Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Khi doanh nhân bán niềm hy vọng
Anh Hoa - 04/09/2017 14:49
 
Dấn thân vào kinh doanh, doanh nhân đã tự nuôi dưỡng những ý tưởng táo bạo vì muốn vận hành cuộc chơi của riêng mình. Khi đã chạm mục tiêu, họ lại mang hoài bão xây một bệ phóng vững vàng cho doanh nghiệp Việt để đủ khả năng hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

1.
“Tôi muốn trở thành nhà kinh doanh bán niềm hy vọng”, doanh nhân Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk, vốn được mệnh danh là chàng “bọ cạp” bất khả chiến bại trong giới kinh doanh Việt Nam không ngần ngại thể hiện ước muốn của mình trên facebook với 5.000 bạn và 130.000 người theo dõi.

.
Doanh nhân Hoàng Khải muốn "bán niềm hy vọng"

Những thứ ông muốn bán, mà người hưởng lại không mất tiền mua và ông cũng chẳng thu được đồng nào. “Đổi lại, tôi sẽ trở thành tấm gương cho lớp trẻ khi khởi nghiệp và có một nhân cách sống để có niềm tin vào cuộc sống. Tôi sẽ phải phấn đấu không ngừng nghỉ để tạo ra những sản phẩm từ những người ở tuổi như tôi mà vẫn còn công hiến cho xã hội. Đó là sự hy vọng”, ông Khải nói.

 “Họ đang vướng kinh nghiệm sống”, ông Khải nói vậy khi khá nhiều bạn trẻ lao vào con đường kinh doanh từng đến gõ cửa để “thỉnh giáo” ông. “Những lúc như vậy, tôi hít sâu và kiềm chế cảm xúc. Tôi bắt đầu từ từ với một câu chuyện dẫn dắt để các bạn ấy hiểu rằng, mình cần phải đi làm thuê trong một thời gian dài nữa để có kinh nghiệm trước khi khởi nghiệp ở tuổi 32. Độ tuổi chín chắn hơn sau thời gian lao động”, ông Khải nói và không nghĩ mình có thể trở thành người cầm tay, chỉ việc cho họ. Ông chỉ muốn truyền cảm hứng mỗi ngày để họ kiếm tiền bằng chính năng lực, sáng tạo và niềm đam mê của mình. Họ phải tự học lấy mọi thứ.

Nói vậy, để thấy không có cái “thang máy” nào đưa ông đến thành công trên con đường kinh doanh. 

Vị doanh nhân này vừa tái khởi nghiệp với chuỗi phở "Ông Khải" ở cái tuổi 53 làm rung động bao con tim của những bạn trẻ đang khao khát làm giàu. Trong tháng 10 năm nay, ông sẽ khởi công tòa cao ốc The Khai Tower, với vốn đầu tư 35 triệu USD và  khách sạn KHAISAN 10 triệu USD tại Cam Ranh (Khánh Hoà).

Chuỗi phở "Ông Khải" với mức đầu tư 70 tỷ đồng, sẽ đạt khoảng 100 cửa hàng trong 2 năm tới và đang đang xin giấy phép đầu tư ra nước ngoài, giấy phép đầu tư tại nước sở tại để xuất hiện ở Thượng Hải (Trung Quốc) và Tokyo (Nhật Bản). Niềm tin của ông vào sự thành công của chuỗi phở Ông Khải là lòng tử tế, đảm bảo sức khoẻ cho con người.

Kinh doanh lão luyện, tự tin khiến ông Khải không bao giờ thấy hoang mang về con đường kinh doanh của mình. Vẫn còn những khó khăn của xã hội đem đến như giấy phép, cửa quyền, hối lộ… để rồi trong chốc lát ông muốn buông bỏ mọi thứ.

Gần đây, thị trường công nghệ, smartphone Việt Nam dậy sóng bởi nhiều sự kiện. Trong đó, nổi bật là chiếc Bphone 2.0 của Bkav tung ra thị trường và gây ra những phản ứng trái chiều của cộng đồng doanh nhân, người tiêu dùng, báo chí…

Ông Nguyễn Tử Quảng, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Bkav thừa nhận, Bphone là một dự án đầu tư mạo hiểm. Trong 8 năm qua, dự án này đã tiêu tốn của Bkav hơn 500 tỷ đồng và vẫn đang bù lỗ cho sản phẩm trong khi tương lai chưa có tín hiệu tích cực.

Điều này khiến nội bộ Bkav  từng tranh cãi gay gắt, nhưng sau tất cả, Bkav vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi khát vọng và sứ mệnh của mình với Bphone và sẽ chịu đựng tới khi nào không thể chịu nổi nữa mới thôi.

“Tôi muốn mọi người cầm nó thay vì điện thoại iPhone, Samsung”, ông Quảng nói và kỳ vọng người tiêu dùng tin doanh nghiệp trong nước có thể làm ra những chiếc điện thoại hàng đầu.

Quan điểm đất nước Việt Nam phải có những doanh nghiệp nổi tiếng như Samsung, iPhone được khá nhiều người tán dương. Nhưng với điều kiện, Bkav cần làm người dân Việt Nam yêu mến sản phẩm Bphone và biết đánh vào lòng tự hào của dân tộc. Vì một sản phẩm có tốt và lấy người dân làm gốc thì doanh nghiệp mới vươn ra thế giới được. 

“Nếu thành công, Bphone sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp, mạnh dạn cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu trên thế giới”, ông Quảng kỳ vọng.

.
Ông Nguyễn Tử Quảng, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Bkav thừa nhận, Bphone là một dự án đầu tư mạo hiểm. 

 2.
Ông Khải và ông Quảng chỉ là hai trong số hàng triệu doanh nhân ở Việt Nam được “tung hô” gần đây và trở thành thần tượng cho giới trẻ đang khao khát làm giàu chính đáng.

Họ muốn có một hình mẫu để theo đuổi, học tập và để yêu quý giống như giới trẻ cả thế giới đang làm với Steve Jobs, Lee Kun-hee, Mark Zuckerberg. Dường như con đường dẫn đến thành công của các doanh nhân này đều có chung công thức: Trung thực + nhiệt huyết + đam mê. Có lẽ, đây là công thức chung mà bất cứ doanh nhân nào trên thế giới cũng cần và tất nhiên, Việt Nam  không thể là ngoại lệ.

Thất bại là điều hoàn toàn có thể xảy ra với bất kỳ ai. Là doanh nhân cũng có nhiều quyết định kinh doanh xốc nổi, đa mang và va vấp, nhưng với họ, sau khi đứng dậy thì va vấp cũng là một bước tiến rất dài. Họ đã dành được niềm tin của thị trường và thiện chí của những cộng sự tốt. Nhưng vẫn còn quãng đường dài với không ít chông gai để tạo được vị thế tốt trên thị trường, ngành, lĩnh vực họ đang kinh doanh. Thế nên, trước những nghiệt ngã của cuộc sống và môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt, những doanh nhân phải nuôi niềm tin và tự bảo vệ những gì mình đang theo đuổi bằng chính bàn tay và khối óc của mình.

“Đốt” hơn 500 tỷ đồng làm Bphone, Bkav toan tính lớn
Đầu tư hơn 500 tỷ đồng làm Bphone nhưng vẫn phải bù lỗ, sản xuất nhỏ giọt, Bkav tự đặt ra một sứ mệnh và chiến lược dài hạn cho chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư