Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Không thể mãi "rút kinh nghiệm", phải thắt chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính
Mạnh Bôn - 29/07/2016 07:52
 
"Chi vượt dự toán lần nào Chính phủ cũng xin rút kinh nghiệm. Rút kinh nghiệm nhiều lần rồi, giờ không thể rút kinh nghiệm được nữa mà phải thắt chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính", đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh nêu ý kiến.

 

Quốc hội vừa thảo luận quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) trước khi biểu quyết thông qua vào hôm nay, 29/7.

Cụ thể, thu NSNN năm 2014 đạt 877.697 tỷ đồng, tăng 94.997 tỷ đồng. Giải thích về việc thu NSNN năm 2014 đạt kết quả ấn tường, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, ngân sách tăng thu chủ yếu là từ nguồn thu cổ tức và lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; thị trường bất động sản dần được phục hồi, và thu nợ tiền sử dụng đất của các năm trước; sản lượng dầu thô khai thác vượt kế hoạch 127.000 tấn và do giá dầu thanh toán bình quân đạt 107,3 USD/thùng, tăng 9,3 USD/thùng so với giá dự toán; giá trị các mặt hàng có thuế suất cao tăng mạnh, đặc biệt là ôtô nhập khẩu nguyên chiếc tăng 105% về lượng và tăng 147% về giá trị; phụ tùng ôtô nhập khẩu tăng 20% giá trị.

“Công tác quản lý thu NSNN có tiến bộ, nhưng vẫn còn tình trạng trốn, lậu thuế ở một số địa bàn. Cơ quan thuế, hải quan đã chủ động phối hợp với các ngành và địa phương tích cực triển khai nhiều giải pháp kiểm tra, chống chuyển giá, tăng cường quản lý thu, kiểm soát kê khai thuế, kiểm soát thực hiện chính sách ưu đãi thuế, kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và đôn đốc thu nợ thuế, xử phạt doanh nghiệp chây ỳ chậm nộp thuế”, ông Dũng cho biết.

Chính phủ đề nghị Quốc hội quyết toán chi NSNN năm 2014 với tổng số tiền 1.114.767 tỷ đồng, tăng 108.067 tỷ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển 259.236 tỷ đồng, tăng 96.236 tỷ đồng tức là tăng tới 59% so với dự toán.

Ông Dũng cho biết, sở dĩ chi đầu tư phát triển tăng mạnh là do tăng thêm 35.168 tỷ đồng vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA.

“Số chi đầu tư phát triển chiếm 23,3% tổng chi NSNN, bằng 6,6% GDP. Nếu tính cả đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ (85.793 tỷ đồng) và xổ số kiến thiết (17.688 tỷ đồng), thì chi đầu tư phát triển đạt 362.717 tỷ đồng, chiếm 29,8% tổng chi và bằng 9,2% GDP”, người đứng đầu ngành tài chính nói thêm.

Đáng lưu ý là, trong khi nhiều khoản chi quan trọng không đạt dự toán thì chi quản lý hành chính tiếp tục vượt dự toán rất cao.

Cụ thể, chi bảo đảm quốc phòng, an ninh chỉ đạt đạt 94,4% (giảm 9.639 tỷ đồng). Chi giáo dục, đào tạo và dạy nghề còn thừa 342 tỷ đồng. Chi sự nghiệp khoa học, công nghệ chỉ đạt 91,5% dự toán, giảm 653 tỷ đồng. Chi lương hưu và bảo đảm xã hội đạt 99,4% dự toán…

Ngược lại, chi sự nghiệp văn hoá thông tin, phát thanh truyền hình, thông tấn và thể dục thể thao tăng 2.534 tỷ đồng và đạt 123% dự toán. Chi sự nghiệp kinh tế tăng 1.211 tỷ đồng. Đặc biệt là chi quản lý hành chính lên tới 123.120 tỷ đồng, tăng 19,5%. Trong đó, Ngân sách Trung ương chi vượt dự toán 2.400 tỷ đồng còn ngân sách địa phương “lạm chi” tới 17.705 tỷ đồng.

Ngân sách tăng thu nhưng tốc độ tăng chi mạnh hơn buộc Bộ Tài chính phải kiến nghị Quốc hội thông qua mức bội chi năm 2014 là 260.145 tỷ đồng, vượt dự toán 36.145 tỷ đồng và tương đương 6,61% GDP thay vì mức bộ chi tối đa là 5,3% GDP như mức khống chế của Quốc hội.

Đây là lần đầu tiên Kiểm toán Nhà nước trực tiếp trình bày báo cáo của quyết toán của mình trước Quốc hội vì vậy, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, ông Ngô Văn Minh hy vọng, các đại biểu Quốc hội cần có tiếng nói, quan điểm dứt khoát khi khi quyết toán NSNN.

“Các đại biểu Quốc hội cần tránh tâm lý quyết chuyện đã rồi, hợp thức hoá việc Chính phủ đã chi tiêu rồi”, ông Nam nhấn mạnh.

Theo ông Minh, thực trạng quyết toán NSNN từ trước đến nay đều làm theo kiểu “tiền trảm, hậu tấu”, tức là Chính phủ cứ chi sau đó trình Quốc hội còn Quốc hội dù biết chi không đúng dự toán vẫn quyết toán.

“Điều này thể hiện kỷ luật, kỷ cương tài chính không nghiêm. Và lần nào Chính phủ cũng xin rút kinh nghiệm. Rút kinh nghiệm bao nhiêu lần rồi, giờ không thể rút kinh nghiệm được nữa mà phải thắt chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính”, ông Minh nhấn mạnh.

Nhắc lại bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nhậm chức: “Chính phủ phải nỗ lực tinh giản bộ máy hành chính nhà nước các cấp, đi đầu trong việc tiết kiệm công quỹ, sử dụng tài sản công, xe công, đi công tác nước ngoài... Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội”, ông Minh nêu thực trạng lãnh đạo nhiều bộ ngành, địa phương đều đi xe ô tô có công suất xilanh từ 2.400 cm3 trở lên.

“Tiền ở đâu mà các đồng chí sử dụng xe đắt tiền đến thế?”, ông Minh đặt câu hỏi vốn gây bức xúc trong dư luận từ nhiều năm nay đó là việc sử dụng xe công quá tiêu chuẩn, định mức.

Mặc dù lần đầu tiên tham gia nghị trường, và cũng là lần đầu tiên tham gia phát biểu trước Quốc hội, song ông Nguyễn Quang Tuấn (Đại biểu Hà Nội) không chỉ bày tỏ sự lo ngại tốc độ tăng nợ công rất nhanh; quản lý nợ công còn nhiều hạn chế, phân tán, thiếu sự thống nhất mà ông còn tỏ ý hoài nghi về số liệu nợ công.

“Bộ Tài chính chưa cung cấp đầy đủ số liệu nợ công, nhiều khoản nợ thực ra là nợ công nhưng chưa được tính vào nợ công nên nhiều cử tri quan ngại nợ công trên thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều, có thể đã vượt trần (65% GDP) đã được Quốc hội ấn định”, ông Tuấn nói đồng thời cũng nêu ra thực tế là nhiều địa phương huy động vốn nhưng không có kế hoạch trả nợ, cũng không biết lấy nguồn đâu mà trả nợ. Cuối cùng “trăm dâu đổ đầu… Chính phủ”, tiềm ẩn nợ công tăng mạnh trong thời gian tới.

Quyết toán ngân sách 2012: Tăng ảo, giảm thật
Bộ Tài chính vừa trình Quốc hội quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012 với số thu 754.572 tỷ đồng tỷ đồng; chi 978.463 tỷ đồng tỷ đồng;...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư