Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Khai thác than thêm nỗi lo thuế phí
Hoàng Nam - 01/07/2013 13:48
 
Việc tăng thuế xuất khẩu than thêm 3%, lên mức 13% kể từ ngày 7/7/2013 sẽ làm nhiều chủng loại than phải dừng xuất khẩu và khiến lượng than tiêu thụ giảm mạnh.
TIN LIÊN QUAN

Trước quyết định trên, ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, giá thành tăng khiến sản xuất, kinh doanh của ngành than đi xuống là điều thấy rõ, tuy vậy, hệ lụy sẽ lớn hơn khi sự đi xuống đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập và an sinh xã hội vùng mỏ.

Trong 6 tháng cuối năm 2013, có thể tổng lượng than xuất khẩu
được chỉ đạt 2 - 3 triệu tấn

Theo tính toán từ cuối quý I/2013 của Vinacomin, do tình hình thị trường còn khó khăn, nếu giữ thuế xuất khẩu ở mức 10%, thì sản lượng than tiêu thụ cả năm có thể đạt được 41,5 – 43 triệu tấn.

Nhưng khi thuế xuất khẩu tăng lên 13%, trong điều kiện kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng chậm, giá bán vẫn thấp, thì dự kiến mức xuất khẩu chỉ được khoảng 400.000 – 500.000 tấn/tháng, giảm mạnh so với lượng xuất khẩu hiện nay là 1,2 – 1,3 triệu tấn/tháng.

Như vậy, rất có thể trong 6 tháng cuối năm, tổng lượng than xuất khẩu được chỉ đạt 2 - 3 triệu tấn.

Điều đó có nghĩa là, sản lượng than xuất khẩu của cả năm chỉ quanh mốc 10,5 triệu tấn và nếu vậy, sẽ giảm khoảng 4-5 triệu tấn so với năm 2012.

Trong khi tiêu thụ than có xu hướng giảm, thì các loại thuế, phí trên hòn than lại tăng mạnh. Thuế tài nguyên đối với than từ mức 230 tỷ đồng năm 2007 đã tăng lên 3.120 tỷ đồng năm 2012 (gấp 13,5 lần); thuế môi trường với mức 20.000 đồng/tấn đã được bổ sung vào danh mục các khoản thuế, phí của hòn than từ năm 2012; phí môi trường địa phương thu cũng tăng từ 6.000 đồng/tấn lên thành 10.000 đồng/tấn…

Khó khăn có vẻ không buông tha lĩnh vực khai thác than, khi việc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của than xuất khẩu cũng không còn. Nếu từ năm 2008 trở về trước, than khi xuất khẩu được hoàn lại thuế giá trị gia tăng, thì từ năm 2009 trở đi chính sách này đã không còn được áp dụng, khiến chi phí tăng thêm khoảng 150.000 đồng cho mỗi tấn than xuất khẩu.

So sánh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, có thể thấy, thuế xuất khẩu than của Việt Nam đang ở trong nhóm cao nhất thế giới. Nhìn sang bên cạnh, Indonesia mỗi năm xuất khẩu 280 triệu tấn than trong số 390 triệu tấn than khai thác được, nhưng thuế xuất khẩu đang ở mức 0%. Australia có lượng than xuất khẩu tương đương Indonesia cũng áp thuế xuất khẩu 0%. Trung Quốc với lượng than xuất khẩu hàng trăm triệu tấn than mỗi năm trong sản lượng khai thác 3,5 tỷ tấn, cũng chỉ áp thuế xuất khẩu 10%, đặc biệt than coke năm 2013 chỉ có thuế xuất khẩu là 0%. Ngay Nga cũng chỉ áp thuế 0-5% tùy loại than.

“Việc sắp tới thuế xuất khẩu than tăng lên 13% sẽ khiến cho hoạt động của Vinacomin ngày càng khó khăn”, ông Biên nói và cho biết thêm, thị trường than xuất khẩu hiện nay cạnh tranh khốc liệt. Than của Việt Nam sau khi trừ thuế xuất khẩu 10% chỉ đủ bù đắp chi phí sản xuất, hầu hết các chủng loại than xuất khẩu không có lãi.

Với thực tế kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, nên nhu cầu năng lượng giảm. Trong khi đó nhiều nước cũng đã đầu tư cho khai thác than lớn trong thời gian qua, nên nguồn cung than đá trên thị trường trở nên dồi dào. Đó là chưa kể than đã bắt đầu phải cạnh tranh với một số nguồn năng lượng mới, được bổ sung với khối lượng lớn như đá phiến (đá cháy). Thực tế này khiến giá than thế giới từ năm 2012 giảm mạnh và đã hình thành một mặt bằng giá mới.

Trong khi bán hàng đã khó khăn, thì khai thác than ở Việt Nam hiện lại bước vào giai đoạn khó khăn, khi các mỏ hầm lò ngày càng xuống sâu hơn. “Ở các mỏ hầm lò nhiều nơi đã phải xuống tới độ sâu trên 300 m, áp lực mỏ lớn, nguy cơ bục nước, cháy, nổ, sập lò cao hơn. Các mỏ lộ thiên đòi hỏi hệ số bóc đất đá cao hơn, theo tính toán, bình quân phải bóc trên 11 m3 đất đá mới lấy được 1 tấn than, cung đường vẫn chuyển đất đá cũng xa hơn... Đáng nói là, tỷ lệ than phải khai thác tại các hầm lò đang ngày một tăng, khiến giá thành sản xuất than tăng”, ông Biên cho hay.

Để đối phó với thực tế chi phí tăng này, Vinacomin đưa ra nhiều giải pháp như tăng năng suất để giảm giá thành, thậm chí, chọn những nơi dễ làm, thuận lợi hơn để khai thác than. Tuy nhiên, đó chỉ là các giải pháp tình thế, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sự bền vững của Quy hoạch Phát triển ngành than.

Những khó khăn của ngành đã khiến năm 2012-2013, lương của lao động tại Vinacomin giảm, nhiều bộ phận phải cắt giảm lao động, trừ thợ lò. Ước tính, 6 tháng đầu năm 2013, thu nhập của người lao động ngành than giảm 5%, vì thế việc tuyển dụng lao động vào ngành, đặc biệt là thợ lò ngày càng khó khăn.

Ngoài tác động từ mang tính khách quan mang lại, thì hậu quả từ sự trì trệ trong sản xuất, kinh doanh của ngành than trong những năm qua cũng bắt đầu phát tác. Trong 5 tháng đầu năm, đầu tư xây dựng cơ bản của Vinacomin đạt hơn 4.700 tỷ đồng, chỉ đạt 25% kế hoạch năm và chỉ bằng 83% so với cùng kỳ năm 2012. Khối lượng đào lò xây dựng cơ bản hết tháng 5 là 22.659 mét, chỉ bằng 35,2% kế hoạch năm và bằng 83% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc đầu tư xây dựng cơ bản, chuẩn bị cho khai thác, sản xuất trong thời gian tới không được như mong đợi, chắc chắn sẽ là một thách thức lớn cho sự phát triển bền vững của ngành than.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư