Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Khu kinh tế mở Chu Lai: Hành trình trở thành động lực phát triển
Huỳnh Minh Thảo - Hà Minh - 19/01/2017 07:02
 
Địa danh Chu Lai từ lâu đã không còn xa lạ với mỗi người dân Việt Nam. Trong kháng chiến, đó là “Vành đai diệt Mỹ”. Trong thời bình, Chu Lai đang gánh trên vai sứ mệnh lớn lao, là động lực, bệ phóng vững vàng vào tương lai của tỉnh Quảng Nam.
TIN LIÊN QUAN

Đi lên từ vùng cát hoang hóa

“Khu kinh tế mở Chu Lai vốn là vùng đất cát hoang hóa, cằn cỗi, đời sống của nhân dân nghèo nàn, hạ tầng yếu kém, nhận thức về phát triển kinh tế mở còn khiêm tốn, thu ngân sách trên địa bàn ít ỏi…”, ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai mở đầu câu chuyện.

Nhưng với quyết tâm khai phá vùng đất hoang hóa để tạo ra cuộc sống tốt hơn cho người dân, tạo sự bứt phá kinh tế, đưa Quảng Nam phát triển mạnh, bền vững so với khu vực và cả nước, đồng thời, là động lực để chính quyền và nhân dân Quảng Nam quyết tâm trong sự nghiệp xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai.

Cảng Chu Lai - Trường Hải, thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai, là một trong những lợi thế cạnh tranh của Quảng Nam.
Cảng Chu Lai - Trường Hải, thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai, là một trong những lợi thế cạnh tranh của Quảng Nam.

20 năm tái lập tỉnh, 13 năm hình thành Khu kinh tế mở Chu Lai trong khó khăn, thách thức, vừa thử nghiệm, vừa tìm hướng đi mới, đến nay, Khu kinh tế mở Chu Lai đã dần khẳng định là đầu tàu kinh tế của Quảng Nam và khu vực, thông qua những lợi thế cạnh tranh vượt trội: Hệ thống đường giao thông kết nối các khu chức năng, đường nối Cảng Kỳ Hà, Sân bay Chu Lai, đường lên Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi... đã được đầu tư.

Hệ thống bến Cảng Kỳ Hà đã được nâng cấp, đầu tư mới và đưa vào khai thác. Nhà ga Sân bay Chu Lai và hạ tầng kỹ thuật khác cũng đã từng bước khôi phục, đưa vào khai thác tuyến Chu Lai – Hà Nội, Chu Lai – TP.HCM và ngược lại. Các khu công nghiệp đã được định hình, trong đó 4 khu công nghiệp (Tam Hiệp, Bắc Chu Lai, Trường Hải, Tam Thăng) đang đầu tư hạ tầng đồng bộ và tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%.

Chu Lai đã trải thảm đỏ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư và các doanh nghiệp. Bên cạnh những ưu đãi cao theo quy định của pháp luật Việt Nam, tỉnh Quảng Nam còn thực hiện nhiều chính sách đồng bộ, hiệu quả nhằm hỗ trợ nhà đầu tư như: chuẩn bị mặt bằng sạch, đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ đào tạo lao động, quảng bá, giới thiệu doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa…

Tầm vóc gắn kết, thúc đẩy kinh tế vùng

Đến nay, Khu kinh tế mở Chu Lai đã có 118 dự án đã cấp phép, tổng vốn đăng ký hơn 2.154 triệu USD, trong đó, công nghiệp chiếm 87 dự án (25 dự án nước ngoài, 62 dự án trong nước), du lịch - thương mại - dịch vụ có 21 dự án.

Trong số các dự án đã được cấp phép, đã có 74 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện hơn 922 triệu USD.  Những dự án này đã giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động. Đồng thời, các doanh nghiệp trong Khu kinh tế mở Chu Lai đã đóng góp hơn 75% vào tổng thu ngân sách tỉnh, tăng 50% so với năm 2015.

Tại Khu kinh tế mở Chu Lai, một số ngành (ôtô, kính xây dựng, sản phẩm điện tử …) đã tạo ra sản phẩm công nghiệp chủ lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Quảng Nam và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh cũng như của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đặc biệt, Khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải đã góp phần vào phát triển ngành công nghiệp cơ khí ô tô Việt Nam và tạo ra một số sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Với quỹ đất phát triển thuận lợi, hệ thống cảng biển nước sâu đang được đầu tư xây dựng, Sân bay Chu Lai đã được phê duyệt quy hoạch nâng cấp thành sân bay 4F theo tiêu chuẩn của ICAO – sân bay trung chuyển hàng hóa lớn nhất cả nước... đã tạo sự liên kết vùng, liên kết khu vực và củng cố niềm tin cho Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đặt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục khai thác triệt để các lợi thế, hình thành một số dự án trọng điểm. Trong đó, điểm nhấn là tổ hợp Dự án Điện - Khí khai thác từ mỏ khí Cá Voi Xanh đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung các nhà máy điện khí vào quy hoạch, để hình thành nên Trung tâm Điện khí tại đây.

Nhìn lại những bước đi của Khu kinh tế mở Chu Lai, ông  Diện cho rằng, Chu Lai đã có những kế sách mới phù hợp, giải quyết tình thế, bám sát chiến lược, chờ đợi thời cơ, chủ động trong tư duy phát triển với tinh thần dám nghĩ, dám làm và đã tạo được sức bật mới, động lực mới cho một khu kinh tế mở hấp dẫn các nhà đầu tư.

“Đã đến lúc chúng ta nên nhìn Khu kinh tế mở Chu Lai với tầm vóc gắn kết, thúc đẩy cả một vùng kinh tế duyên hải miền Trung, tạo nên những cú hích mạnh mẽ làm sống động tiềm lực kinh tế nơi này”, ông Diện nhấn mạnh.

Chủ trương xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai lần đầu tiên được Bộ Chính trị kết luận, theo Thông báo số 232-TB/TW ngày 10/7/1999, với mục tiêu thí điểm áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt, có môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ngày 05/6/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai. Đây là khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam và đang là một trong 8 nhóm Khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia tập trung phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư