Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Kết thúc nhiệm kỳ, Quốc hội vẫn đau đáu với nợ công, bội chi
Mạnh Bôn - 01/04/2016 17:21
 
Chính phủ thừa nhận bội chi còn cao, không đạt mục tiêu giảm bội chi về mức 4,5% GDP vào năm 2015 (năm 2015 bội chi là 6,115 GDP). Nguyên nhân chính của bội chi là đầu tư không hiệu quả, còn tình trạng thất thoát, lãng phí.

Điểm lại 10/26 chỉ tiêu không đạt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 thì thấy đều là những chỉ tiêu bảo đảm phát triển bền vững như tăng trưởng GDP, vốn đầu tư toàn xã hội, bội chi, đổi mới công nghệ, nợ chính phủ… nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị trong giai đoạn tới phải tập trung phát triển bền vững.

Đánh giá những kết quả đạt được qua 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Đại biểu Quốc hội Vũ Công Tiến  nhận định: “Cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát”. Còn Đại biểu Nguyễn Thanh Phương thẳng thắn: “Đây là một nhiệm kỳ thành công, đặc biệt là kết quả đạt được của năm 2015 là năm thành công nhất trong cả nhiệm kỳ”.

.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh, đoàn Hải Phòng

Trong khi đó, Đại biểu Trần Ngọc Vinh đánh giá: “Các cân đối kinh tế vĩ mô mỗi năm một ổn định”. Còn Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé thì cho rằng: “Trong nhiệm kỳ vừa qua có nhiều điểm nhấn như lạm phát giảm mạnh, các cân đối lớn được cải thiện, lần đầu tiên quản lý được thị trường vàng... Đây là sự nỗ lực không ngừng, không nghỉ của tập thể Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả này tạo tiền đề để phát triển bền vững trong giai đoạn tới”, bà Kim Bé hy vọng.

Không tiếc lời đánh giá cao các thành quả về kinh tế, xã hội, an ninh, xã hội, xoá đói giảm nghèo... trong 5 năm vừa qua, nhưng cho ý kiến đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2016, nhiều đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra khá nhiều tồn tại, hạn chế, khiếm khuyết và mong “Chính phủ tập trung vào những giải pháp trọng tâm, trọng điểm, không dàn hàng ngang mà tiến thì nền kinh tế mới phát triển vững chắc trong thời gian tới”, như mong mỏi của Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Nguyễn Lâm Thành. Bởi theo ông Thành cũng như nhiều đại biểu khác, hầu hết trong số 10 chỉ tiêu không đạt được trong 5 năm vừa qua đều là những mục tiêu quyết định tới sự phát triển bền vững.

Đánh giá về những chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, Đại biểu Trần Ngọc Vinh lo ngại tình trạng  nợ công và bội chi ngày càng tăng không chỉ về số tuyệt đối mà số tương đối (so với GDP) tăng đều hàng năm. “Bình quân nợ công mỗi năm tăng thêm 2%/GDP, riêng năm 2015 tăng 4% - đạt mức kỷ lục trong nhiều năm gần đây. Đây là hệ quả của việc vay tràn lan, nhưng đầu tư không hiệu quả”, ông Vinh kết luận.

“Chính phủ thừa nhận bội chi còn cao, không đạt mục tiêu giảm bội chi về mức 4,5% GDP vào năm 2015 (năm 2015 bội chi là 6,115 GDP). Vậy nguyên nhân do đâu? Theo tôi, nguyên nhân chính của bội chi là đầu tư không hiệu quả, còn tình trạng thất thoát, lãng phí. Khi thu không đủ chi, muốn chi đầu tư phát triển thì buộc phải đi vay nợ. Nếu tiếp tục vay nợ thì nợ chồng lên nợ sẽ khiến nợ công, nợ chính phủ lại tiếp tục gia tăng”, ông Vinh nhấn mạnh bài toán luẩn quẩn bội chi - nợ công.

Ông Vinh liệt kê hàng loạt hạn chế, khiếm khuyết, trong đó, theo ông một trong những khiếm khuyết, hạn chế lớn nhất là dường như Chính phủ quá ưu đãi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi doanh nghiệp trong nước chưa được quan tâm đúng mức.

“Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vô cùng quan trọng, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế... nhưng nếu nền kinh tế quá phụ thuộc vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà không có chính sách khuyến khích, ưu tiên, ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước thì doanh nghiệp nội địa bị chèn ép, dẫn đến phá sản, giải thể, đóng cửa ngày càng tăng cùng với độ mở cửa của nền kinh tế”, ông Vinh phát biểu.

Trong nhiệm kỳ 2011-2015, Quốc hội và Chính phủ đã nhiều lần ra nghị quyết miễn, giảm, gia hạn các loại thuế. Nhìn lại chính sách ưu đãi này, ông Vinh cho rằng không hiệu quả. “Trên thực tế các chính sách giãn, hoãn, gia hạn nợ chỉ có tác dụng đối với doanh nghiệp làm ăn có lãi, còn những doanh nghiệp gặp khó khăn thì giải pháp này không hiệu quả”, ông Vinh minh chứng.

Bội chi ngân sách, theo Đại biểu Vũ Công Tiến một phần là do đầu tư dàn trải, lãng phí, phần khác là do chi cho thường xuyên quá lớn vì bộ máy quản lý nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả.

“Chi tiêu cho bộ máy quản lý nhà nước, cơ quan sự nghiệp mỗi năm hàng trăm ngàn tỷ đồng, chiếm trên 60% tổng chi hàng năm, ai cũng biết cần phải tinh giản bộ máy quản lý nhà nước, nhưng giảm được chỗ này lại phình chỗ khác, bộ máy càng ngày càng nặng nề, cồng kềnh, kém hiệu quả vì người làm thì ít, người dám sát thì nhiều”, ông Tiến nhấn mạnh.

Để giảm bộ máy hành chính, sự nghiệp, theo ông Tiến, sau một thời gian Quảng Ninh thí điểm nhất thể hoá tổ chức chính quyền với tổ chức của Đảng, cần phải tổng kết, rút kinh nghiệm và thực hiện đại trà trên toàn quốc. Có như vậy mới giảm được bộ máy thụ hưởng ngân sách nhà nước, mới giảm được bội chi, giảm được nợ công.

Đại biểu Phùng Văn Phùng một mặt cho rằng, sau hàng loạt cải cách thủ tục hành chính, bộ máy quản lý nhà nước đã đã năng động, sáng tạo hơn, tạo tiền đề cho tiến trình hội nhập sâu rộng trong thời kỳ tới.

“Nhưng nhìn lại sau hơn 20 năm cải cách thủ tục hành chính, trên thực tế thủ tục hành chính vẫn hế sức nặng nề, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có hành vi sách nhiễu, thờ ơ vô cảm với ngươi dân, doanh nghiệp; cơ chế xin cho vẫn còn nặng nề và phổ biến, không chỉ khiến chi ngân sách quá lớn để nuôi bộ máy, dẫn tới bội chi, nợ công, mà còn giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giảm lòng tin của người dân, doanh nghiệp vào thể chế”, ông Hùng lo ngại.

Bội chi ngân sách 115.180 tỷ đồng trong 8 tháng
Mức bội chi ngân sách nhà nước xấp xỉ 51% dự toán năm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư