Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Khơi dòng vốn đầu tư tư nhân hàng trăm tỷ USD vào lĩnh vực hạ tầng
Anh Minh - 17/11/2017 08:18
 
Việc xây dựng được môi trường đầu tư hấp dẫn là điều kiện quan trọng để thu hút khoảng 450 tỷ USD vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Cuộc hôn nhân bền vững

Ví von khá sinh động đối với mối quan hệ bình đẳng, chia sẻ trách nhiệm và cả sự cảm thông cần phải có giữa Nhà nước và nhà đầu tư tại một dự án hạ tầng đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) được ông Alex Wong, Giám đốc Hợp tác về thách thức toàn cầu, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đưa ra tại Hội thảo Hợp tác Việt Nam - WEF về lĩnh vực hạ tầng tổ chức tại Hà Nội sáng qua.

Dự án Xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ảnh: Đức Thanh
Dự án Xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ảnh: Đức Thanh

Đây là cuộc hội thảo mang tính khởi động của thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và WEF nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng một nền kinh tế tự cường, trong đó, xác định “tương lai của đầu tư dài hạn, cơ sở hạ tầng” là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi kết thúc thỏa thuận hợp tác, WEF sẽ hoàn thành Báo cáo khuyến nghị về “tương lai của đầu tư dài hạn, cơ sở hạ tầng và phát triển” cho Việt Nam, để đóng góp vào xây dựng Báo cáo “Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Báo cáo này sẽ được công bố tại Hội nghị thường niên của WEF tại Davos (Thụy Sỹ) vào tháng 1/2019.

Đánh giá cao chủ đề của Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, với nhu cầu vốn lên tới khoảng 3 - 4 triệu tỷ đồng để đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, trong bối cảnh ngân sách có hạn, lối ra duy nhất được xác định là phải gọi vốn từ các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào các dự án hạ tầng theo hình thức PPP. Tuy nhiên, đặc điểm mô hình PPP ở Việt Nam chủ yếu thể hiện ở hình thức hợp đồng xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), tập trung vào lĩnh vực đường bộ, nhà máy điện. Các dự án chủ yếu thực hiện theo đề xuất của nhà đầu tư. Hiện tại, Việt Nam còn hạn chế về cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư cũng như hạn chế về năng lực nhà đầu tư trong nước.

“Việt Nam cần có thêm thông tin về những bài học thành công và thất bại trong việc gọi vốn tư nhân của các quốc gia đi trước để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, kiến tạo một môi trường đầu tư có sức hấp dẫn cao cho các dự án mang tính động lực của cả nền kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Ông Justin Wood, Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (WEF) nhận định, Việt Nam đang là thị trường rất lớn cho các dự án PPP và là cơ hội cho cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư. Nếu thu hút được vốn vào các dự án động lực đi kèm với quản lý hiệu quả, thì Việt Nam sẽ có cơ hội tốt để tránh “bẫy” thu nhập trung bình.

Hài hòa lợi ích 3 bên

Với tư cách là cơ quan được giao triển khai một loạt dự án hạ tầng mang tính động lực trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, đại diện Vụ PPP (Bộ Giao thông - Vận tải) tham dự Hội thảo đã tranh thủ “tiếp thị” tới các nhà đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam và một số dự án cao tốc kết nối TP.HCM với Vũng Tàu, Đồng Nai.

Đây là những công trình dự kiến gọi vốn đầu tư tư nhân theo hình thức PPP, với sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước cả về cơ chế chính sách, tài chính, hướng tới mục tiêu hài hòa được lợi ích của 3 bên: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp này, trong giai đoạn 2017 - 2020, Chính phủ sẽ huy động nguồn lực để đầu tư 654 km, chia thành 11 dự án, trong đó có 3 dự án đầu tư công, 8 dự án PPP gồm các đoạn Mai Sơn - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai).

Theo dự kiến sơ bộ, tổng mức đầu tư xây dựng các phân đoạn cao tốc Bắc - Nam trong giai đoạn 2017 - 2020 là 118.716 tỷ đồng, trong đó có 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và 63.716 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động.

Liên quan phương án tài chính của các hợp phần đầu tư theo hình thức PPP, đối với phần lợi nhuận của nhà đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải đang tạm tính tỷ suất lợi nhuận là 14%/năm cho phần vốn chủ sở hữu; 10,37%/năm cho phần vốn vay; mức thu giá dịch vụ là 1.500 đồng/PCU/km (bắt đầu từ thời điểm Dự án đưa vào khai thác), dự kiến 3 năm điều chỉnh 1 lần, mỗi lần tăng khoảng 12%. Với các yếu tố đầu vào này, các nhà đầu tư có thể hoàn vốn dự án trong thời gian dưới 24 năm.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Nhật, để triển khai thành công các dự án PPP lớn, trong đó có Dự án cao tốc Bắc - Nam không thể chỉ quyết định bởi một phía cơ quan quản lý nhà nước, mà phụ thuộc rất nhiều vào thị trường (mức độ rủi ro, tính hấp dẫn của dự án, khả năng cung ứng nguồn tín dụng dài hạn) và nhất là mức độ ổn định của chính sách quốc gia, sự đồng thuận của người dân.

“Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nỗ lực cao nhất để cùng với các bộ, ngành, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ khung chính sách tốt nhất cho các nhà đầu tư đầu tư vào các dự án”, đại diện Bộ Giao thông - Vận tải cho biết.

Chính phủ ban hành chương trình hành động để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân
Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư