Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kết thúc rà soát pháp lý Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)
Như Tầm (Theo TTXVN) - 26/06/2018 09:53
 
Tại phiên làm việc ngày 25/6 ở Brussels, Vương quốc Bỉ, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách thương mại Cecilia Malmström đã chính thức thông báo kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và thống nhất toàn bộ nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách thương mại Cecilia Malmström. (Ảnh: Kim Chung/TTXVN)
Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách thương mại Cecilia Malmström. (Ảnh: Kim Chung/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong tuyên bố báo chí sau cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết hai bên đã có một cuộc họp thành công về EVFTA và chuẩn bị hoàn thành việc ký kết FTA trong thời gian tới.

Bộ trưởng cảm ơn sự hợp tác của EU để cuộc gặp thành công, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới.

Về phần mình, bà Malmström tuyên bố cuộc họp với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã diễn ra tốt đẹp, tiếp theo hai bên sẽ cùng hướng tới việc phê chuẩn và thực thi EVFTA trong thời gian sớm nhất có thể.

Tại buổi làm việc chung, Ủy viên châu Âu và Bộ trưởng Công Thương Việt Nam thống nhất sẽ sớm trình lên các cơ quan có thẩm quyền của hai bên để tiến tới chính thức ký kết và sau đó là phê chuẩn cả hai EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư.

Hai bên cũng đã thảo luận lộ trình hợp tác trong thời gian tới để có thể đảm bảo tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên, trong đó có việc EU giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực để có thể tận dụng một cách có hiệu quả EVFTA sau khi được ký kết và đi vào thực thi.

Khuôn khổ hỗ trợ này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục xây dựng hệ thống pháp lý, hỗ trợ việc triển khai các cam kết trong EVFTA, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ... để hướng tới mục tiêu tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư song phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Về những thách thức trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh từ nay tới trước tháng 3/2019, Việt Nam phải chuẩn bị để đảm bảo giành được sự ủng hộ của các nghị sỹ tại Nghị viện châu Âu (EP) đối với việc thông qua các hiệp định.

Bộ trưởng nhận định thế giới đang đứng trước nhiều biến động, đặc biệt là sự xuất hiện của những quan điểm cực đoan về bảo hộ mậu dịch, của chủ nghĩa đơn phương viện cớ an ninh hay các lợi ích thương mại và kinh tế, trong khi vẫn tồn tại một số trở lực tìm cách ngăn cản việc ký kết và phê chuẩn hiệp định.

Đây là một thực tế mà cả Việt Nam và EU phải đối mặt, và hai bên sẽ cùng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu và lợi ích chung.

Cùng ngày, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh còn có buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế thuộc EP Bernd Lange. Tại đây, ông Lange đã cơ bản nhất trí với những nội dung phía Việt Nam nêu ra, nhất là đề xuất đảm bảo tiến trình chung và tập trung các nguồn lực của EU để đảm bảo hoàn tất những nội dung cho phép cuối năm nay có thể ký kết hiệp định để EP phê chuẩn vào đầu năm 2019.

Cũng trong thời gian làm việc tại EU, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh còn gặp mặt một số Giám đốc điều hành (CEO) và lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp của châu Âu.

Bộ trưởng đã thông báo kết quả cuộc làm việc với Ủy viên châu Âu Malmström, giới thiệu tình hình phát triển đầu tư và thương mại tại Việt Nam đồng thời lắng nghe các ý kiến đóng góp cũng như những mối quan tâm của doanh nghiệp châu Âu.

EVFTA được lãnh đạo Việt Nam và EU tuyên bố kết thúc đàm phán vào ngày 2/12/2015. Tiếp đó, hai bên đã xúc tiến quá trình rà soát pháp lý để chuẩn bị tiến tới ký kết. Tuy nhiên, sau thời gian trên đã xuất hiện những thay đổi trong quy trình phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU.

Cụ thể, theo các quy định mới của EU, tương tự như trường hợp của Nhật Bản và Singapore, EU đã đề xuất tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi EVFTA thành một hiệp định riêng rẽ (gọi là Hiệp định Bảo hộ đầu tư – IPA).

EVFTA và IPA được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đã tăng hơn 12 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên trên 50,4 tỷ USD năm 2017.

Các nhà đầu tư EU hiện có mặt trong hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, chủ yếu tập trung vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.

CPTPP, EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu dệt may có thêm 3 - 3,5 tỷ USD mỗi năm
Nếu CPTPP và Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực thì dệt may Việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng về kim ngạch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư