Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Khơi rộng dòng vốn đầu tư dự án PPP giao thông
Anh Minh - 09/06/2016 09:10
 
Việc huy động vốn cho các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong thời gian tới cần khắc phục tình trạng “lệch pha”, thiên quá nhiều vào các công trình đường bộ.

Dồn vốn vào đường bộ

Đây là chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) quản lý vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Ghi nhận thành công của Bộ GTVT trong việc xã hội hóa, huy động vốn đầu tư, nhưng Phó thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc tỷ lệ các dự án đường bộ chiếm tuyệt đại đa số các dự án BOT được triển khai đã cho thấy tình trạng lệch pha, ưu tiên quá mức vào phương thức vận tải này.

Giao thông đường bộ hiện chiếm tuyệt đại đa số Dự án BOT ở nước ta. Ảnh: Đức Thanh
Giao thông đường bộ hiện chiếm tuyệt đại đa số dự án BOT ở nước ta. Ảnh: Đức Thanh

“Bộ GTVT cần tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT gắn với Đề án Tái cơ cấu, hài hòa các phương thức vận tải; ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư theo hình thức PPP cho các dự án đường sắt, vận tải thủy”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ này đã huy động vốn tư nhân được 186.660 tỷ đồng (chiếm 42%) trong tổng nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, với 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT. Trong đó, lĩnh vực đường bộ 58 dự án, đường thủy nội địa có 1 dự án, hàng hải 2 dự án, lĩnh vực đào tạo 1 dự án. Hai lĩnh vực chưa huy động được vốn là đường sắt và hàng không.

Thừa nhận cơ cấu huy động vốn còn bất cập, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng, việc dồn nguồn lực quá nhiều cho các dự án BOT đường bộ cho thấy chúng ta đang bỏ quên những phương thức vận tải mà Việt Nam có nhiều lợi thế như hàng hải, vận tải thủy mà nếu triển khai tốt hoàn toàn có thể kéo giảm đáng kể chi phí vận tải cho xã hội.

Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tasco cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là rất cần thiết. Tuy nhiên, khi đầu tư các dự án BOT vẫn còn những hạn chế như thủ tục đầu tư dự án còn phức tạp, liên quan đến quá nhiều cơ quan chức năng ngoài Bộ GTVT. Bên cạnh đó, các dự án BOT hiện nay có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm toán làm việc với cùng một nội dung.

“Trong bối cảnh hiện tại, việc đầu tư vào giao thông thu được lợi nhuận rất hạn chế, nhưng đôi khi nhà đầu tư bị áp lực từ dư luận xã hội rất lớn, bị đối xử như... tội đồ. Tuy nhiên, nếu đứng từ vị trí của một người dân sẽ thấy rất cần phải rà soát lại các dự án BOT giao thông, tạo điều kiện và lựa chọn tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp”, ông Dũng nói.

Nhà nước sẽ tham gia sâu hơn

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, giai đoạn vừa qua, do tính chất mới của hình thức đầu tư này, có thể nói, hầu hết các chủ thể tham gia đều chưa sẵn có kinh nghiệm; thể chế điều chỉnh hình thức đầu tư PPP nói chung, BOT và BT nói riêng, chưa hoàn chỉnh, nên việc triển khai xã hội hóa đầu tư trong thực tiễn vẫn bộc lộ một số bất cập, tồn tại.

Phó thủ tướng Chính phủ cho biết, Nhà nước sẽ tham gia sâu hơn vào các dự án PPP, trước mắt sẽ hỗ trợ nhà đầu tư kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, tiến tới nâng dần tỷ lệ vốn góp của Nhà nước để giảm lãi vay, hạ mức phí đường bộ.

“Bên cạnh hành lang pháp lý còn nhiều điểm chưa thống nhất, đồng bộ, những hạn chế lớn khác trong việc huy động vốn xã hội trong 5 năm qua là việc các nhà đầu tư và các ngân hàng cung cấp tín dụng cũng chỉ chủ yếu là tổ chức, doanh nghiệp trong nước, chưa kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài; chính sách phí chưa nhận được sự đồng thuận cao của xã hội là vấn đề cần được nhìn nhận đế sớm khắc phục”, người đứng đầu Bộ GTVT thừa nhận.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện thể chế, minh bạch môi trường đầu tư, đặc biệt là trong việc công bố danh mục dự án, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng 100% vốn có nguồn gốc từ nước ngoài, ổn định chính sách đảm bảo nguồn thu trong quá trình kinh doanh.

Được biết, theo tính toán của Bộ GTVT, tổng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 1.039 nghìn tỷ đồng cho các dự án do Bộ GTVT trực tiếp quản lý. Theo dự kiến, ngân sách chỉ có thể đáp ứng được khoảng 11% nhu cầu, nguồn vốn ODA đang thu hẹp, nợ công đang ở mức cao nên hình thức PPP sẽ là dòng chảy chủ đạo trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT để tăng sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, hàng loạt cơ chế chia sẻ rủi ro của Nhà nước trong các dự án PPP cần sớm được chỉnh sửa, trong đó có việc Nhà nước sẽ chấp nhận cơ chế bảo lãnh doanh thu; nâng cao tính hiệu quả của dự án.

Đồng thuận với đề xuất này, Phó thủ tướng Chính phủ cho biết, Nhà nước sẽ tham gia sâu hơn vào các dự án PPP, trước mắt sẽ hỗ trợ nhà đầu tư kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, tiến tới nâng dần tỷ lệ vốn góp của Nhà nước để giảm lãi vay, hạ mức phí đường bộ.

“Nhà đầu tư có thể được lợi nhiều hơn, nhưng trên nguyên tắc phải minh bạch các khoản chi phí để cả xã hội cùng tham gia giám sát như một dự án đầu tư công”, Phó thủ tướng cho biết.

Danh mục 23 dự án PPP giao thông trị giá 39.899 tỷ đồng khởi công trong năm 2016
Năm 2016, việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP là nhiệm vụ số 1 của Bộ GTVT, thể hiện tính năng động của các cơ quan, đơn vị của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư