Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Khoảng lặng M&A ngân hàng
Thùy Vinh - 28/03/2017 08:33
 
Dường như có khoảng lặng trong làn sóng sáp nhập, hợp nhất và mua lại (M&A) ngân hàng trong 2 năm trở lại đây.

M&A khó sôi động như trước

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Lê Minh Hưng, việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngành ngân hàng đã được đẩy mạnh trong thời gian qua, song hệ thống vẫn còn tồn tại những vấn đề yếu kém. Đề án Tái cơ cấu ngành ngân hàng giai đoạn II (2016-2020) đã được hoàn thành với các bước rất chi tiết và cụ thể. Riêng Đề án tái cơ cấu 5 ngân hàng, (gồm 3 ngân hàng 0 đồng là OceanBank, CBank, GPBank cùng với DongA Bank và Sacombank sau sáp nhập đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Cùng với đó, áp lực tăng vốn chuẩn bị cho lộ trình đáp ứng chuẩn Basel II đang tạo sức ép lên các ngân hàng nhỏ, nhất là với những ngân hàng không thể thực hiện kế hoạch nâng năng lực tài chính trong nhiều năm qua như Saigonbank và một số ngân hàng có vốn trên dưới 3.000 tỷ đồng. Các chuyên gia lĩnh vực tài chính cho rằng, muốn tồn tại và phát triển, con đường duy nhất đối với ngân hàng nhỏ là M&A.

.
.

Ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, các ngân hàng yếu kém dường như đã được xóa sổ, sáp nhập, bán lại 0 đồng cho NHNN. Các vụ án hình sự trong ngành cũng đã được đưa ra xử lý. Hiện nợ xấu đã dần được xử lý và hoạt động của ngành ngân hàng trở nên sáng hơn. Do đó, M&A ngân hàng sẽ khó có thể sôi động như trước.

Theo ông Viễn, một số ngân hàng lớn phải sáp nhập thêm ngân hàng nhỏ (VietinBank sáp nhập PGBank, BIDV sáp nhập thêm MHB…) là nhằm xử lý các tồn đọng tại ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, theo ông Viễn, ngân hàng nhỏ chật vật trong việc tăng vốn trong thời gian qua khó tránh được làn sóng M&A.

Đồng quan điểm, TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Nghiên cứu Kinh tế trưởng Tập đoàn Dragon Capital Land cho rằng, sóng M&A lĩnh vực ngân hàng nếu có diễn ra trong thời gian tới cũng rất khó sôi động hơn. Lý do là dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước không đủ để mua một ngân hàng, còn dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài hiện không dễ thu hút, do hạn chế room vốn ngoại.

Đau đầu với bài toán nợ xấu

Đối với tình trạng một vài ngân hàng lớn phải “ôm” nhà băng nhỏ, yếu kém để đẩy mạnh tái cấu trúc, lành mạnh hóa hệ thống, theo TS. Lê Anh Tuấn, nếu có xảy ra, thì cũng mang tính chính sách. Bởi thực tế, không phải ngân hàng lớn nào cũng muốn sáp nhập ngân hàng nhỏ, yếu kém, “gánh” cục nợ xấu…

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, tuy đã được kiểm soát, nhưng bài toán xử lý nợ xấu vẫn có khó khăn nhất định và phía trước còn nhiều thách thức khi mới giải quyết được một nửa. Vì vậy, giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020 có 5 mục tiêu, trong đó có mục tiêu đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ngân hàng, mà căn cơ chính là xử lý nợ xấu.

Phát biểu tại Hội thảo Triển vọng kinh tế Việt Nam 2017 do Ngân hàng HSBC tổ chức ngày 23/3 tại TP.HCM, ông Vincent Conti, chuyên gia kinh tế của Standard&Poor's (S&P) cũng đã chỉ ra những điểm yếu khiến Việt Nam khó có vị trí cao trong Bảng Xếp hạng Đánh giá tín nhiệm quốc gia của S&P. Theo đó, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng cho vay qua hệ thống ngân hàng lớn, mặc dù lịch sử lạm phát cao và thiếu ổn định, nợ chính phủ cũng ở mức cao và đang tăng nhanh. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy nhanh giải quyết nợ xấu.

Trong khi đó, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hiện như một cái “kho” chứa nợ xấu, chứ chưa giải quyết được các khoản nợ xấu. Tuy nhiên, VAMC chỉ lấy được nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trong tối đa 5 năm. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC cho hay, đối với xử lý nợ xấu, cần sử dụng nhiều nguồn khác nhau, nhưng với Việt Nam thì không dùng tiền của Chính phủ, vì vậy, tự thân các ngân hàng phải xử lý, nên sẽ thận trọng hơn.

Cơn sóng ngầm tái cơ cấu ngân hàng chưa có dấu hiệu dừng lại
Sẽ có những tổ chức tín dụng được cho phá sản, sẽ diễn ra những thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) với sự tham gia của đối tác nước ngoài,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư