Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Khát vọng mang tên “Made in Vietnam”
Hải Hà - 04/05/2017 08:46
 
Nuôi ước mơ khi còn trẻ, lao động hết mình, tranh thủ học hỏi mọi lúc mọi nơi là tố chất chung của những doanh nhân, vốn trước đó là những lao động xuất khẩu. Với họ, làm việc chính là quá trình tích lũy để nuôi khát vọng tạo nên những sản phẩm “Made in Viet Nam”.

Hành trình khát vọng

Hồi nhỏ, biết đến Nhật Bản qua những sản phẩm Honda, Sony được đánh giá hàng đầu thế giới. Lớn lên, tình yêu với ngành kỹ thuật của Nguyễn Ngọc Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH V.N.T Việt Nam, càng lớn cùng ước mơ đến Nhật để khám phá nền kỹ thuật khiến cả thế giới ngưỡng mộ.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Hiếu sang Nhật theo chương trình thực tập sinh kỹ năng 3 năm. Hiếu tự nhận mình may mắn khi được làm việc tại Tsukasa Industry, công ty có 35 năm kinh nghiệm thiết kế dây chuyền sơn tĩnh điện với công nghệ tiên tiến vừa có tính năng vận hành sản xuất ưu việt, vừa thân thiện với môi trường.

.

Năm 2014, trở về nước, Hiếu bắt tay xây dựng Công ty TNHH một thành viên V.N.T Việt Nam tại Hà Nội, sau đó lập chi nhánh tại TP.HCM, chuyên về thiết kế, chế tạo, lắp đặt hệ thống dây chuyền sơn tĩnh điện; thiết kế, chế tạo lò sấy, lò nhiệt luyện cho các lĩnh vực công nghiệp, y tế, thực phẩm...

Chỉ một thời gian ngắn, V.N.T đã trở thành đơn vị được lựa chọn thực hiện nhiều dự án cho các công ty lớn của Nhật tại Việt Nam, bên cạnh xuất khẩu sản phẩm sang Nhật. Chưa hết, V.N.T còn mở rộng thị trường và bắt đầu có khách hàng tại Thái Lan và Malaysia.

“Tước khi thực hiện mục tiêu dài hạn, tôi phải hoàn thành từng mục tiêu trong ngắn hạn. Ở Nhật, nhiều người đã về hưu, nhưng vẫn muốn tiếp tục làm việc, những người này đang nắm giữ kỹ thuật công nghệ cao và sẵn sàng truyền dạy. Đây là lý do vì sao khi còn lao động tại Nhật Bản, mỗi ngày tôi đều dành 30 - 60 phút học tiếng Nhật, dù tôi làm việc 13 - 14 giờ/ngày”, Hiếu nói.

Không được may mắn nhận hỗ trợ như Hiếu, Lê Hoàng Anh, Giám đốc Công ty  CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Tanoi tự nhận mình “đi lên từ 2 bàn tay trắng”. Sang Nhật năm 2008, đúng thời điểm khủng hoảng kinh tế, làm việc 3 ngày, nghỉ 4 ngày, cùng khả năng ngoại ngữ mới học 6 tháng, Hoàng Anh đã không thể gửi  tiền về cho gia đình trả nợ, nhưng điều khiến anh vượt qua những trở ngại ban đầu chính là những khẩu hiệu dán khắp công ty “yaru, dekiru, dekiru made yaru”, có nghĩa là  ‘làm, có thể làm và làm cho đến khi có thể’.

Thời điểm mới về nước, nhận thấy những sản phẩm thân thiện với môi trường đều phù hợp với xu thế, đã là lý do khiến Hoàng Anh quyết định lập dự án, dự toán đầu tư sản xuất gạch không nung theo công nghệ ép tĩnh.

Hoàng Anh chia sẻ: “Công nghệ ép tĩnh cho sản phẩm tốt hơn và giá thành sản phẩm cũng rẻ hơn công nghệ ép rung. Thời gian đầu, do công nghệ chưa hoàn chỉnh nên tôi gặp rất nhiều khó khăn, đã có 3 dây chuyền máy ép gạch bị hỏng. Không nản lòng, tôi quyết tâm kêu gọi đầu tư từ bạn bè, kết hợp chế tạo và nghiên cứu máy móc để hoàn thiện công nghệ”. Sự không nản lòng này đã cho kết quả, khi hệ thống máy ép tĩnh gạch không nung bắt đầu cho những mẻ gạch đầu tiên.

Tanoi đang hoạt động ổn định 2 dây chuyền với công suất 15 triệu viên/năm và đang trong quá trình chế tạo dây chuyền máy xếp gạch tự động và một dây chuyền có công suâ ất cao hơn. Sản phẩm gạch không nung của Tanoi hiện không đủ đáp ứng thị trường.

Ươm mầm thương hiệu Việt

Mơ ước về thương hiệu “Made in Vietnam” dường như không còn quá xa vời với hành trình đóng góp của từng doanh nghiệp đi lên từ những người lao động có kỷ luật, có kỹ năng. Mơ ước đó càng có cơ hội thành hiện thực khi Đặng Văn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ TTN Technology đang nỗ lực tập hợp những doanh nghiệp có chung xuất phát điểm ở nhiều ngành nghề chuyên môn khác nhau, với mục tiêu có thể hỗ trợ nhau góp phần thúc đẩy thương hiệu Việt Nam vươn ra thế giới.

Điển hình khác đi lên từ một kỹ sư trở thành chủ doanh nghiệp là Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai. Mỗi ngày, anh Sơn đứng lớp truyền lửa cho thế hệ tương lai cách thức để phát triển kỹ năng làm việc, khơi gợi khát khao, ý chí và tư duy lập nghiệp, với kỳ vọng về một thế hệ trẻ Việt Nam đủ năng lực điều hành những doanh nghiệp chiếm lĩnh được các thị trường nước ngoài.

Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật Việt - Nhật do Công ty TNHH Esuhai đầu tư, là dự án đầu tiên được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) viện trợ dành cho doanh nghiệp tư nhân nước ngoài sau 10 năm gián đoạn (từ 2001 – 2011). Trung tâm hoạt động với mục tiêu xóa bỏ 5 không của người Việt: không nghề, không ngoại ngữ, không kỹ năng, không tác phong và không kỷ luật.

Nhật Bản hiện có hơn 4 triệu doanh nghiệp, với bề dày lịch sử, kinh nghiệm sản xuất, quy trình công nghệ hiện đại, chính xác và hàm lượng kỹ thuật cao với đặc trưng văn hóa làm việc của các doanh nghiệp Nhật là đào tạo nhân sự: “Xí nghiệp là con người”. Đó cũng là cơ sở cho kỳ vọng của Lê Long Sơn về một thế hệ trẻ Việt Nam, những người đang nuôi dưỡng ước mơ, không chỉ coi xuất khẩu lao động là con đường kiếm tiền, mà hơn thế, họ còn là những người biết nắm bắt cơ hội, xem 3 năm ở Nhật là giai đoạn khởi động làm quen với môi trường công nghiệp. Đây là quá trình rèn luyện để họ vươn mình khởi nghiệp, trở thành những người làm chủ tại Việt Nam trong tương lai.

10 yếu tố cần cân nhắc trước khi khởi nghiệp
Trước khi quyết định đổ vốn vào dự án khởi nghiệp nào, nhà đầu tư cần cân nhắc nhiều yếu tố quan trọng. Ông Trịnh Minh Giang, CEO Công ty cổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư