Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn: Khởi đầu hanh thông
Nguyên Đức - 16/06/2017 07:55
 
Dù còn một chặng đường dài nữa thì Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) mới có thể chính thức được thành lập, nhưng “hình hài” về một đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, một trung tâm kinh tế năng động với trọng tâm là dịch vụ du lịch cao cấp, giải trí hiện đại có casino... đã được phác thảo.
TIN LIÊN QUAN

Một Vân Đồn khác biệt

Đề án chính thức về việc xây dựng Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (gọi tắt là Đặc khu) vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét thông qua, nhưng những phác thảo ban đầu về đặc khu này đã có.

Theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh xác định sẽ phát triển Vân Đồn trở thành một “đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao”.

Vân Đồn được xác định trở thành một trung tâm dịch vụ du lịch cao cấp, gắn với giải trí hiện đại. Trong ảnh: Bãi Dài tại Vân Đồn. Ảnh: Thu Lê
Vân Đồn được xác định trở thành một trung tâm dịch vụ du lịch cao cấp, gắn với giải trí hiện đại. Trong ảnh: Bãi Dài tại Vân Đồn. Ảnh: Thu Lê

Không những thế, trong tầm nhìn của Quảng Ninh, Vân Đồn cũng sẽ được phát triển thành một trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực Hành lang kinh tế Trung Quốc - ASEAN.

Điều đó có nghĩa, Vân Đồn dường như đang được xác định trở thành một trung tâm dịch vụ du lịch cao cấp, gắn với giải trí hiện đại, có casino làm trụ cột để thúc đẩy các loại hình du lịch khác phát triển. Tất nhiên, trong tầm nhìn của mình, Quảng Ninh cũng “không quên” phát triển các dịch vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán tự do, hay phát triển dịch vụ cảng du lịch, trung tâm du thuyền, hàng không, dịch vụ logistics... Đồng thời, cũng không “bỏ qua” việc phát triển các ngành công nghiệp xanh, sạch và nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao... Nhưng dường như tất cả các dịch vụ khác, hay sản xuất công - nông nghiệp... đều hướng tới mục tiêu là phục vụ nhu cầu du lịch biển đảo cao cấp và công nghiệp giải trí.

Có lẽ, đó cũng chính là lý do khi xác định các dự án động lực cho Đặc khu Vân Đồn, Quảng Ninh đã “điểm mặt, chỉ tên” các dự án mà suy đến cùng, đều là để phục vụ mục tiêu phát triển dịch vụ du lịch cao cấp. Đó là Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh, được đầu tư theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư trên 7.400 tỷ đồng, dự kiến vận hành khai thác vào đầu năm 2018; là Dự án Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino với diện tích 2.500 ha, với tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD (hiện đang thi công Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn 1 tại vùng lõi với diện tích 138,5 ha, tổng vốn đầu tư 4.975 tỷ đồng); là Dự án Đường nối cảng hàng không với khu phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp Vân Đồn...

Ngay cả nhà đầu tư chiến lược - SunGroup, cũng chính là một tập đoàn hàng đầu của Việt Nam trong phát triển các khu nghỉ dưỡng phức hợp. Cả 3 dự án động lực nói trên ở Vân Đồn đều là do SunGroup đầu tư.

“Xét một cách tổng thể, định hướng phát triển ngành nghề của Vân Đồn về cơ bản đã gắn với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện tự nhiên, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, không xung đột lợi ích đối với các đặc khu khác như Phú Quốc, Bắc Vân Phong. Tất nhiên, phát triển Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn phải đặt trong quy hoạch tổng thể và mối liên kết phát triển của tỉnh Quảng Ninh với khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, khu vực phía Bắc và cả nước”, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Chờ cơ chế để bứt phá

Khi bàn về việc xây dựng các đặc khu kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, đó là phải có được nhà đầu tư chiến lược và dự án động lực. Điều này thì Vân Đồn đã có. Bước đi tiếp theo, để Vân Đồn thực sự trở thành một khu hành chính - kinh tế đặc biệt, trở thành động lực cho nền kinh tế Việt Nam, thì còn phải đợi “cơ chế”.

“Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn phải có thể chế đủ mạnh, với một nền hành chính hiện đại, bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi; cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất”, ông Nguyễn Đức Long cho biết.

Thực ra, không chỉ Quảng Ninh, mà cả Kiên Giang, lẫn Khánh Hòa - hai địa phương khác cũng đã được chấp thuận phát triển các đặc khu Phú Quốc và Bắc Vân Phong, đều đang chờ đợi những cơ chế đột phá để phát triển các đặc khu kinh tế. Theo các chuyên gia kinh tế, không có thể chế, chính sách đặc biệt, vượt trội, đột phá thì không thể phát triển các đặc khu kinh tế.

Bởi thế, mọi hướng nhìn đang tập trung vào Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV. Dự luật này, theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc để khai thác tốt nhất tiềm năng của các khu vực có lợi thế vượt trội này, nhằm thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, quản lý tiên tiến; hình thành khu vực tăng trưởng cao và phương thức quản lý mới; tạo thêm nguồn lực và động lực, góp phần thúc đẩy nhanh việc phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước.

“Chúng tôi đang trong giai đoạn chuẩn bị để có thể sớm xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trình Quốc hội xem xét”, ông Trần Duy Đông cho biết.

Ban đầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất việc xây dựng Luật có thể theo hai phương án, hoặc một luật áp dụng chung, hoặc có các luật riêng áp dụng cho từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được xây dựng. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ chỉ xây dựng một luật đơn vị - hành chính đặc biệt để áp dụng chung. Trong đó, ngoài các cơ chế, chính sách áp dụng chung cho cả ba đặc khu, sẽ có các cơ chế đặc thù áp dụng riêng cho mỗi đặc khu.

Vì thế, xây dựng Dự thảo Luật phụ thuộc khá lớn vào việc các địa phương Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang hoàn thành đề án xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như thế nào. Bởi mỗi đặc khu sẽ có định hướng ưu tiên riêng, ví như với Vân Đồn, dự kiến là phát triển du lịch cao cấp. Dựa vào các định hướng ưu tiên này, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ xây dựng thể chế, chính sách riêng cho từng đặc khu.

Thông tin ban đầu cho biết, sẽ có hai nhóm chính sách dự kiến được thực hiện, bao gồm chính sách về kinh tế - xã hội, với các ưu đãi cao hơn và thuận lợi hơn so với các quy định của các luật hiện hành và các dự kiến cam kết quốc tế sắp tới của Việt Nam, đảm bảo đột phá, vượt trội và cạnh tranh quốc tế. Nhóm chính sách thứ hai về xây dựng mô hình tổ chức và quản lý tinh gọn, đủ thẩm quyền, hiệu lực, hiệu quả.

Trong đó, với nhóm chính sách kinh tế - xã hội, rất nhiều ưu đãi “bậc cao” được đề xuất. Chẳng hạn, cho phép linh hoạt áp dụng miễn thuế xuất nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng được áp dụng mức thuế suất 0% hoặc không phải chịu thuế giá trị gia tăng; không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; cho phép miễn và giảm thuế thu nhập cá nhân trong một thời gian nhất định…

“Chúng tôi cũng đề xuất cho phép để lại toàn bộ số thu của đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt trong một thời gian cần thiết; điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương về Trung ương để tạo nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu và đào tạo nguồn nhân lực”, ông Đông nói.

Ngoài ra, cho phép kinh doanh casino, cho phép thuê tư vấn quốc tế xây dựng thể chế và lập quy hoạch tổng thể để tìm kiếm, đàm phán và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài...

Khởi đầu hanh thông

Có thể nói, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu và rất tích cực trong việc xây dựng và phát triển đặc khu. Khoảng 5 năm trước, chính là Quảng Ninh đã chủ động tổ chức một hội nghị quốc tế để thảo luận về các vấn đề phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Ngay sau khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc cho phép xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Quảng Ninh đã bắt tay vào xây dựng đề án, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và thuê tư vấn nước ngoài. Đầu năm nay, lại một lần nữa, Quảng Ninh đã mời lãnh đạo hai tỉnh Khánh Hòa và Kiên Giang cùng thảo luận về việc xây dựng đề án phát triển các đặc khu, cũng như góp ý xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Ngay sau khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc cho phép xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Quảng Ninh đã bắt tay vào xây dựng đề án.

Với sự chuẩn bị chủ động như vậy, nên dễ thấy, mọi khởi đầu đang khá hanh thông, suôn sẻ với Quảng Ninh. Rất nhiều dự án hạ tầng quan trọng đã được Quảng Ninh đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên tới trên 40.000 tỷ đồng. Từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, rồi cầu Bạch Đằng, cầu Bắc Luân, đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái... Nhà đầu tư chiến lược đã có, các dự án động lực bắt đầu được triển khai.

Đến Vân Đồn hôm nay, đã thấy các công trình trọng điểm đang dần được định hình. Chỉ ít lâu nữa thôi, sân bay ở Vân Đồn (đang được đề xuất nâng cấp lên sân bay quốc tế) sẽ đi vào vận hành. Khi ấy, khoảng cách giữa Vân Đồn với thế giới không còn xa. Chỉ mất 1-2 giờ bay, đã có thể đến với các trung tâm kinh tế, tài chính và du lịch lớn trong khu vực như Nam Ninh, Thượng Hải, Hồng Kông, Macao, Thâm Quyến… Mất thêm 3-4 giờ nữa, sẽ đến được thủ đô của các nước trong khu vực.

Vân Đồn có khả năng rất lớn để tiếp cận tới một số thị trường rộng lớn, bao gồm một loạt trung tâm kinh tế lớn của châu Á với dân số hơn 3 tỷ người và tổng GDP hơn 22.000 tỷ USD. Đó chính là điều kiện quan trọng để Vân Đồn “hiện thực hóa” giấc mơ trở thành một đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, một trung tâm kinh tế năng động với trọng tâm là dịch vụ du lịch cao cấp, giải trí hiện đại có casino.

Dường như, một Đặc khu Vân Đồn đang hiển hiện trước mắt.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư