Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Không nên vì sợ "vỡ quỹ bảo hiểm xã hội" mà nâng tuổi nghỉ hưu
N.Huyền (Infonet) - 14/10/2016 13:39
 
Các cơ quan chức năng nên tính toán lại xem nộp bảo hiểm xã hội của người lao động như hiện nay đã đảm bảo đủ mức hình thành quỹ chưa? Nếu chưa thì phải đóng tăng lên, chứ không nên vì sợ "vỡ quỹ bảo hiểm xã hội" mà nâng tuổi nghỉ hưu.
PGS. TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Thương Mại
PGS. TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Thương Mại

Nên để các ngành đề xuất tuổi nghỉ hưu?

Trao đổi với PV về dự kiến đề xuất của Bộ LĐTB&XH về việc nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam, GS. TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Thương Mại cho rằng chưa cần đi vào cụ thể mức tuổi đề xuất thì việc nâng tuổi nghỉ hưu cũng không nên đánh đồng tất cả các ngành, các lĩnh vực theo thang đó mà nó phải phụ thuộc vào các ngành, các lĩnh vực đặc thù để từ đó các ngành, các nghề có thể đề xuất lên.

“Ví dụ công nhân người ta làm vất vả ở các công trường, nhà máy xí nghiệp nếu cứ bắt người ta 60, 62 mới nghỉ hưu như thế có hợp lý không? Mặc dù đối với nghề giáo của chúng tôi thì lại rất là phù hợp bởi vì đối với nghề này thì “gừng càng già càng cay".

Đối với các giáo viên ngay cả giáo viên nữ cao tuổi hiện nay, xét trên thực tế mà cụ thể là trường tôi thì nhiều người về hưu vẫn rất khỏe mạnh. Sau khi nhận sổ hưu họ lại đi giảng thuê cho nơi này nơi khác. Điều này cho thấy, sức khỏe họ vẫn đáp ứng công việc đứng lớp. Rõ ràng ở ngành giáo dục nếu cho họ về hưu sớm là rất lãng phí”-  ông Đinh Văn Sơn chia sẻ.

Ông Đinh Văn Sơn khẳng định, với các ngành, các lĩnh vực khác xem xét đề xuất này có phù hợp hay không thì phải căn cứ vào tính chất của từng ngành, từng nghề mà có quy định cụ thể. “Chứ quan điểm của tôi là không nên chung chung, đánh đồng như thế” - ông Sơn nói.

Trả lời câu hỏi "Tăng tuổi nghỉ hưu có làm mất cơ hội việc làm của các bạn trẻ, đặc biệt là hàng trăm ngàn cử nhân đã tốt nghiệp hiện chưa có việc làm?", ông Đinh Văn Sơn cho rằng, không hẳn cử nhân mà ngay cả những người có trình độ cao hơn và thấp hơn hiện cũng thất nghiệp. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì số này sẽ làm gì? Chưa kể một loạt vấn đề khác kèm theo. Rõ ràng, giải quyết tăng tuổi nghỉ hưu đặt ra những bài toán đi kèm khác. Mặc dù việc kéo dài thời gian về hưu cũng áp dụng rất nhiều ở các nước nhưng chúng ta cũng phải so sánh ở những nước đó tỷ lệ thất nghiệp hiện tại như thế nào?.

“Chứ không phải vì sợ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội mà nâng tuổi nghỉ hưu. Đã nói đến quỹ phải chấp hành nghiêm túc chế độ quỹ” – ông Đinh Văn Sơn nhấn mạnh.

Nguyên tắc của quỹ là phải cân đối thu chi

Phân tích thêm về vấn đề “tăng tuổi nghỉ hưu nhằm tránh vỡ quỹ BHXH”, ông Đinh Văn Sơn cho rằng đó là “do quá trình hình thành và sử dụng quỹ chưa hợp lý”. Bởi đã là quỹ thì có thu và chi, nguyên tắc của các quỹ là phải cân đối thu chi.

“Phải xem lại nhóm giải pháp gắn với cơ chế chính sách hiện nay nó tác động như thế nào đến cân đối thu chi. Những cái gì tác động tiêu cực nó làm hỏng quan hệ cân đối đó thì tập trung tìm giải pháp hướng đó. Chứ không nên vì nó có nguy cơ vỡ lại tìm kiếm giải pháp ở lĩnh vực khác áp vào thì tôi nghĩ không hợp lý.

Bất kỳ quốc gia nào quỹ BHXH được hình thành bởi hai quá trình thu và chi nhưng phải cân đối. Trở lại nước ta, các cơ quan chức năng nên tính toán lại xem nộp bảo hiểm xã hội của người lao động như hiện nay đã đảm bảo đủ mức hình thành quỹ chưa? Nếu chưa thì phải đóng tăng lên” – ông Đinh Văn Sơn nhận định.

Ngoài ra, ông Sơn cũng cho rằng vấn đề cần đặt ra là phải xem xét lại hai vấn đề: Thứ nhất là thu và thứ hai là chi. Nguyên tắc tổng thu và tổng chi trong một thời gian dài hạn cho phép phải đảm bảo tính cân đối. Có thể mất cân đối trong năm nay (thu ít hơn chi) hoặc năm sau chi ít hơn thu… nhưng về lâu dài phải đảm bảo cân đối.

“Bản chất quỹ đó là người lao động đóng góp tiết kiệm để chi trả khi họ về hưu (về già) chứ không phải lấy của người khác, BHXH là cơ quan chủ trì đứng ra thu, giữ hộ cho người lao động mà thôi. Cơ quan nắm giữ bảo hiểm còn phải sử dụng linh hoạt để quỹ đó tăng trưởng.

BHXH mục đích là kéo dài thời gian tuổi thọ cho người lao động để khi họ không còn nguồn thu nhập khác, không còn sức lao động để tạo ra thu nhập thì số tiền họ đóng góp, tích lũy được trong thời gian công tác được chi trả lại nhằm duy trì cuộc sống” – Ông Đinh Văn Sơn phân tích. 

Do đó, ông Đinh Văn Sơn khẳng định “bài toán tổng thể cân đối thu chi là phải áp dụng kinh tế lượng chứ không thể chủ quan áp đặt đóng BHXH bằng 11% lương hay cho lên 12% hoặc xuống 10% được".

Sẽ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu với nữ lên 58 tuổi, nam lên 62 tuổi
Dự kiến trong năm 2017, Chính phủ sẽ nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, trong đó có đề xuất sửa đổi tăng tuổi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư