Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Khẩn cấp cứu doanh nghiệp
Nguyên Đức - 01/04/2013 08:18
 
Khẩn thiết phải tiếp tục có cơ chế, chính sách để hỗ trợ hệ thống DN phục hồi sản xuất - kinh doanh
TIN LIÊN QUAN

(baodautu.vn) Những thông tin về con số 15.300 doanh nghiệp (DN) phải giải thể, ngừng hoạt động, trong khi chỉ có 15.700 DN đăng ký thành lập mới trong quý I/2013, cộng với xu hướng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng chậm lại… đang đặt ra yêu cầu khẩn thiết phải tiếp tục có cơ chế, chính sách để hỗ trợ hệ thống DN phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Thực tế, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, chưa có tín hiệu rõ ràng nào cho thấy, nghị quyết này đã đi vào thực tế và phát huy hiệu quả.

Chỉ đơn cử chính sách hỗ trợ một số đối tượng thuê, mua nhà ở xã hội, cũng chưa được triển khai trong thực tế. Hiện Ngân hàng Nhà nước mới chỉ đưa ra dự thảo thông tư hướng dẫn, nhưng lại theo hướng chỉ đối tượng thuê nhà mới được vay vốn lãi suất 6%, còn mua thì không.

Nhiều quan điểm phản đối dự thảo quy định này. Các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, cần phải áp dụng lãi suất 6% với cả việc thuê và mua nhà ở chính sách.

Thậm chí, cũng còn nhiều quan điểm cho rằng, những biện pháp hỗ trợ theo Nghị quyết 02/NQ-CP là chưa đủ mạnh, mà cần phải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn. Bởi nếu không, hệ thống DN sẽ khó vượt qua giai đoạn khó khăn này và điều đó, sẽ tác động mạnh tới tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Quý I/2013, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 4,89%, tuy cao hơn con số 4,75% của quý I năm trước, nhưng điều đáng chú ý là, cả sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đều có tốc độ tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ những năm trước. Trong khi chưa có tín hiệu rõ ràng hơn về sự phục hồi kinh tế, thì nếu không có sự nỗ lực lớn, có các biện pháp hỗ trợ hợp lý và đủ mạnh cho hệ thống DN, thì ngay cả mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm nay cũng không dễ đạt được.

Một động thái đáng mừng là tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 vừa qua, Chính phủ cũng đã thống nhất quan điểm này. Và như thông tin từ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chính phủ dự kiến sẽ báo cáo Quốc hội một số giải pháp quyết liệt hơn về thuế để hỗ trợ sản xuất, bao gồm cả giảm thuế suất thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng... Bên cạnh các giải pháp về thuế, cũng sẽ có những giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, tạo điều kiện cho các DN, bao gồm cả DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cường đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Các chính sách tài khóa, tiền tệ cũng sẽ được điều hành sao cho tạo thuận lợi cho DN, đặc biệt là điều chỉnh giảm lãi suất để giúp chi phí vốn của DN ở mức thấp hơn.

Tại Hội nghị Tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã cam kết sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn, hấp dẫn hơn, cạnh tranh hơn so với các quốc gia trong khu vực để thu hút đầu tư. Điều này sẽ có ý nghĩa với cả các DN nội địa.

Tuy vậy, hiện tất cả vẫn chỉ đang dừng ở những đề xuất ban đầu. Cần những đề xuất cụ thể hơn. Và cũng cần sự ủng hộ của Quốc hội, cũng như sự quyết liệt triển khai trong thực tế để chính sách đi vào cuộc sống.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư