Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kiên Giang: KCN Thạnh Lộc đón 3.350 tỷ đồng xông đất
Huy Thịnh - 09/02/2014 09:22
 
Sau nhiều năm “ế” khách, ngày 7/2 tại KCN Thạnh Lộc (Kiên Giang), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà đầu tư làm Lễ khởi công đồng loạt 4 dự án xây dựng nhà máy có qui mô lớn. Đây là 4 nhà đầu tư thuộc hàng “đại gia” trong nước triển khai đầu tiên trong KCN Thạnh Lộc, với tổng vốn đầu tư ban đầu lên đến 3.350 tỷ đồng. Kiên Giang thêm Cụm công nghiệp gần KCN ế khách?
TIN LIÊN QUAN

Đại gia “xông đất” đầu năm

Những ngày đầu xuân mới, nhân dân và chính quyền tỉnh Kiên Giang hân hoan đón mừng các nhà đầu tư vào KCN Thạnh Lộc, huyện Châu Thành tỉnh Kiên Giang.

Các nhà đầu tư đã đồng loạt làm lễ khởi công 4 nhà máy sản xuất có qui mô lớn nhất từ trước đến nay. Hòa trong niềm vui đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cùng tham gia ấn nút khởi công các dự án nơi vùng quê nông thôn nghèo này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Lễ khởi công Dự án Nhà máy chế biến gỗ MDF VRG Kiên Giang của Tập đoàn Cao su Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Lễ khởi công Dự án Nhà máy chế biến gỗ MDF VRG Kiên Giang của Tập đoàn Cao su Việt Nam

Phát biểu tại Lễ khởi công Dự án Nhà máy chế biến gỗ MDF VRG Kiên Giang, đại diện chủ đầu tư, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) cho biết, Dự án Nhà máy sử dụng trên 85.500 m2 tại KCN Thạnh Lộc tỉnh Kiên Giang có tổng mức đầu tư 1.491 tỷ đồng sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015.

Trong đó, chi phí xây dựng nhà máy và thiết bị máy móc là 1.360 tỷ đồng với công nghệ mới chủ yếu của Đức và châu Âu cung cấp. Toàn bộ hệ thống công nghệ ép liên tục điều khiển bằng hệ thống máy tính đồng bộ sẽ cho chất lượng sản phẩm gỗ đồng bộ và ổn định.

Với công suất chế biến 75.000 m3 gỗ MDF/năm, phục vụ trong nước và xuất khẩu, Nhà máy đang đầu tư vùng nguyên liệu (chủ yếu là cây tràm) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang với tổng chi phí trên 131 tỷ đồng. Bên cạnh thu mua nguyên liệu là các loại cây trong dân cư, đơn vị được UBND tỉnh Kiên Giang cho thuê 4.764 ha đất để trồng rừng và chủ động nguồn nguyên liệu cho nhà máy.

Đây là nhà máy chế gỗ lớn thứ 3 tại Việt Nam nhưng vẫn chưa cung cấp đủ cho tiêu thụ nội địa, hiện Việt Nam còn đang phải nhập khẩu gỗ công nghiệp. Nhà máy đi vào hoạt động sẽ giúp nhân dân các tỉnh lân cận có nơi tiêu thụ sản phẩm rừng trồng và giải quyết việc làm cũng như tăng thu nhập cho hàng chục ngàn cư dân. Theo kế hoạch đầu tư được phê duyệt là sau 9 năm nhà máy này sẽ thu hồi vốn và tái đầu tư là rất khả thi.

Cùng với Dự án Nhà máy gỗ của VRG, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Bia Sài Gòn) cũng đã chính thức khởi công Dự án Nhà máy Bia Sài Gòn với diện tích gần 4 ha trong KCN Thạnh Lộc.

Dự án có tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng, công suất thiết kế 50 triệu lít bia/năm. Theo kế hoạch, Nhà máy sẽ đi vào sản xuất vào tháng 4/2015 và thu hút trên 100 lao động tại địa phương.

Theo ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Bia Sài Gòn, đây là dự án trọng điểm của Bia Sài Gòn trong cả nước về lĩnh vực sản xuất bia trong năm 2014 và cung cấp ra thị trường khu vực miền Tây, trong đó thị trường các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Cà Mau… là trọng điểm.

Một "đại gia" khác Tập đoàn dệt may Việt Nam cũng góp mặt tại KCN Thạnh Lộc khi làm lễ khởi công Dự án Nhà máy May Vinatex Kiên Giang có diện tích mặt bằng 4 ha, tổng vốn đầu tư trên 150 tỷ đồng. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào sản xuất vào đầu năm 2015 với công suất 2,2 triệu áo Veston nữ/năm và 3,05 triệu quần Âu/năm để xuất khẩu. Đặc biệt, đây là ngành thâm dụng lao động cao, sử dụng tới trên 2.200 công nhân trực tiếp sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Bên cạnh các tập đoàn, tổng công ty có vốn nhà nước vừa nêu, Công ty CP Đầu tư Thái Bình (TBS) cũng đã mạnh dạn đầu tư vào KCN Thạnh Lộc với Dự án Nhà máy Giày TBS Kiên Giang. Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TBS, nhà máy sẽ sử dụng tới trên 10.000 công nhân, hoạt động sản xuất trên diện tích 20 ha trong KCN này. Dự kiến, Nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2016 với công suất 15 triệu đôi giày thể thao xuất khẩu/năm và có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Cơ hội kích hoạt đầu tư

Tại lễ khởi công các dự án đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, đây là sự khởi đầu năm mới đầy hứa hẹn “mã đáo thành công” cho các nhà đầu tư trên vùng đất Kiên Giang giàu tiềm năng và lợi thế so sánh, đồng thời là cơ hội cho địa phương kích hoạt, kêu gọi các nhà đầu tư vào KCN Thạnh Lộc.

Các doanh nghiệp vào đây khởi công dự án là những doanh nghiệp mạnh, có qui mô lớn và làm ăn hiệu quả nhiều năm liền. Đơn cử như Tập đoàn Cao su Việt Nam có doanh thu mỗi năm trên 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 5.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 2.000 tỷ đồng và tạo việc làm 130.000 lao động. Hiện sản phẩm của đơn vị chiếm hơn 30% thị phần Việt Nam. Các doanh nghiệp mạnh này sẽ thu hút, phát triển thêm một số ngành công nghiệp phụ trợ vào hoạt động trong KCN.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Lê Văn Thi vui mừng phát biểu với nhà đầu tư tại lễ khởi công, chính quyền tỉnh Kiên Giang sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào làm ăn tại Kiên Giang. Mức lương trả cho công nhân của các nhà đầu tư tại KCN này dự kiến là trên 5 triệu đồng/tháng cũng sẽ góp phần giảm nghèo đáng kể cho địa phương.

Tuy nhiên, theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang, KCN Thạnh Lộc với qui mô 250 ha đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư hạ tầng (nhà đầu tư cấp 1). Thời gian qua, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đã phải ứng vốn ngân sách ra để đền bù giải tỏa và xây dựng hạ tầng được 50 ha để tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư vào hoạt động. Hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư đăng ký vào KCN Thạnh Lộc để sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn chưa có nhà đầu tư hạ tầng nên chưa có thêm quỹ đất sạch và hạ tầng để bố trí.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư