Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Không thực hiện kết luận kiểm toán bị phạt bao nhiêu tiền?
Mạnh Bôn - 11/08/2017 08:38
 
Hiện vẫn còn tình trạng kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chưa được thực hiện kịp thời hoặc thực hiện không đầy đủ. Để xử lý vấn đề này, ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của KTNN cho biết, tới đây, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.

Trong các báo cáo kết quả kiểm toán, năm nào cũng đề cập việc kết luận, kiến nghị của KTNN không được thực hiện đầy đủ. Cụ thể vấn đề này thế nào, thưa ông?

Năm 2016, các đơn vị được kiểm toán năm 2015 đã thực hiện 75,6% tổng số kiến nghị, kết luận của KTNN với tổng số tiền lên đến 15.794 tỷ đồng, đạt mức cao nhất kể cả số tuyệt đối lẫn tương đối từ trước đến nay (các đơn vị được kiểm toán năm 2013 và 2014 chỉ thực hiện được 63,1% và 64,3% tổng số kết luận, kiến nghị).

.
Ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN

Ngoài ra, các bộ, ngành đã và đang sửa đổi, bổ sung 3 thông tư, 12 quyết định và 14 văn bản quy phạm pháp luật khác theo đề nghị của KTNN. Có thể khẳng định, hoạt động kiểm toán đã góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật và góp phần tích cực vào việc phòng, ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán.

Có được kết quả này là do chúng tôi công khai thực hiện kiến nghị kiểm toán, đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các cơ quan có liên quan kiểm tra, đôn đốc, trực tiếp làm việc với cơ quan cấp trên, cơ quan chủ quản và đơn vị được kiểm toán, yêu cầu thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Những con số này cho thấy dấu hiệu tích cực của việc nghiêm chỉnh thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN, đồng thời cũng cho thấy chất lượng kết luận, kiến nghị ngày càng tốt hơn và ý thức chấp hành của đơn vị được kiểm toán đã được nâng cao hơn.

Nhưng vẫn còn trên 24% tổng số kiến nghị, kết luận chưa được thực hiện?

Năm 2015, các đơn vị được kiểm toán năm 2014 mới thực hiện được 64,3% tổng số kết luận, kiến nghị, nhưng sang năm 2016 và đến đầu quý II/2017, các đơn vị được kiểm toán năm 2014 tiếp tục thực hiện và đã thực hiện được 84,4% tổng số kiến nghị, kết luận.

Có nhiều nguyên nhân khiến kết luận, kiến nghị kiểm toán không được thực hiện kịp thời, như dự án đầu tư xây dựng đang trong quá trình thực hiện; đơn vị được kiểm toán gặp khó khăn về tài chính; thực hiện kết luận, kiến nghị liên quan đến nhiều đối tượng. Các kiến nghị liên quan đến xuất toán, thu hồi nộp ngân sách phải thu dần vào thu nhập của đơn vị, cá nhân theo quy định, hoặc đang tổ chức xử lý; các khoản kiến nghị ghi thu, ghi chi cần có thời gian rà soát, kiểm tra để xử lý theo quy định… cũng là nguyên nhân của tình trạng này.

Ngoài ra, còn có một số trường hợp kiến nghị kiểm toán chưa phù hợp, thiếu khả thi hoặc chờ ý kiến của bộ, ngành liên quan; kiến nghị chưa rõ ràng, chưa bảo đảm đầy đủ bằng chứng, nên khó khăn cho đơn vị được kiểm toán trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân một số đơn vị chưa nghiêm túc trong thực hiện kiến nghị của KTNN, nhưng chưa có chế tài xử lý.

Và đây chính là lý do KTNN xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, thưa ông?

Hiện lĩnh vực nào cũng có quy định về xử phạt vi phạm hành chính, riêng KTNN chưa có. Và đây là một trong những nguyên nhân khiến kết luận, kiến nghị của KTNN được thực hiện chưa kịp thời, chưa đầy đủ.

Chính vì vậy, chúng tôi đã và đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan xây dựng nghị định quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Dự thảo Nghị định đã được gửi đi lấy ý kiến theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đều nhận được sự đồng thuận.

Theo Dự thảo Nghị định, mức phạt tiền tối đa dự kiến là bao nhiêu?

Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực KTNN đối với cá nhân là 100 triệu đồng và tổ chức phải chịu mức xử phạt vi phạm hành chính gấp 2 lần cá nhân. Cụ thể, mức phạt tiền từ 60 đến 100 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi không thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN.

Ngoài ra, phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối hành vi không báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; cung cấp không đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo yêu cầu của KTNN. Phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán; không cung cấp thông tin, tài liệu về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo yêu cầu của KTNN; báo cáo không chính xác về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Tôi cũng xin lưu ý rằng, cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị được kiểm toán nếu không đôn đốc, chỉ đạo tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20 đến 30 triệu đồng. Hành vi đưa tin, bài phản ảnh về kết quả kiểm toán không chính xác, không trung thực, khách quan bị phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng.

Phó tổng kiểm toán Nhà nước: Chấm dứt chồng chéo trong kiểm toán
Ông Cao Tấn Khổng, Phó tổng kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, để thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư