Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Khi ứng viên chê doanh nghiệp lớn, tiền nhiều
Vũ Anh - 21/03/2014 09:00
 
Không phải công ty tốt về doanh thu là sẽ trở thành một công ty tốt về tuyển dụng. Thậm chí, các công ty này đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức liên quan đến con người. Vài mẹo để tuyển dụng được lập trình viên giỏi Nguyễn Hà Đông được doanh nghiệp game 'trải thảm' mời Công bố “100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam” Manulife Việt Nam vào danh sách DN bảo hiểm đáng làm việc

Theo cuộc khảo sát “Nhà tuyển dụng năm 2013” do trang web Careerbuilder.vn công bố mới đây, có đến 7 doanh nghiệp nước ngoài nằm trong tốp 10 nhà tuyển dụng ở Việt Nam được người lao động yêu thích nhất.

Khi ứng viên chê doanh nghiệp lớn, tiền nhiều
Bà Lương Thị Lệ Thu, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thiết bị giáo dục Sao Mai (TP.HCM) sẽ thử sức với chủ đề lần này

Theo đó, các nhà tuyển dụng nước ngoài bao gồm Unilever, Coca-Cola, Nestlé, Samsung, PepsiCo, P&G, Lotte... là những doanh nghiệp nước ngoài được lựa chọn nhiều nhất. Doanh nghiệp trong nước chỉ góp mặt với ba cái tên là Vinamilk, FPT và Viettel.

Phải chăng, công ty quy mô lớn, tiền nhiều, uy tín thương hiệu ngoại… luôn thắng trong việc thu hút lượng nhân sự giỏi về với mình? Và ngược lại, các công ty nhỏ có phải lúc nào cũng tự ti vì bị nhân tài bỏ đi?

Bà Nguyễn Tâm Trang, Phó chủ tịch nhân sự Unilever Việt Nam, nơi làm việc tốt nhất ngành hàng tiêu dùng nhanh (đánh giá của Anphabe.com), thừa nhận:

“Đúng là công ty lớn sẽ có lợi thế về mặt truyền thông, vì có nhiều người biết tới những nhãn hiệu của công ty đó. Nhưng điều đó cũng không hẳn, vì các anh chị có thể thấy là có nhiều công ty rất lớn cũng không lọt vào top 100 thương hiệu tuyển dụng uy tín tại Việt Nam”.

“Điều đó chứng tỏ rằng, không phải công ty tốt về doanh thu cũng có thể trở thành một công ty tốt về tuyển dụng. Tôi biết rất nhiều công ty nhỏ của Việt Nam (quy mô dưới 30 người), nhưng các nhân viên đều thấy tự hào khi được gắn bó với công ty từ những ngày đầu thành lập”, bà Trang nói.

Theo bà Trang, ở công ty nhỏ, bạn có thể làm những gì mình muốn, có quyền sáng tạo theo ý mình, họ gắn kết với công ty từ đầu, nên họ cảm thấy thành công của công ty cũng là thành công của mình.Trong khi đó, ở những công ty quy mô nhân viên lên tới cả ngàn nhân viên, mọi thứ đang chạy với guồng máy ổn định, khả năng được cống hiến chỉ có hạn, sếp không thể quan tâm tới từng nhân viên.

“Điều quan trọng nhất ở đây là tâm huyết của ban lãnh đạo về việc tạo môi trường tốt nhất cho nhân viên vì mục đích cuối cùng là thu hút và giữ chân nhân tài để giúp công ty đứng vững, phát triển công ty lên tầm cỡ lớn hơn. Thực ra, công ty lớn có những thuận lợi, nhưng cũng có những bất lợi, khó khăn để có thể giữ vững thương hiệu này. Họ không thể dàn trải trên tất cả các chỉ tiêu, mà chỉ có thể tập trung vào những nhân vật chủ chốt. Đó cũng là điều rất quan trọng với các công ty nhỏ, xem lợi thế của mình ở đâu, để có thể tập trung phát triển, thu hút và giữ chân nhân tài”, bà Trang phân tích.

Trong khi đó, bà Bùi Thị Thanh Thúy, Giám đốc nhân sự Công ty Prudential Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi luôn gặp thách thức về con người. Thứ nhất, các nhân viên ở Prudential thường trở thành mục tiêu của các công ty đối thủ, đặc biệt là trong cùng ngành. Thứ hai, ở công ty lớn có những quy trình, buộc nhân viên phải quyết định mọi vấn đề nhanh, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Trong khi đó, đội ngũ lãnh đạo phải rất năng động, họ phải được trao đủ quyền để ra quyết định nhanh”.

Hay như với Công ty Samsung Việt Nam. Công ty này được giới săn đầu người ví như một chàng trai mới lớn, có rất nhiều nét hấp dẫn, thu hút nhiều nhân tài, nhưng cũng đào thải nhiều. Việc này đã ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của Công ty.

Ông Lê Hồng Phúc, Giám đốc nhân sự Samsung Việt Nam cho hay: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi xoay quanh vấn đề văn hóa. Nếu văn hóa liên tục thay đổi, thì sẽ có những cá nhân không thể đáp ứng kịp. Do đó, vấn đề đặt ra với chúng tôi là, làm sao để nhân viên cũ và mới hòa nhập được với văn hóa đó. Một nhân viên tốt, có thể đột nhiên bỏ mình đi chỉ vì chúng tôi không cung cấp thông tin về kế hoạch nghề nghiệp của họ trong tương lai”.

Như vậy, có thể nói, dù ở công ty lớn hay nhỏ, đều có cơ hội trở thành nơi làm việc tốt nhất, lâu dài nhất đối với nhân sự tốt. Tuy nhiên, để thắng trong cuộc chơi này, mỗi doanh nghiệp cần chơi đúng theo sở trường thế mạnh của mình.

Nếu muốn tìm thêm giải pháp cho vấn đề này, CEO có thể theo dõi Chương trình Chìa khóa thành công - CEO phiên bản 2013, phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình tuần này sẽ được phát sóng vào 10 giờ sáng Chủ nhật (23/3) và phát lại vào 8 giờ sáng thứ Hai (24/3).n

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình Chìa khóa thành công - CEO do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự tài trợ của Công ty cổ phần Traphaco thông qua nhãn hàng Thuốc bổ não Cebraton

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư