Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Kết nối đầu tư tại Diễn đàn M&A 2015: Nhu cầu đa dạng, cơ hội cụ thể
Ngọc Dương - 06/08/2015 16:41
 
Phiên “Kết nối đầu tư” của Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập Việt Nam 2015 (M&A Vietnam Forum 2015) với chủ để “Chờ đón sự bùng nổ”, đã diễn ra sáng nay (6/8) với sự góp mặt của gần 50 đơn vị đầu tư trong nước. Ngoài các doanh nghiệp và tổ chức tài chính thường thấy trong những năm trước, Diễn đàn năm nay còn có sự tham dự của 4 trung tâm xúc tiến đầu tư các tỉnh miền Trung là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
 Đại diện các doanh nghiệp, quỹ đầu tư trao đổi bên lề Phiên kết nối. Ảnh: Lê Toàn
Đại diện các doanh nghiệp, quỹ đầu tư trao đổi bên lề Phiên kết nối diễn ra sáng 6/8. Ảnh: Lê Toàn

Nhận định về thị trường M&A Việt Nam, ông Richmond Mayo-Smith III, Giám đốc Quỹ đầu tư Indochina Capital cho rằng, thị trường M&A Việt Nam đang trưởng thành hơn rất nhiều. “Nhất là bên bán đã tỏ ra chuyên nghiệp hơn trong thương lượng và tìm đối tác”, ông nói. Theo vị này, dòng vốn nhắm đến mục tiêu M&A vào Việt Nam đang tăng mạnh.

Diễn đàn năm nay còn ghi nhận sự tự tin hơn của các doanh nghiệp tham gia. Một số doanh nghiệp có phần giới thiệu về công ty và kêu gọi đầu tư đã tạo được ấn tượng tốt bởi sự ngắn gọn và đầy đủ, thể hiện được tính chuyên nghiệp. Đáng chú ý nhất là phần thuyết trình của Công ty Vinamit.

Bà Hoàng Thị Kim Thoa, Giám đốc Đầu tư Vinamit nêu một số điểm nổi bật về dự án mới. Dự án Logictic Center ở miền Bắc hiện đóng vai trò là chuỗi nhà kho dự trữ và phân phối thành phẩm của Vinamit vào thị trường mới này. Dự án có quy mô hơn 38 ha, nằm ở địa thế thuận lợi là cửa ngõ vào thủ đô Hà Nội. Mục đích chính của dự án là xử lý trái cây và rau sạch vùng Đồng bằng Sông Hồng. Tuy nhiên, hiện nay để tăng cường sức mạnh về chiến lược, Vinamit kêu gọi đầu tư vào dự án này, bên cạnh các dự án khác từ Bắc vào Nam của công ty. “Tùy vào đối tác, Vinamit có thể chỉ giữ phần nhỏ cổ phần trong dự án phía Bắc”, bà Thoa cho biết.

Có một điều thú vị là khi bà Thoa chuẩn bị lên thuyết trình, ban tổ chức thông báo có một nhà đầu tư Hàn Quốc muốn kết nối với doanh nghiệp Việt. Theo đó, nhà đầu tư này muốn mua một phần hoặc toàn bộ dự án về quản lý đô thị ở Hà Nội hoặc TP.HCM. Doanh nghiệp Việt có thể liên hệ với họ qua số điện thoại: 0903.415.727.

Trước đó, đại diện Tập đoàn FLC cũng kết nối với các nhà đầu tư bất động sản với hình thức hợp tác khá lạ. Ông Lê Thành Vinh, Thành viên HĐQT Tập đoàn cho biết, mục tiêu của FLC chủ yếu là các nhà đầu tư tài chính. “Chúng tôi sẽ quản lý và xây dựng các dự án, nhà đầu tư chỉ việc bỏ tiền vào. Đổi lại, họ sẽ được mua các sản phẩm nhà ở hoặc chung cư với giá ưu đãi và kiếm lãi”, ông Vinh nói. Hiện FLC đang triển khai hơn 30 dự án với tổng vốn đầu tư trên 35.000 tỷ đồng. Dự án mới nhất là 265 Cầu Giấy (Hà Nội) với tòa tháp đôi 50 tầng và 38 tầng.

Lý giải cho hình thức hợp tác này, ông Vinh nhìn nhận, chuyện hợp tác chiến lược sẽ làm chậm dự án do có nhiều ý kiến can thiệp. Trong khi đó, nhà đầu tư tài chính có thể góp vốn không giới hạn. Ông Vinh cũng thừa nhận thực tế rằng, trước nay FLC chỉ nhận được phần góp vốn khoảng 20% - 30% dự án, tập trung chủ yếu ở các tỉnh lẻ phía Bắc.

Điểm đặc biệt khác của diễn đàn năm nay là sự cởi mở của các doanh nghiệp nhà nước ở góc độ đầu tư. Tập đoàn Dầu khi Việt Nam (PVN) cũng tham gia kêu gọi đầu tư tại diễn đàn. Theo đó, đơn vị này đang triển khai dự án LNG Sơn Mỹ (KCN Sơn Mỹ 1, tỉnh Bình Thuận), chuyên xuất nhập khẩu khí LNG. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, do Tổng Công ty Khí (PV Gas) làm chủ đầu tư. Đây cũng là dự án huy động nhiều vốn nhất trong các công ty tham gia diễn đàn. Đại diện PVN cho biết, nhà đầu tư có thể góp vốn tối đa đến 49% dự án, tương tương khoảng 650 triệu USD.

Khai mạc Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập Việt Nam 2015 “Chờ đón sự bùng nổ”
Chiều nay (6/8), tại Trung tâm Hội nghị GEM - TP.HCM, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2015 (M&A Vietnam Forum 2015) chính thức khai mạc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư