Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Khi an toàn là giá trị cối lõi của Vietnam Airlines
Bảo Như - 20/06/2018 09:19
 
Cùng với việc đầu tư hiện đại hóa đội tàu bay, Vietnam Airlines luôn dành ưu tiên cao nhất cho việc xây dựng văn hóa an toàn hàng không trong nội bộ doanh nghiệp, cũng như lan tỏa trong toàn ngành hàng không.

Trung thực 

“Điểm nổi bật trong văn hóa an toàn của Vietnam Airlines là đề cao tính trung thực, minh bạch, tạo môi trường làm việc mà mọi nhân viên luôn sẵn sàng báo cáo lỗi; không áp dụng các biện pháp kỷ luật đối với bất cứ nhân viên nào khi chủ động báo cáo trung thực về các sự cố, sự việc ảnh hưởng tới an toàn, các lỗi do sơ ý”, ông Nguyễn Thái Trung, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết.

Theo ông Trung, trong quá trình xây dựng và phát triển, Vietnam Airlines luôn xác định an toàn là nguyên tắc số một, không thể đánh đổi trong mọi hoạt động của Hãng. Vì thế, việc thiết lập, củng cố và nâng cao văn hóa an toàn là một mục tiêu trọng điểm hàng đầu. 

Vietnam Airlines luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mọi chuyến bay. Ảnh: Đức Thanh
Vietnam Airlines luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mọi chuyến bay. Ảnh: Đức Thanh

Với vị thế là hãng hàng không quốc gia, trong suốt hơn 20 năm thành lập và phát triển, Vietnam Airlines không ngừng nỗ lực xây dựng văn hóa an toàn hàng không với việc xác định đây là một quá trình kiên trì mỗi ngày, kết hợp cùng nhiều biện pháp để có được sự thay đổi nhận thức, quan niệm và hành động của mỗi cá nhân. 

Cụ thể, Vietnam Airlines đã thành công trong việc xây dựng và vận hành hệ thống quản lý an toàn dựa vào dữ liệu an toàn để dự báo, xác định các nguy cơ, từ đó xử lý, phòng ngừa rủi ro kịp thời. Hệ thống quản lý an toàn đã và đang không ngừng hoàn thiện, đáp ứng tiêu chuẩn của các hiệp hội, liên minh mà Vietnam Airlines tham gia. 

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn ban hành chỉ thị về việc nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động khai thác và văn hóa báo cáo. Mô hình văn hóa báo cáo được hưởng ứng tích cực với ngày càng nhiều báo cáo an toàn tự nguyện, bên cạnh các báo cáo bắt buộc từ đơn vị khai thác bay, kỹ thuật hay khai thác mặt đất. 

“Với đặc thù tiêu chuẩn an toàn khắt khe của ngành hàng không, với tính chất biến động của ý thức, hành vi con người, công tác về văn hóa an toàn là một hoạt động trường kỳ, liên tục, đòi hỏi chúng ta không ngừng theo dõi và hành động để củng cố, nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ nhân viên, qua đó góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hàng trăm hành khách trên mỗi chuyến bay”, ông Trung nói.

Được biết, mỗi năm Vietnam Airlines đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo nội bộ về an toàn và văn hóa an toàn. Trong 4 năm, từ 2013 đến 2017, đã có hàng ngàn thành viên được tiếp cận với những quy định và các hướng dẫn mới nhất của văn hóa an toàn hàng không như các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), hệ thống quản trị an toàn của Cục Hàng không Việt Nam (CAAV), chính sách phát triển văn hóa an toàn của Vietnam Airlines...

Năm 2008, Vietnam Airlines là đơn vị đầu tiên của ngành hàng không Việt Nam áp dụng hệ thống quản lý an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo số liệu của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), năm 2016, những chỉ số trọng yếu liên quan đến an toàn bay của Vietnam Airlines đều vượt trội so với các hãng hàng không khác trong nước và ở mức cao so với mặt bằng chung thế giới. 

Không đánh đổi nguyên tắc an toàn

Trước những lo ngại thị trường phát triển nóng gây ảnh hưởng đến an toàn bay do chất lượng đào tạo hay chất lượng giám sát, quản lý không kịp đáp ứng, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, Hãng luôn giữ vững nguyên tắc an toàn là số 1 và không đánh đổi nguyên tắc này với bất cứ điều gì.

“Cho dù luôn phải cắt giảm chi phí trong bối cảnh cạnh tranh ngày một khốc liệt, Vietnam Airlines vẫn dành khoản đầu tư xứng đáng vào việc sử dụng các cơ quan quốc tế có uy tín tham gia đánh giá, tìm kiếm và khắc phục các điểm yếu trong hệ thống quản lý an toàn, đặc biệt là văn hóa an toàn và ý thức con người. Việc đầu tiên tôi làm khi bắt đầu một ngày làm việc là đọc báo cáo về tình trạng an toàn”, ông Thành nói.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines cũng cho biết, hàng tuần doanh nghiệp này đều có báo cáo kết quả hoạt động từ các tổ công tác an toàn (SAG 1, 2, 3), bao gồm hoạt động khai thác trên không, mặt đất và kỹ thuật. Việc bảo dưỡng các máy bay, đảm bảo an toàn mà vẫn không ảnh hưởng tới chi phí là một thách thức không nhỏ với hãng hàng không. 

Nhận thức rõ điều này, Vietnam Airlines đã phát triển một bộ phận bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay là Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay VAECO. Doanh nghiệp do Vietnam Airlines nắm 100% vốn sở hữu này đã nhận chứng chỉ bảo dưỡng FAR-145 của Cục Quản lý hàng không Liên bang Hoa Kỳ năm 2011 và mới đây là chứng chỉ EASA-145 của Cơ quan An toàn hàng không châu Âu. Với khoảng 3.000 kỹ sư, thợ máy, VAECO đang cung cấp dịch vụ cho một số khách hàng nước ngoài trong khu vực lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar…

Các công nghệ tiên tiến hàng đầu đã được Vietnam Airlines đầu tư và áp dụng trong lĩnh vực theo dõi tình trạng kỹ thuật tàu bay, động cơ. Hãng cũng đã ký các hợp đồng với Boeing, Airbus để sử dụng các ứng dụng AHM (Aircraft Health Monitoring), AirMan theo dõi thông tin về “sức khỏe” kỹ thuật của từng hệ thống, thiết bị trên tàu bay; ký hợp đồng với nhà cung cấp ứng dụng theo dõi các thông số hoạt động của động cơ. 

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các tàu bay của Vietnam Airlines luôn được theo dõi thông tin tình trạng kỹ thuật theo thời gian thực 24/7, tại mỗi chặng bay và sân bay trên thế giới. Từng hệ thống, thiết bị trên tàu bay được các chuyên gia đánh giá, phân tích dựa trên dữ liệu thu thập được và đưa ra các dự đoán xu hướng hỏng hóc hay các hỏng hóc tiềm ẩn và thông báo tới Vietnam Airlines.

Nhờ việc đầu tư và làm chủ các ứng dụng công nghệ hàng đầu nêu trên, các tàu bay của Vietnam Airlines khi có hỏng hóc sẽ được đánh giá, xác định nguyên nhân nhanh chóng, khắc phục kịp thời, giảm thiểu việc chậm và hủy chuyến. 

Trong tương lai, với mục tiêu đã đề ra đến năm 2020, nâng cấp văn hóa an toàn của Vietnam Airlines lên mức chủ động (Proactive) trong tất cả các mặt bao gồm: báo cáo an toàn, điều tra an toàn, xử lý các thông tin an toàn, phòng ngừa an toàn. 

“Đến năm 2025, văn hóa an toàn của Vietnam Airlines đạt mức tiên tiến (Generative), an toàn trở thành giá trị cốt lõi và nền tảng trong văn hóa doanh nghiệp cũng như mọi hoạt động của từng cá nhân”, lãnh đạo Vietnam Airlines cam kết.

Chu kỳ tăng trưởng mới của Vietnam Airlines
Vietnam Airlines đang ở trong giai đoạn phát triển nhanh, ổn định và hiệu quả nhất kể từ khi Tổng công ty được thành lập vào năm 1995.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư