Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Khó vận dụng quy định thuận lợi hóa thương mại
Hồng Sơn - 29/06/2017 19:22
 
Đã có nhiều hướng dẫn, quy định nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam về thực hiện tạo thuận lợi hóa thương mại. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa nắm rõ, nên chưa tận dụng các quy định này.
.
Thực tế, số doanh nghiệp xuất nhập khẩu nắm vững và áp dụng các quy định liên quan đến TFA để tạo thuận lợi, lợi thế trong thông quan hàng hóa chưa nhiều, hiệu quả chưa cao

Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chính thức có hiệu lực từ ngày 22/2/2017. Theo đại diện Tổng cục Hải quan, để chủ động thực hiện các cam kết trong TFA, ngành hải quan đã ban hành các quy trình xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu chính đáng của người khai hải quan, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trước đó, tại các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan đến xác định trước đã được đề cập đến trong Luật Hải quan 2014, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Thông tư 38/2015/TT-BTC…

Theo các chuyên gia, TFA sẽ thúc đẩy sự di chuyển, thông quan hàng hóa qua biên giới, tạo ra giai đoạn mới cho cải cách thuận lợi hóa thương mại trên thế giới, đồng thời tạo chất xúc tác mới thúc đẩy mới cho thương mại và hệ thống thương mại đa phương.

Việc thực thi đầy đủ TFA được dự báo sẽ làm giảm chi phí thương mại của các thành viên xuống mức bình quân 14,3%, với hầu hết các nước đang phát triển đều có lợi. TFA cũng có khả năng tiết kiệm 1,5 ngày thời gian thông quan hàng nhập khẩu (giảm 47% so với mức trung bình hiện tại) và tiết kiệm gần 2 ngày thời gian thông quan hàng xuất khẩu (giảm 91% so với mức trung bình hiện tại).

Tuy nhiên, trong thực tế, số doanh nghiệp xuất nhập khẩu nắm vững và áp dụng các quy định liên quan đến TFA để tạo thuận lợi, lợi thế trong thông quan hàng hóa chưa nhiều, hiệu quả chưa cao. Theo thống kê, đến nay cả nước mới có hơn 500 trường hợp xác định trước mã số HS; 5 trường hợp xác định trước trị giá hải quan và chưa có trường hợp xác định trước xuất xứ đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, thủ tục xin xác định trước hiện nay quá phức tạp như phải cung cấp vận đơn, hợp đồng mua bán, hóa đơn thanh toán, trong khi những chứng từ này chỉ có sau khi đã giao dịch, như vậy “thủ tục xác định trước” trở thành “xác định sau”. Các doanh nghiệp cũng cho rằng, còn nhiều bất cập trong việc áp mã số hàng hóa khi làm hồ sơ xác định trước.

Theo đại diện Công ty Tư vấn xuất nhập khẩu Toàn cầu, công ty này nhập thiết bị lọc nước từ nước ngoài và sản phẩm đó chưa có trong danh mục mã số được công bố tại Việt Nam, khi làm thủ tục thông quan, cơ quan hải quan áp mã số của máy bơm nước, mặc dù đây là hai sản phẩm hoàn toàn khác nhau, vì vậy, Công ty đã gửi hồ sơ đến một số đơn vị để xác định lại mã số cho sản phẩm này, nhưng hơn 1 tháng vẫn chưa có câu trả lời.

Lý giải việc các doanh nghiệp chưa tận dụng được lợi thế trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu dù đã có các quy định, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, chỉ tập trung vào sản xuất mà chưa thật sự quan tâm đúng mức cho việc tìm hiểu các chính sách, quy định liên quan tới thương mại hàng hóa.

“Đây là thiếu sót và cũng là thiệt thòi cho chính doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần phải chủ động trang bị kiến thức để bắt kịp xu hướng và nắm bắt cơ hội tham gia vào thị trường thế giới”, bà Mai nói.

Ông Đặng Thái Thiện, đại diện Cục Hải quan TP.HCM phân tích, “Quy định xác định trước” nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thông quan, nhưng lại chưa phát huy được tác dụng là bởi, ngoài việc doanh nghiệp chưa nắm bắt được thông tin thì thực tế một số doanh nghiệp và cơ quan chức năng chưa thống nhất được với nhau khi xin xác định trước các thông số hàng hóa. Thủ tục thông quan ở Việt Nam hiện nay bao gồm nhiều thủ tục của nhiều cơ quan quản lý chuyên ngành khác nhau, trong đó, những quy định của ngành hải quan chỉ chiếm một phần nhỏ. “Vướng mắc nhất và tốn nhiều thời gian nhất trong quá trình thông quan hàng hóa là các quy định kiểm tra chuyên ngành”, ông Thiện cho biết.

Để tận dụng được các lợi thế trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu từ các quy định liên quan đến TFA, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu về các quy định này. Ngành chức năng cũng cần thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời xử lý, giải quyết những vướng mắc, khó khăn.

Theo ông Nestor Scherbey, chuyên gia Liên minh Thuận lợi thương mại toàn cầu (GATF), để “Quy định xác định trước” đến được với nhiều doanh nghiệp và phát huy hiệu quả trong việc tạo thuận lợi thương mại, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết. Đơn cử như việc thay thế các chứng nhận kiểm tra chuyên ngành bằng việc áp dụng phương pháp quản lý rủi ro hay cấp thư xác nhận kèm theo điều kiện ràng buộc cho doanh nghiệp.

Thúc đẩy hợp tác, thuận lợi hóa thương mại giữa Việt Nam với các nước không có biển
Từ ngày 7 đến 9/3, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc khu vực Á - Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hóa trung chuyển,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư