Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Không “bắn chỉ thiên”!
Hà Nguyễn - 26/08/2016 10:56
 
Chưa bao giờ, thông điệp từ Chính phủ về việc “không đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt”, “không thu hút đầu tư bằng mọi giá” trở nên rõ ràng và dứt khoát như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường. Thậm chí, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường cũng đang được hoàn thiện để có thể chính thức ban hành vào đầu tuần tới.
.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ rằng, phải triển khai các biện pháp cứng rắn trong bảo vệ môi trường, không để xảy ra tình trạng “bắn chỉ thiên”, nghĩa là xảy ra ô nhiễm, nhưng không ai chịu trách nhiệm

Một động thái có thể nói là vô cùng cần thiết trong lúc này, khi mà những sự thật hiển hiện trước mắt cho thấy, Việt Nam đang phải trả giá đắt vì đã có lúc chỉ chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, tập trung vào tăng trưởng kinh tế, mà coi nhẹ bảo vệ môi trường. Câu chuyện của Formosa khiến chúng ta đang phải vất vả xử lý hậu quả, không chỉ về môi trường biển, mà phải lo cả sinh kế của những người dân 4 tỉnh miền Trung, chính là một bài học đau xót.

Thực tế, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường… là điều luôn được Chính phủ Việt Nam chỉ đạo nhất quán.       

Chỉ có điều, khi thực thi ở cấp địa phương, thì vì lợi ích trước mắt, vì bệnh thành tích, mà đôi khi, người ta lơ là chuyện bảo vệ môi trường. Vậy nên, ô nhiễm môi trường xảy ra ở khắp nơi, ngày càng nghiêm trọng. Doanh nghiệp vô tư xả thải ra môi trường, chuyện cá chết hàng loạt ở biển, ở sông trong thời gian qua chỉ là giọt nước cuối cùng tràn ly. Hậu quả lớn, hệ lụy khôn lường tới đời sống người dân, tới phát triển kinh tế - xã hội, nhưng việc giải quyết lại chưa triệt để, quy trách nhiệm còn chung chung.

Lần này thì khác. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ rằng, phải triển khai các biện pháp cứng rắn trong bảo vệ môi trường, không để xảy ra tình trạng “bắn chỉ thiên”, nghĩa là xảy ra ô nhiễm, nhưng không ai chịu trách nhiệm. Phải chỉ rõ ai chịu trách nhiệm vấn đề này trên địa bàn, dự án ai cấp giấy phép để môi trường xấu như vậy, chủ trương, biện pháp khắc phục ra sao. Ở đâu xảy ra môi trường ô nhiễm nặng, chủ tịch UBND ở đó phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Chính phủ…

Quy trách nhiệm rõ ràng như vậy, quan điểm cũng rất cứng rắn và cương quyết là không thu hút đầu tư bằng mọi giá, chú trọng tiêu chí môi trường trong lựa chọn dự án đầu tư, kiên quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường… Do vậy, kỳ vọng lần này sẽ có “một bước ngoặt lớn” trong thực thi công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ - một khi được ban hành, sẽ như một “bảo kiếm” để từ đó các bộ, ngành, địa phương thanh tra, giám sát, xử lý hành vi vi phạm về môi trường. Cần thực hiện quyết liệt và có hiệu quả chỉ thị này. Nhưng thực tế, trong câu chuyện môi trường, lại cần hơn hết trách nhiệm của mỗi công chức, mỗi doanh nghiệp và đặc biệt là mỗi người dân. Bởi nếu vẫn tiếp diễn tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay, thì không chỉ nền kinh tế phải trả giá, đất nước phải trả giá, mà bản thân mỗi người dân Việt Nam cũng phải trả giá bằng môi trường sống của mình.

Ở đây, cũng cần nhắc lại rằng, bảo vệ môi trường cũng cần nhìn rộng hơn, không chỉ với các dự án đầu tư, mà ngay cả là môi trường dân sinh. Khi trong canh tác nông nghiệp vẫn sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu, khi chăn nuôi vẫn sử dụng vô tội vạ thuốc kháng sinh, khi người dân vẫn vô tư xả thải ra môi trường… thì không có thể có được một môi trường xanh sạch. Khi ấy, dù tăng trưởng kinh tế cao đến chừng nào, cũng không thể nói tới chất lượng tăng trưởng cao. Thế giới đang chú trọng hơn hết tới chất lượng sống, môi trường xanh. Chính vì vậy, không thể để Việt Nam tụt hậu trong phát triển kinh tế, tụt hậu trong phát triển con người và tụt hậu về bảo vệ môi trường!

Thủ tướng Chính phủ: Kiên quyết không đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt
Sáng nay (24/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư