Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Kevin Tùng Nguyễn, nhà sáng lập JobHop Asia: Khát khao tạo dựng “Google tuyển dụng” của Việt Nam
Thu Phương - 25/05/2019 10:10
 
Bỏ lại những hào quang và cơ hội phát triển tại Mỹ, Kevin Tùng Nguyễn trở về nước xây dựng nền tảng công nghệ để giải quyết bài toán về tuyển dụng nhân sự, mang nhiều cơ hội việc làm tốt trên thế giới về Việt Nam, cũng như đưa nhân tài Việt Nam đến gần với thế giới.
.
Kevin Tùng Nguyễn

Từ cậu bé tự ti đến Top 30 Under 30 Asia

Tiếp xúc với Kevin Tùng Nguyễn, nhà sáng lập và điều hành JobHop, doanh nhân Việt lọt Top 30 Under 30 Asia năm 2019 của Forbes, Top 10 doanh nhân tiên phong trong lĩnh vực công nghệ thông tin năm 2018, không ai có thể nghĩ, chàng trai cởi mở, thân thiện đó từng là cậu bé bị tật nói lắp.

“Từ cấp 2 đến cấp 3, Tùng học tiếng Pháp, nhưng sau đó, Tùng chuyển sang học tiếng Anh để có thể xin học bổng du học Mỹ. Bộ não của Tùng phản ứng hơi mãnh liệt trước sự thay đổi đó. Lúc này, khả năng nói và suy nghĩ của Tùng hơi chậm lại”, Tùng vui vẻ kể.

Sau một thời gian nỗ lực, Tùng đã xin được học bổng đi Mỹ. Thời gian đó, vì biết mình đang gặp vấn đề về ngôn ngữ, nên Tùng khá tự ti, hạn chế nói chuyện. Chính vì vậy, anh khá vất vả trong việc hòa nhập với môi trường mới.

“Những ngày đầu ở Mỹ, Tùng gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, nhưng may mắn là gặp được nhiều bạn bè bản xứ, họ rất kiên nhẫn với Tùng. Tùng nói tiếng Anh hơi chậm, nhưng các bạn vẫn kiên nhẫn lắng nghe. Ngoài ra, các bạn đã cố gắng giúp Tùng có một công việc để được tiếp xúc nhiều hơn và khắc phục được tật nói lắp. Công việc đầu tiên của Tùng là phục vụ tại căng tin của trường, nơi có thể gặp gỡ các bạn bè bản xứ, giao tiếp nhiều hơn để dần tự tin”, Tùng chia sẻ

Từ một người tự ti, rụt rè, Tùng bước khỏi vỏ bọc và hòa nhập với thế giới. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, thành công đã đến với anh. Tùng là thành viên nhóm dẫn đầu phát triển thị trường quốc tế tại iCarebenefits với doanh thu 100 triệu USD trong năm hoạt động thứ 4 tại 5 quốc gia; đồng sáng lập Công ty phát triển phần mềm Ksource tại Mỹ.

Anh đồng sáng lập Ivylish - doanh nghiệp xã hội đã hỗ trợ hơn 60 nghệ nhân và 2 trại trẻ mồ côi tại Việt Nam với tổng doanh thu hơn 350.000 USD. Ngoài ra, Tùng còn quản lý danh mục đầu tư tại Merrill Lynch; điều hành Dự án Lana; đồng sáng lập nhiều start-up tại Mỹ như TextbookUX, Affordable Luxuries, Color Capture, Account Executive tại Reetek - Custom Software Development…

Bỏ lại những hào quang ấy, cuối năm năm 2016, Tùng về Việt Nam, thành lập và trở thành Giám đốc điều hành của Công ty JobHop Asia. Anh chia sẻ, khi đó, nhận thấy tiềm năng của việc giải quyết bài toán tuyển dụng nhân sự ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, nơi có tỷ lệ chuyển việc lên đến 30% hằng năm, anh quyết định rời Mỹ, trở về để tìm kiếm và đưa ra các giải pháp mang tính công nghệ cao mà thị trường đang thiếu và cần thiết trong tương lai.

JobHop ra đời như một nền tảng tìm việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu, được ví như Google trong ngành tìm việc, giúp nhà tuyển dụng và ứng viên kết nối, tìm thấy nhau nhanh chóng, hiệu quả và tối ưu chi phí nhất.

“Là một người con của đất Việt, từ trong tim mình, tôi luôn có một niềm khát khao thôi thúc bản thân phải làm một điều gì đó cho quê hương, đất nước mình”, Tùng tâm sự.

Mục tiêu của Tùng là xây dựng JobHop để mang nhiều cơ hội việc làm tốt trên thế giới về Việt Nam và đưa nhân tài Việt Nam đến gần với thế giới. Anh muốn nâng cao cách sử dụng lao động và cải thiện suy nghĩ của nhân sự về chính công việc của mình. “Phải làm sao để đội ngũ nhân sự không chỉ coi công việc như một việc làm đơn thuần, mà phải chứa cả đam mê trong đó và qua quá trình làm việc, họ khám phá được một phiên bản khác tốt hơn của mình”, Tùng chia sẻ về tầm nhìn của mình.  

Jobhop - Google tuyển dụng

JobHop sẽ giúp Tùng biến tầm nhìn đó thành hiện thực. Cụ thể, JobHop hướng đến những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam và thu hút những doanh nghiệp mới của nước ngoài đang muốn vào Việt Nam. Thay vì phải tốn chi phí và thời gian để tuyển nhân sự phù hợp và đào tạo sau khi tuyển dụng…, bằng cách sử dụng JobHop, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng tuyển dụng được nhân sự có năng lực, phù hợp với nhu cầu và tuyển được nhiều vị trí khác nhau cùng lúc. 

JobHop hoạt động theo cơ chế tương tự các công cụ tìm kiếm phổ biến hiện nay như Google - khi người dùng nhập từ khóa, hệ thống sẽ tìm kiếm các website có nội dung  tương tự và trả về kết quả. Cụ thể, JobHop sẽ chuyển hồ sơ xin việc trên Internet và nhu cầu tuyển dụng của các công ty thành từ khóa và dùng thuật toán kết nối những điểm tương đồng giữa hai bên lại với nhau. Đối với các mô hình truyền thống, công việc này phụ thuộc vào con người, nên hiệu suất không cao. Bằng công nghệ, JobHop có thể tự động hóa việc kết nối này với quy mô lớn, ước tính có thể xử lý vài chục ngàn bộ hồ sơ mỗi ngày.

Tuy nhiên, một vấn đề có thể xảy ra là, trong các kết quả có thể tồn tại hồ sơ trùng lặp của ứng viên, hoặc ứng viên đã có công việc, nhưng chưa cập nhật tình trạng của mình. Lúc này, hệ thống JobHop sẽ tính toán dựa trên các thông tin về thời gian người lao động đăng hồ sơ, số lần họ cập nhật, truy cập vào hồ sơ... để đưa ra một bảng đánh giá nhu cầu  tìm việc của người lao động từ “đã tìm được việc” cho đến “sẵn sàng cho cơ hội mới”.

Để nắm được dữ liệu phân tích, trong 1 năm qua, JobHop đã kết nối với 26 kênh tìm việc phổ biến ở Việt Nam. Tùng cho biết, các kênh này đều hào hứng khi hợp tác với JobHop. “Họ có rất nhiều dữ liệu nhưng chưa biết cách, hoặc chưa có công nghệ để khai thác hiệu quả”, Tùng nói.

Phần lớn doanh thu hiện nay của JobHop đến từ việc cung cấp công cụ phân tích dữ liệu cho các công ty tuyển dụng, bên cạnh 2 nguồn thu khác là dịch vụ tuyển dụng theo nhu cầu doanh nghiệp và đảm nhận khâu pháp lý của các công ty nước ngoài đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Tùng ước tính, thị trường này trị giá khoảng 60 triệu USD/năm.

Bên cạnh tiềm năng rất lớn từ thị trường, khó khăn đặt ra là, làm sao để giải quyết được không chỉ riêng việc kết nối chính xác nhu cầu của nhà tuyển dụng với người lao động phù hợp, mà còn phải dự báo được nhu cầu công việc sắp diễn ra. Đó mới là vấn đề lớn nhất của thị trường mới nổi này. Theo đánh giá của Tùng, nguồn nhân lực Việt Nam hiện vẫn còn thiếu và chưa lấp đầy được nhu cầu của nhà tuyển dụng, nhất là trong thời đại 4.0 hiện nay, khi các dự án kinh doanh mới được thiết lập chỉ trong vài ngày, thậm chí ít hơn.

Bằng việc phân tích dữ liệu, JobHop kỳ vọng có thể dự báo được nhu cầu nhân lực trên từng lĩnh vực, kỹ năng và xa hơn là có thể kết nối với các đối tác đào tạo để phát triển mạnh nguồn nhân lực ở Việt Nam. “Chúng tôi sẽ sớm đưa tính năng này ra mắt thị trường”, nhà sáng lập JobHop cho biết.

Hiện JobHop đã và đang phục vụ hơn 500.000 người tìm việc, trên 2.000 doanh nghiệp lớn nhỏ, trong đó có những tập đoàn hàng đầu đang hoạt động tại thị trường Việt Nam như Fossil, Vingroup, VinaGame, VNG, CJ CGV… JobHop cũng đã nhận được khoản đầu tư hơn 16 tỷ đồng từ các quỹ đầu tư mạo hiểm KK Fund và Mynavi.

Với Tùng, giấc mơ lớn cần những người bạn đồng hành để đi xa. Chính vì thế, việc nhận đầu tư từ KK Fund và Mynavi có ý nghĩa chiến lược với JobHop vì thông qua các đối tác, JobHop có thể mở rộng mạng lưới hoạt động ở các quốc gia này trong thời gian nhanh nhất.

Để thực hiện giấc mơ này, Tùng đã mời các chuyên gia Google và chuyên gia người Việt trong mảng phát triển trí tuệ nhân tạo ở nước ngoài tư vấn công nghệ để đáp ứng khả năng phân tích và tốc độ tăng trưởng nhanh của JobHop.

JobHop đặt mục tiêu, trong 3 năm tới, sẽ nằm trong nhóm các doanh nghiệp tuyển dụng hàng đầu cho thị trường Việt Nam, Thái Lan và Philippines. “Công nghệ phù hợp, mở rộng nhanh là cách JobHop tạo khoảng cách với các đối thủ cạnh tranh trong tương lai”, Tùng tự tin nói.

Trò chuyện cùng Kevin Tùng Nguyễn

12 năm học tập và làm việc tại Mỹ, lý do nào khiến anh chọn về nước khởi nghiệp?

Đây là khát khao cũng là sứ mệnh rất quan trọng đối với tôi. Tại sao những doanh nghiệp công nghệ khổng lồ như Grab, Traveloka, KKday... rất thành công tại Việt Nam, trong khi còn rất ít công ty công nghệ do chính người Việt xây dựng có được điều này? Đây là lý do tôi về nước để xây dựng JobHop. Ngoài ra, tôi muốn nâng chuẩn mực người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động lên một tầm mới, tạo môi trường làm việc tốt cho nguồn nhân lực của Việt Nam.

Anh đánh giá thế nào về môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam?

Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất tại châu Á - Thái Bình Dương và là môi trường rất tiềm năng cho các nhà đầu tư, các dự án khởi nghiệp. Hơn nữa, Việt Nam còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là các vấn đề xã hội và kinh doanh, nghĩa là, có cơ hội rất lớn dành cho các bạn trẻ.

Hướng đi nào cho các start-up ít vốn?
Thống kê cho thấy, hơn 90% start-up thất bại và hơn 80% trong số đó phá sản chỉ trong 3 năm. Một văn phòng linh hoạt là cơ sở cho các start-up ít vốn có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư