Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chăm sóc bệnh nhân không phải sự ban phát
Hải bằng - 26/02/2014 07:58
 
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, GS-TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vinmec, chuyên gia hàng đầu về ngoại nhi cho rằng, cần có một cách nhìn nhận toàn diện và bình đẳng hơn trong quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, coi y tế cũng giống như một loại dịch vụ trong xã hội. Dịch sởi: Nguyên nhân và lưu ý phòng, chống >Siết chặt quản lý khối y tế tư nhân >Khi tội ác ẩn sau tấm áo blouse trắng

Thời gian qua, mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân là một đề tài được dư luận đặc biệt quan tâm. Quan điểm của ông như thế nào về mối quan hệ này trong xã hội hiện nay?

Trước kia, một số thầy thuốc tự cho mình có quyền lực lớn, coi việc chăm sóc bệnh nhân như một sự ban phát. Tôi cho rằng, đó là một suy nghĩ không đầy đủ và cần có một cách nhìn nhận toàn diện và bình đẳng hơn trong quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, coi y tế cũng giống như một loại dịch vụ trong xã hội.

Thầy thuốc là người cung cấp dịch vụ và bệnh nhân là những người hưởng thụ dịch vụ. Do đó, người thụ hưởng có quyền đòi hỏi về chất lượng và thái độ phục vụ.

GS -TS. Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vinmec
GS -TS. Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vinmec

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận một cách khách quan về quyền lợi của bác sỹ và phải có cơ chế thu nhập thích đáng cho họ.

Lương bác sỹ ở Việt Nam hiện nay thuộc loại thấp nhất thế giới, trong khi về chuyên môn thì không có một ngành nào học hành vất vả và khó khăn như ngành y.

Các ngành nghề khác chỉ học khoảng 4 - 5 năm là ra trường và có thể làm việc ngay, nhưng sinh viên y khoa phải học 6 năm, bác sỹ sau khi tốt nghiệp ra trường còn phải học thêm nhiều năm nữa mới có thể hành nghề được.

Đó là một điều rất thiệt thòi cho những người làm việc trong ngành y.

Ông có cho rằng, cần phải có cơ chế đặc thù để khuyến khích nghiên cứu khoa học trong ngành y?

Thực tế cho thấy, có không ít bác sỹ đi theo hướng thực dụng, thích những ca mổ nhanh, chỉ mất 1 - 2 tiếng mà dễ làm, dễ kiếm tiền; còn những ca mổ phức tạp, kéo dài thì ngại không muốn làm. Tương tự, những chuyên ngành dễ kiếm được tiền (như phẫu thuật thẩm mỹ chẳng hạn) thì đông người muốn làm, còn những ngành phẫu thuật chuyên sâu thì ít người muốn theo.

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần có chính sách hợp lý. Các trường, các viện, ngoài các công việc khám chữa bệnh thông thường thì phải có các đề tài nghiên cứu khoa học, mà phải là đề tài khoa học thực sự, có chất lượng, có tính ứng dụng cao.

Ngược lại, để bù đắp công lao lao động, tìm tòi, nghiên cứu khoa học của họ, Nhà nước phải có cơ chế về tài chính hợp lý. Về tinh thần, những người làm khoa học phải được tôn trọng vinh danh và khích lệ xứng đáng.

Hiện nay, nhu cầu đầu tư cho y tế rất lớn, trong khi nguồn ngân sách có hạn, nên việc thu hút đầu tư tư nhân là giải pháp khả thi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến quan ngại trong việc mở cửa cho đầu tư tư nhân vào y tế, do lo rằng, sẽ xảy ra mâu thuẫn giữa mối quan hệ lợi nhuận của nhà đầu tư và tính chất an sinh xã hội của ngành y tế?

Việc giải quyết vấn đề này nằm ở cơ chế quản lý. Nếu chúng ta quản lý tốt thì không có gì phải lo ngại. Chẳng hạn, ở Mỹ, 80% cơ sở y tế là của tư nhân, Nhà nước chỉ có 20%, nhưng hệ thống y tế của họ vẫn phát triển và vận hành tốt, họ vẫn là quốc gia hàng đầu về lĩnh vực y học phục vụ xã hội, phục vụ cuộc sống người dân.

Do đó, tôi cho rằng, việc phát triển các bệnh viện ngoài công lập nhằm tăng năng lực đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân là điều hoàn toàn nên khuyến khích, bởi hệ thống y tế càng phát triển, người dân càng được hưởng lợi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư