ở cân bằng lợi ích
Anh Vũ - 02/08/2015 19:31
 
Cái gốc của sự phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất đến khâu phân phối, bán lẻ nằm ở chỗ các bên cần biết phân chia lợi ích cân bằng.

Phong trào hỗ trợ nông dân bán dưa, hành, tỏi, cà chua… trong thời gian qua của các nhà phân phối, bán lẻ hay các tiểu thương trên cả nước dù mạnh, nhưng chỉ mang tính thời vụ, không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Nhìn qua các lĩnh vực khác như đánh bắt thủy hải sản, may mặc, công nghiệp nhẹ có thể thấy, thiếu hụt chuỗi cung ứng hàng hóa đồng bộ là thực trạng chung.

Các nhà phân phối, bán lẻ hiện là cầu nối giữa người cung cấp và người có nhu cầu, nhưng kênh này chưa thực sự hiệu quả. Nhà sản xuất vẫn đầu tư vào những sản phẩm họ cho rằng hiệu quả và chờ đợi may rủi từ thương lái. Trong khi đó, người tiêu dùng luôn cần những sản phẩm rõ nguồn gốc.

Thiếu hụt chuo?i cung ứng hàng hóa đồng bộ đang là thực trạng chung
Thiếu hụt chuỗi cung ứng hàng hóa đồng bộ đang là thực trạng chung

 

Đó là một trong những lý do khiến năm 2014, Tập đoàn Vingroup quyết định lấn sân mạnh mẽ vào thị trường phân phối, bán lẻ với các chuỗi siêu thị điện máy, cửa hàng chuyên biệt, siêu thị tiêu dùng, cửa hàng tiện lợi.

Với mục tiêu hỗ trợ hàng tiêu thụ nội địa, ngay từ đầu chuỗi siêu thị Vinmart (Vingoup) đã xây dựng hệ thống kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa từ nơi sản xuất tới siêu thị. Vinmart đã liên kết với nhiều nhà cung cấp tại nhiều địa phương để thu mua nguồn hàng.

Mới đây, tập đoàn đa ngành này đã chính thức bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp, với thương hiệu VinEco. VinEco đã bắt tay với các nhà cung cấp công nghệ nông sản sạch và hệ thống phân phối như Netafim (Isarel), Kubota (Nhật Bản), Teshuva Agricultural Projects - GAP (Isarel) để xây dựng hệ thống khép kín từ sản xuất tới khâu cung ứng, đảm bảo nông sản sạch, chất lượng cao.

Vingroup không phải là trường hợp duy nhất phải tự xây dựng chuỗi cung ứng khép kín cho mình, mà hầu hết các tên tuổi phân phối, bán lẻ đang có mặt trên thị trường đều phải làm điều đó. Tuy nhiên, vẫn có nhiều điểm yếu xuất phát từ nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, khâu sản xuất, nhất là sản xuất nông sản thực phẩm (bao gồm cả đánh bắt tự nhiên) còn lạc hậu, manh mún, năng suất cây trồng vật nuôi, đánh bắt thấp, lao động thủ công phổ biến. Thực trạng này dẫn đến chất lượng hàng hóa ra thị trường không ổn định, lúc khan hiếm, lúc dội chợ dư thừa, dễ bị hao hụt, bị ép cân, ép giá… Ngược lại, nhiều nhà sản xuất có chất lượng, giá hợp lý, nhưng lại không vào được siêu thị, vì chưa có thương hiệu, chưa biết cách làm bao bì bắt mắt, mã vạch, mã số theo đúng quy định. Hoặc nếu đưa được vào siêu thị, thì bị một số siêu thị ép chiết khấu hoa hồng cao.

“Người sản xuất ít được quyết định giá bán, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, nhà buôn và khâu bán lẻ. Hàng hóa đi qua quá nhiều khâu trung gian, vừa đẩy giá lên cao ở khâu bán lẻ, lại không quản lý chặt chẽ chất lượng hàng hóa. Do đó, sản xuất không có động lực để phát triển bền vững, người tiêu dùng phải chấp nhận mua thực phẩm với giá bị đẩy lên cao vô lý”, ông Phú bình luận.

Nhiều chuyên gia, nhà sản xuất và phân phối, bán lẻ có mặt tại Hội thảo “Tự hào hàng Việt Nam - Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất tới siêu thị”, do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAPIE) tổ chức cuối tuần qua đã đưa ra nhiều giải pháp để kết nối những mắt xích còn lỏng lẻo này.

Đại diện Vingroup cho rằng, việc quan trọng nhất là tìm được đối tác uy tín, chuyên nghiệp, cũng như có được quy trình kiểm soát chặt chẽ chất lượng trong quá trình trung chuyển để đảm bảo chất lượng sản phẩm đặc biệt với các mặt hàng có yêu cầu cao về quy trình bảo quản như thực phẩm, đồ tươi sống.

Trong khi đó, ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn (An Giang) cho rằng, sản phẩm thực phẩm, gia dụng và công nghệ của nhà sản xuất Việt Nam có chất lượng không thua kém hàng nhập khẩu. Nhưng họ cần tiếp tục giải bài toán cạnh tranh về giá thành, vì khi TPP được thông qua và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thiết lập, thì mức thuế suất các mặt hàng sẽ giảm về 0%.

Tuy nhiên, theo ông Phú, mấu chốt liên kết để đưa cung - cầu gặp nhau lại nằm ở việc hai bên phải biết cân bằng lợi ích. Đầu tiên phải quan tâm đến lợi nhuận hợp lý của nhà sản xuất. Đây là cái gốc của sự phát triển bền vững của chuỗi sản xuất, phân phối, bán lẻ

“Một số nước ở châu Á đã làm khá tốt việc này, thậm chí, họ còn có luật hóa về phân chia lợi nhuận một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, dược phẩm”, ông Phú nói.

Phát triển dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng
Ngày nay hoạt động doanh nghiệp không thể thiếu vắng sự hợp tác từ ngân hàng. Đẩy mạnh hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp theo mô hình tài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư