Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Khó giảm số lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc
Hải Hà - 23/05/2017 08:08
 
Hàn Quốc đã kiên quyết dừng tuyển lao động các huyện của Việt Nam có tỷ lệ lao động ở lại bất hợp pháp cao. Một số giải pháp để lao động về nước khi hết hợp đồng đã được các cơ quan chức năng đưa ra, song ít hiệu quả.
TIN LIÊN QUAN

Hiện 58 quận, huyện có lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên đã bị dừng tuyển lao động. Đây là biện pháp mạnh tay từ phía Hàn Quốc, nhằm kéo giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp. 

Ông Kil-Yong, Giám đốc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam (HRD) nhận định, nguyên nhân khiến tỷ lệ ở lại làm việc bất hợp pháp cao xuất phát từ tâm lý lo lắng về việc làm và thu nhập của người lao động sau khi về nước.

.
.

Do đó, phiên giao dịch việc làm đầu tiên của năm 2017 đã dành riêng cho lao động đi theo chương trình EPS (chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc) trở về Việt Nam, được chính HRD phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức mới đây, với kỳ vọng đem tới giải pháp hỗ trợ hữu hiệu cho lao động. Đây cũng là một giải pháp nhằm giảm bớt tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

“Lượng doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam đầu tư ngày càng lớn về số lượng và quy mô, do đó, người lao động chỉ cần có kỹ năng tiếng Hàn, kỹ năng cơ bản liên quan tới máy tính, quản lý... sẽ có được mức lương cao ngay tại Việt Nam”, ông Kil-Yong nói.

Thực tế cho thấy, mặc dù có tới 32 doanh nghiệp Hàn Quốc tới tham gia hội chợ, với nhu cầu tìm kiếm 422 vị trí việc làm khác nhau, nhưng số lượng người lao động tới tham dự chỉ khoảng 100 người.

Ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, mức lương trung bình tùy theo vị trí mà người lao động dự tuyển vào khoảng 15 - 20 triệu đồng ở vị trí quản lý và trên dưới 10 triệu đồng ở vị trí công nhân kỹ thuật. Ở Việt Nam có thể xếp vào mức lương khá, nhưng so với bên Hàn Quốc thì chênh lệch rất lớn, khiến người lao động muốn trốn ở lại Hàn Quốc làm việc.

Ngoài ra, lao động Việt Nam đáp ứng yêu cầu không nhiều. Ông Hyeong-Gwon Choi, Giám đốc bộ phận nước ngoài, Công ty TNHH Sejung Vina cho biết: “Chúng tôi muốn tuyển 15 vị trí công nhân kỹ thuật gia công khuôn mẫu, cơ khí, nhưng trong số 7 người phỏng vấn chỉ có 2 người đáp ứng được yêu cầu”.

Đây cũng là nỗi niềm chung khi đại diện Công ty TNHH Shinsung Vina cho biết, năm nào công ty này cũng tham gia vào tất cả các hội chợ, phiên giao dịch việc làm cho lao động EPS về nước, nhưng vẫn chưa thể tìm được ứng viên cho vị trí cần tìm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, anh Nguyễn Văn Duy (Gia Lâm, Hà Nội), một người tham gia phiên giao dịch việc làm cho biết, hầu hết các doanh nghiệp đều tuyển trong lĩnh vực khác, trong khi nghề anh làm tại Hàn Quốc là nông nghiệp.

“Làm nông nghiệp tại Hàn Quốc có mức lương khá cao, từ 30 - 40 triệu đồng, 90% chủ sử dụng ngành này hỗ trợ người lao động toàn bộ ăn ở. Do đó, số tiền tôi gửi về vào khoảng 26 đến hơn 30 triệu đồng mỗi tháng. Nếu biết trước khó xin việc, tôi cũng sẽ ở lại làm việc bất hợp pháp”, anh Duy nói.

Cũng theo anh Duy, trước kia, người lao động sau khi về nước nếu muốn sang tiếp thì mỗi năm có 4 lần thi tiếng Hàn, với hình thức thi qua mạng. Hiện số lần thi đã giảm xuống và tập trung cả người lao động sau khi về nước lẫn người chưa từng sang Hàn. Số lượng đông thì cơ hội sang Hàn của người lao động sau khi về nước giảm xuống, do đó, nhiều người trốn ở lại.

“Theo tôi biết, từ đầu năm đến nay có khá ít lao động sau khi hết hạn hợp đồng về nước. Việc khó xin việc tại Việt Nam được người lao động rỉ tai nhau, những lao động bất hợp pháp người Nghệ An còn lập hội để có thể giúp đỡ nhau trên đất bạn”, anh Duy nói.

Việc trái ngành nghề cũng là lý do khiến anh Bùi Văn Dương (Giao Thủy, Nam Định) không thể tìm được việc làm như kỳ vọng. Anh Dương cho biết, muốn tìm việc với mức lương khoảng 10 triệu đồng để có thể trang trải cuộc sống, nhưng không thể tìm được doanh nghiệp nào ngành gỗ (ngành anh có kinh nghiệm tại Hàn Quốc) đến hội chợ.

Cũng theo anh Dương, một số vị trí các doanh nghiệp đang tuyển cho mức lương cao như phiên dịch, quản lý thì người lao động Việt khó có thể đáp ứng, vì thời gian làm việc trung bình mỗi ngày tại Hàn Quốc của người lao động là 12 giờ, thậm chí có thời điểm lên tới 16 giờ/ngày, nên tiếng Hàn của đa phần người lao động Việt chỉ ở mức sơ đẳng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư