Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Khoa học và công nghệ đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới
Kỳ Thành - 11/08/2018 13:10
 
Sau hơn 5 năm triển khai nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ vào quá trình xây dựng nông thôn mới, các mô hình sản xuất mới đã được ứng dụng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thu nhập của người dân tăng trên 25%

Hợp tác xã Sản xuất nông sản và Thương mại Hồng Giang là một trong những hợp tác xã tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, với hai dây chuyền xử lý hoa quả do Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) bàn giao, trong đó có dây chuyền làm sạch vải thiều để xuất khẩu.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan gian trưng bày các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ tại Hội nghị tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan gian trưng bày các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ tại Hội nghị tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới

“Đến nay, dây chuyền hoạt động rất tốt, chúng tôi đã thành công trong xử lý vải, xuất khẩu được sang thị trường châu Âu, Mỹ và vụ tới tiếp tục xuất khẩu sang Malaysia, Trung Đông”, ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất nông sản và Thương mại Hồng Giang nói.

Đây là một trong những thành công mà Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới mang lại. Theo Quyết định số số 27/QĐ-TTg năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới được phê duyệt với tổng kinh phí cấp từ ngân sách Nhà nước là 221 tỷ đồng.

GS -TS. Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình hoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới cho biết, tổng kết giai đoạn 2012-2017, nhờ thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia các đề tài, dự án, Chương trình đã huy động được kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp 165 tỷ đồng, chiếm 43% tổng kinh phí thực hiện Chương trình (386 tỷ đồng).

Chương trình triển khai chậm trong những năm đầu vì vướng nhiều khó khăn trong thủ tục hành chính, giải ngân vốn, nhưng đã nỗ lực triển khai được 69 đề tài, dự án. Các nhiệm vụ đều bám sát các mục tiêu và 6 nhóm nội dung được giao tại Quyết định 27/QĐ-TTg và nhu cầu cấp bách của xây dựng nông thôn mới ở các địa phương như hoàn thiện cơ sở lý luận của mô hình nông thôn mới, các cơ chế, chính sách, giải pháp khoa học công nghệ để xây dựng nông thôn mới...

Thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên, Chương trình đã góp phần hỗ trợ hoàn thiện cơ chế chính sách của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Những kết quả có thể kể đến như một số dự án tăng năng suất cây trồng trên 10%; giúp một số địa phương chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tăng hiệu quả 5-7 lần; tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; một số mô hình đã giúp tăng năng suất 30-35% đối với rau màu, 10-15% đối với lúa, tăng thu nhập của người dân tham gia dự án trên 25%. Trong số 147 mô hình của 22 dự án có 87 mô hình đã và đang được các địa phương nhân rộng.

Tập trung nghiên cứu, xây dựng chính sách cho các vấn đề cụ thể

Đánh giá về những kết quả đã đạt được của Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới tại Hội nghị Tổng kết giai đoạn 2012-2017 và định hướng giai đoạn 2018-2020 diễn ra đầu tuần này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cho rằng, từ những ngày đầu thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của nhân dân và trở thành một cuộc vận động to lớn trong các tầng lớp xã hội.

“Phong trào nào, cuộc vận động nào cũng phải dựa trên những luận cứ khoa học và Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có được nền tảng này, được ứng dụng và hỗ trợ hiệu quả cho xây dựng nông thôn mới”, Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng cũng lưu ý, nếu ngồi trong phòng lạnh nghiên cứu thì khó mà sát thực, do đó các viện nghiên cứu cần tập trung nhiều hơn nữa vào nghiên cứu khoa học trong xây dựng thể chế, chính sách thực hiện các vấn đề cụ thể như xử lý rác thải, nước sạch cho vùng nông thôn, các mô hình sản xuất nâng cao thu nhập, bảo tồn văn hoá bản sắc các vùng miền, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá, công nghiệp hoá nông nghiệp, bảo đảm an ninh, an toàn cho đời sống cư dân nông thôn.

Quán triệt chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, coi xây dựng nông thôn mới là một quá trình có điểm khởi đầu nhưng liên tục và không có điểm dừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong giai đoạn 2018-2020, Bộ sẽ ưu tiên tập trung chỉ đạo triển khai các mô hình, dự án chuyển đổi sản xuất gắn với thực tiễn, chuyển giao ứng dụng, phát huy lợi thế của từng vùng miền để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các dự án, mô hình phục vụ triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đối với các địa phương, Bộ đề nghị cần chủ động rà soát, phát hiện những vấn đề cấp thiết trong xây dựng nông thôn mới để đề xuất đưa vào Chương trình Khoa học công nghệ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp chặt chẽ với các  tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài, dự án để triển khai thực hiện trên địa bàn, qua đó đảm bảo chất lượng, tiến độ và đúng định hướng của Chương trình.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Xây dựng nông thôn mới phải có tư duy mới, cách làm mới
Ngày 27/7 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức Hội nghị toàn quốc xây dựng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư