Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Kiên Giang: Điện kế hiện đại thành “hại điện”
Huy Thịnh - 24/05/2015 16:47
 
Hàng trăm hộ dân ở TP. Rạch Giá đã có đơn khiếu nại tới cơ quan chức năng về việc, sau khi gắn điện kế điện tử, lượng điện tiêu thụ trong gia đình bình quân mỗi tháng tăng 20-30% so với sử dụng điện kế cơ trước đó.

Từ đầu năm 2012 đến cuối năm 2014, Công ty Điện lực Kiên Giang đã lắp đặt 52.000 điện kế điện tử (công tơ) cho các hộ dân trên địa bàn TP. Rạch Giá, chiếm 25% hộ dân sử dụng điện trên địa bàn. Công ty cũng thực hiện lắp đặt hàng ngàn điện kế điện tử tại mỗi thị trấn, trung tâm thị tứ các huyện, thị trong tỉnh, giảm tỷ lệ tổn thất thương mại và kỹ thuật từ 8,49% năm 2012 xuống còn 7,03% trong năm 2014.

Phó giám đốc Chi nhánh Điện lực Kiên Giang, ông Phan Thành Tuấn cho biết, riêng ở các vùng dân cư thưa thớt ở nông thôn thì chưa triển khai, vì cách xa hệ thống thiết bị tập trung điện tử (CDU), chi phí đầu tư sẽ lớn, nên trước mắt, chỉ tập trung thay thế điện kế điện tử ở thành thị và thị tứ, nơi đông dân cư.

 

Tuy nhiên, thời gian qua, hàng trăm hộ dân ở TP. Rạch Giá đã có đơn khiếu nại tới cơ quan chức năng về việc, sau khi gắn điện kế điện tử, lượng điện tiêu thụ trong gia đình bình quân mỗi tháng tăng 20-30% so với sử dụng điện kế cơ trước đó.

Bà Đoàn Kiều Chinh (ngụ tại số 29/2 đường Thành Thái, phường Vĩnh Thanh Vân, TP. Rạch Giá) cho biết, trước đây, khi sử dụng công tơ điện cơ, mỗi tháng chi phí tiền điện mà gia đình bà Chinh phải chi trả không quá 700.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi thay thế điện kế điện tử, bình quân mỗi tháng, gia đình bà phải chi trả 1.200.000 đồng cho việc sử dụng điện (trong điều kiện các thiết bị điện trong gia đình không thay đổi so với thời gian sử dụng điện kế cơ).

“Sau khi có đơn khiếu nại yêu cầu kiểm định, ngành điện và cơ quan kiểm định có văn bản trả lời là điện kế điện tử chạy chính xác. Chúng tôi, cũng như các hộ dân không có quyền lựa chọn và đành chấp nhận thực tế này. Việc chi phí cho điện sinh hoạt chiếm gần 20% thu nhập của gia đình khiến chi tiêu trong gia đình càng thêm khó khăn”, bà Chinh bức xúc.

Lý giải về vấn đề trên, ông Phan Thành Tuấn giải thích, do điện kế điện tử đo lường chính xác tới các tiêu hao nhỏ nhất của các phụ tải trong gia đình, nên chỉ số tiêu thụ tăng so với điện kế cơ. Vì vậy, thời gian qua, Công ty khuyến cáo người dân khi không dùng các thiết bị điện, phải rút dây ra khỏi ổ cắm điện.

Trước đề nghị của khách hàng về việc ngành điện nên gắn điện kế điện tử song song với điện kế cơ để đối chiếu, vì hao phí phụ tải các thiết bị trong gia đình là không đáng kể, ông Tuấn cho biết, xu thế hiện đại của thế giới là điện tử hóa và ngành điện đầu tư hệ thống điện tử  là để giảm chi phí khi nhân viên ngành phải đến từng hộ gia đình ghi số điện tiêu hao hàng tháng, dễ nhầm lẫn, gây thất thoát cho ngành điện.

Tuy nhiên, khi được đề nghị cung cấp thông tin về kết quả kiểm định đối với thiết bị trung tâm DCU và phần mềm máy chủ, ông Tuấn cho biết ông không nắm được và đề nghị muốn tìm hiểu sâu thì gặp bộ phận chuyên môn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Trưởng phòng Kinh doanh (Điện lực Kiên Giang), ông Đổng Lưu Nghiêm cùng một số cán bộ kỹ thuật cho biết, cơ chế hoạt động và tương tác của hệ thống điện kế điện tử gồm: điện kế điện tử - bộ trung tâm (DCU) - máy chủ (Sever) với phần mềm quản lý. Mỗi DCU kết nối tối đa với 1.000 điện kế điện tử. Đây là hệ thống điện tử kết nối thông suốt với nhau qua dây cấp điện, nhằm đo đếm điện kế, sao lưu, trích xuất dữ liệu, kiểm soát các thiết bị và tương tác trong toàn hệ thống. Tuy nhiên, theo ông Nghiêm, hiện chỉ có thiết bị đầu cuối là điện kế điện tử được kiểm định.

Đây là lý do chính khiến chính phủ các nước công nghệ tiên tiến cấm các công ty mua bán điện sử dụng điện kế điện tử, nhất là có kết nối với hệ thống trung tâm. Lý do là, bằng phần mềm của hệ thống trung tâm có kết nối tương tác với các thiết bị, con người có thể tác động vào điện kế điện tử bất cứ lúc nào.

Phóng viên Báo Đầu tư đã có dịp tìm hiểu vấn đề này tại nhiều hộ dân sử dụng điện ở Đức, Pháp, Hà Lan thì thấy rằng, sử dụng điện kế cơ là khách quan công bằng nhất. Vì điện kế đo đếm hoàn toàn bằng cơ chế vật lý điện từ và cơ năng, các bên liên quan không thể can thiệp được. Vì vậy, ở các nước châu Âu hiện vẫn đang sử dụng điện kế cơ như ở Việt Nam trước đây.

Người nghèo tại Kiên Giang sắp được ở chung cư hiện đại
Chung cư đầu tiên có quy mô 226 căn hộ thuộc Dự án nhà ở xã hội tại số 444 Ngô Quyền, TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) do Công ty cổ phần Tư vấn đầu...
Bình luận bài viết này
  • Vũ Hoàng 20:29 | 24-05-2015
    Đúng vậy ở các nước văn minh tiên tiến về điện tử chính phủ các nước ở Châu âu cấm không cho các nhà cung cấp điện sữ dụng " Thiết bị trung tâm DCU " và phần mềm máy chủ để thanh lý số điện tiêu thụ từng hộ dân là một cách tính một chiều gian lận, vì đường truyền dây điện luôn có sự tiêu thụ mất điện, nhà cung cấp tính số điện tiêu thụ tự nhiên đó cho các hộ sữ dụng điện là điều bất hợp lý , không thể chấp nhận được, chưa tính đến sự gian lận của nhà cung cấp điện ! Vì vậy hộ dân sử dụng điện ở Đức, Pháp, Hà Lan vẫn sử dụng ( Đồng hồ đo đ điện kế cơ ) là khách quan công bằng nhất. Vì điện kế đo đếm hoàn toàn bằng cơ chế vật lý điện từ và cơ năng, các bên liên quan không thể can thiệp được.
  • nam 06:32 | 29-05-2015
    Bởi vậy nhà tôi lúc trước có thuê mặt bằng mà hàng tháng 500 mấy. Bây giờ người ta trả lại chỉ 2 mẹ con ở nhà mà tháng lên 800 mấy. Thật là.
Xem thêm trên Báo Đầu Tư