Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Khai trương trung tâm quản lý điều hành giao thông thông minh hiện đại nhất Việt Nam trị giá 853 tỷ đồng
Anh Minh - 10/03/2017 15:43
 
Từ ngày 10/3, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chính thức đưa Trung tâm quản lý điều hành giao thông (ITS) cho tuyến cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây vào khai thác.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa ấn nút khai trương v
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa ấn nút khai trương v

Sáng nay, VEC đã đưa vào vận hành Trung tâm quản lý điều hành giao thông (ITS) cho tuyến cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Trung tâm ITS này là hạng mục thuộc Gói thầu số 4 - Dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
Gói thầu sử dụng nguồn vốn Jica, là một trong những hạng mục công trình ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại, có giá trị hợp đồng 852,516 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức EPC do Liên doanh nhà thầu Toshiba – Hitachi – Itochu (Nhật Bản) thực hiện.
Hệ thống ITS gồm hệ thống camera được lắp đặt dọc tuyến với số lượng 16 camera giám sát (CCTV) và 54 camera thăm dò phương tiện (VDS) giúp nhân viên giám sát nhận biết mật độ phương tiện đang lưu thông trên tuyến, nhanh chóng phát hiện các sự việc, sự cố giao thông xảy ra trên tuyến một cách chính xác.
Toàn bộ dữ liệu hình ảnh, video trên tuyến được truyền về Trung tâm điều hành ITS (đặt tại Km6+300 thuộc phường Phú Hữu, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh) và được nhân viên trực, theo dõi và xử lý 24/24h. Qua đó chủ động và nâng cao công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, công an địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông, cứu hộ giao thông, cứu hộ y tế... trong công tác xử lý vi phạm giao thông, cứu hộ, cứu nạn trên đường cao tốc.
Bên cạnh đó, gói thầu còn cung cấp các bảng thông tin điện tử (VMS) cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về điều kiện của tuyến đường, thông tin thời tiết và tình trạng lưu thông trên đường cao tốc, hỗ trợ người tham gia giao thông nắm bắt được đầy đủ thông tin trên tuyến, từ đó làm chủ tốc độ khi lưu thông qua đoạn đường có sự cố xảy ra, thời tiết xấu.
Hệ thống trạm cân được lắp đặt trước các Trạm thu phí Long Phước, Trạm thu phí Quốc lộ 51 và Trạm thu phí Dầu Giây sẽ kiểm soát tải trọng tất cả các phương tiện trước khi lưu thông vào đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, nhằm phát hiện, cảnh báo và từ chối phục vụ các phương tiện quá tải vào đường cao tốc, góp phần bảo vệ sự bền vững kết cấu hạ tầng đường cao tốc, tăng cường an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường. Đồng thời, hệ thống ITS cũng cung cấp đầy đủ hình ảnh, thông tin các trường hợp vi phạm cho lực lượng chức năng xử lý, xử phạt...
Các nhà thầu Nhật Bản còn thiết lập một hệ thống thu phí kín sử dụng công nghệ RFID (33 cửa) thực hiện theo cơ chế tự động nhận dạng biển số xe bằng camera, tự động phân loại xe bằng hồng ngoại kết hợp vòng từ và camera kiểm soát tại tất cả các làn ra vào đường cao tốc.
Tất cả các phương tiện khi vào đường cao tốc đều được nhận dạng, mã hóa các dữ liệu liên quan như thời gian vào, tên trạm vào, biển kiểm soát, loại xe… lưu trên thẻ kiểm soát RFID (một loại thẻ lưu dữ liệu bằng chip nhớ và dữ liệu này có thể trao đổi với máy tính bằng sóng radio thông qua các thiết bị đọc) và phát cho chủ phương tiện. Trước khi phương tiện đi ra đường cao tốc, lái xe sẽ trả thẻ kiểm soát cho nhân viên thu phí, đồng thời các thiết bị đọc sẽ đọc các dữ liệu trên thẻ và máy tính sẽ tự động tính toán đưa ra mức phí phải trả dựa trên loại xe, số km đường cao tốc mà phương tiện đã sử dụng. Sau khi nhận tiền máy tính sẽ tự động in hóa đơn (vé cước phí) và mở barrie cho phương tiện đi qua.
Ngoài 33 cửa thu phí sử dụng công nghệ RFID, trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây còn bố trí 8 cửa thu phí tự động sử dụng công nghệ DSRC.
Hệ thống thu phí kín này giúp tiết giảm chi phí quản lý, vận hành khai thác cho Chủ đầu tư, tiết kiệm thời gian và nhiên liệu cho chủ phương tiện do không phải chờ đợi tại các trạm thu phí, công tác thu phí được thực hiện tự động, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, minh bạch và công bằng cho các chủ phương tiện; thuận lợi trong quá trình giám sát, hậu kiểm của công tác thu phí.
Việc vận hành chính thức toàn bộ hệ thống thu phí kín trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây sẽ bắt đầu từ tháng 4/2017.
Dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực phía Nam do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, quản lý và khai thác. Dự án được khởi công ngày 03/10/2009, thông xe toàn tuyến ngày 08/02/2015, với tổng chiều dài 55km, đi qua thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.
Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là tuyến giao thông huyết mạch thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – một trong những khu vực phát triển năng động nhất và đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế. Đây cũng là công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Kể từ khi thông xe kỹ thuật 20km đầu tiên (ngày 02/01/2014), tính đến ngày 10/3/2017 tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đã phục vụ 30 triệu lượt phương tiện an toàn và thông suốt, với lưu lượng bình quân hiện tại đạt 37.000 – 40.000 lượt phương tiện/ngày đêm, đặc biệt cao điểm trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua có ngày tuyến phục vụ tới 65.000 lượt phương tiện.

Cơ chế quản lý tài chính 5 dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo về cơ chế quản lý tài chính trong thời gian khai thác, thu phí 5 dự án đường cao tốc do...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư