Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kích hoạt doanh nghiệp tư nhân
Mạnh Bôn - 04/01/2017 09:24
 
PGS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, năm 2016, kinh tế tư nhân đã được kích hoạt, là nền tảng thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển hơn nữa trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
TIN LIÊN QUAN

Với khoảng 110.100 doanh nghiệp thành lập mới, gần 27.000 cơ sở kinh doanh quay trở lại hoạt động, năm 2016, nền kinh tế được “tiếp sức” trên 2,5 triệu tỷ đồng vốn đăng ký và vốn tăng thêm từ khu vực tư nhân. Ông đánh giá thế nào về những con số ấn tượng này?

Đây là kết quả ban đầu của Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp năm 2014; Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

.
.

Tôi nói là kết quả ban đầu vì với sự thông thoáng của luật cùng với quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP (đều ban hành năm 2016), năm 2017 và những năm tiếp theo số lượng doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sẽ tiếp tục gia tăng.

Vui mừng trước số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong số doanh nghiệp tham gia thị trường cũng có không ít “doanh nghiệp ma”?

Trước đây, cơ quan thuế, thậm chí cả cơ quan thống kê thường gọi doanh nghiệp thành lập nhưng không hoạt động tại địa chỉ đăng ký là doanh nghiệp mất tích, doanh nghiệp bỏ trốn hay nói ngắn gọn là “doanh nghiệp ma”, vì thế xã hội cũng coi đối tượng này là “ma”.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cơ chế thị trường thay đổi liên tục, nên hôm nay có thể người ta thành lập cơ sở kinh doanh, nhưng ngày mai mọi thứ thay đổi không như kế hoạch nên người ta tạm thời chưa kinh doanh, thậm chí không kinh doanh nữa mà tìm cơ hội khác nên không hoạt động ở địa chỉ đã đăng ký, thực ra thì không ai bỏ trốn, không ai mất tích và cũng chẳng ai là “ma”. Rất mừng là cơ quan thuế, cơ quan thống kê đã không còn gọi đối tượng này là “doanh nghiệp ma” nữa, mà gọi đúng bản chất là “doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh”.

Nhưng cũng không thể phủ nhận một thực tế là lợi dụng sự thông thoáng, nhiều đối tượng thành lập doanh nghiệp không phải để kinh doanh, mà chỉ mua bán hóa đơn bất hợp pháp, không gọi là “ma” thì gọi là gì?

Hệ thống pháp luật ở quốc gia nào cũng có kẽ hở. Vì thế, nước nào cũng có cơ quan lập pháp chuyên xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp một phần là do hệ thống pháp luật về hóa đơn, chứng từ, sổ sách, kế toán vẫn còn kẽ hở. Phần khác là do quản lý giao dịch hàng hóa, dịch vụ hiện nay quá nặng về hóa đơn giấy, mua bán bất cứ cái gì, sử dụng bất cứ dịch vụ gì phải có “hóa đơn đỏ” mới được coi là hợp lý, hợp lệ, mới được thanh toán, mới được cơ quan thuế chấp nhận. Nếu bỏ hóa đơn giấy hiện nay, thay vì hóa đơn điện tử với cách thức quản lý chặt chẽ dựa trên nền tảng công nghệ thông tin thì đối tượng mua bán hóa đơn tự nhiên không còn.

Thế tình trạng thuê anh xe ôm, chị bán chè chén, thậm chí thuê cả người mù chữ làm giám đốc thì sao?

Nghị quyết 19/NQ-CP đặt mục tiêu rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn 3 ngày. Thế nhưng, trong Doing Business năm 2017, tiêu chí thành lập doanh nghiệp vẫn bị Ngân hàng Thế giới đánh tụt tới 10 bậc, xuống vị trí thứ 121/190. Tức là thời gian, thủ tục, chi phí thành lập doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.

Vì thành lập doanh nghiệp chưa thực sự dễ dàng, đơn giản, thuận tiện, nên ai cũng nghĩ giám đốc là cái gì đó rất cao sang, ghê gớm. Được làm giám đốc rất oai, được “chỉ tay năm ngón”, có con dấu, được ký tá các loại hợp đồng tiền triệu, tiền tỷ là hơn người. Tâm lý muốn “hơn người” cộng với trình độ hiểu biết về kinh doanh của một bộ phận người dân còn hạn chế nên mới có tình trạng cho mượn, cho thuê chứng minh nhân dân để người khác thành lập doanh nghiệp, đổi lại mình được làm “giám đốc”.

Nếu toàn bộ khâu thành lập doanh nghiệp đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, đặc biệt là chỉ cần ngồi nhà, người dân đều có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp và đúng 3 ngày sau trở thành giám đốc theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-CP thì trong con mắt mọi người, giám đốc cũng là công việc như hàng vạn công việc khác, khi đó chuyện cho thuê, cho mượn chứng minh thư để thành lập doanh nghiệp chắc không còn.

Thành lập doanh nghiệp dễ dàng như vậy nên nhiều người vẫn chưa hình dung nổi vào năm 2020 nước ta có tới 2 triệu vị giám đốc?

Trong con mắt của nhiều người, giám đốc thường là những người giàu có; nhà lầu, xe hơi; “nói có người nghe, đe có người sợ”, nhưng trên thực tế hiện nay, hàng vạn giám đốc vẫn ở nhà thuê, đi xe máy cà tàng...

Đừng nhìn giám đốc doanh nghiệp là “giai cấp bóc lột”, là những người giàu có. Nếu xã hội vẫn có cái nhìn khác về doanh nhân thì bản thân doanh nhân chịu rất nhiều áp lực ít nhất là về mặt tài chính với anh em, bạn bè, quê hương, dòng họ và các loại quỹ ngoài ngân sách nhà nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư