Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kiến nghị dừng tuyển sinh đào tạo lái xe
Anh Minh - 05/06/2013 07:44
 
Hai đơn vị đào tạolái xe ô tô ở TP.HCM và Hậu Giang vừa bị “tuýt còi”, buộc dừng tuyển sinh, do không đảm bảo cơ sở hạ tầng tối thiểu.
TIN LIÊN QUAN

Không có nhiều cơ sở đào tạo lái xe có hạ tầng tốt
như Trường Trung cấp nghề Hải Phòng

Đông, nhưng chưa tinh

Thiếu xe, không có sân tập lái tiêu chuẩn; giáo viên ít, nhưng lại nhận quá nhiều học viên; không bố trí dạy thực hành bài tập lái xe theo quy định… là những lỗi vi phạm phổ biến nhất được Thanh tra chuyên ngành Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chỉ ra trong đợt kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch lái xe tại TP.HCM, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bến Tre vừa kết thúc cách đây ít ngày.

Cụ thể, qua đợt kiểm tra được thực hiện từ đầu tháng 5/2013 tại 25 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 4 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 15 trung tâm sát hạch ở các địa phương nói trên cho thấy, thay vì nâng cao cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, nhiều cơ sở lại tìm mọi cách “lách” quy định để hút học viên, dẫn đến chất lượng đào tạo bị giảm sút…

Riêng tại 2 đơn vị Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp thuộc Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và Phân hiệu III Trường Trung cấp nghề khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại Hậu Giang, Thanh tra Bộ đã phát hiện các cơ sở này không có sân tập lái xe, giấy phép đào tạo lái xe đã hết hạn, có nhiều sai sót trong công tác giáo vụ, không bố trí dạy thực hành bài tập lái xe theo quy định…

Tại TP.HCM, Đoàn Thanh tra đã tiến hành kiểm tra việc đào tạo lái xe tại 4 đơn vị, gồm: Trung tâm đào tạo - thực nghiệm thuộc Trường Cao đẳng GTVT III; Trường Cao đẳng GTVT TP.HCM; Trường Trung cấp nghề số 7 thuộc Quân khu 7 và Trung tâm Dạy nghề Đồng Tiến. Báo cáo của đoàn thanh tra cho biết, các đơn vị này đều thiếu xe tập lái, thiếu giáo viên, không đảm bảo chất lượng đào tạo...

“Có đến 60% các cơ sở đào tạo lái xe có sân tập lái không đủ tiêu chuẩn”, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh thanh tra Bộ GTVT cho biết.

Ngoài ra, qua thanh, kiểm tra 3 trung tâm sát hạch lái xe loại 3 tại TP.HCM và Hậu Giang, cơ quan chức năng cũng bị kiến nghị dừng sát hạch do sân sát hạch không đủ tiêu chuẩn, không có xe phục vụ sát hạch và lưu trữ hồ sơ sát hạch kém. Bên cạnh đó, đoàn thanh kiểm tra cũng chỉ ra công tác giáo vụ kém qua việc Hội đồng Sát hạch được bố trí chỗ ngồi chưa đúng quy định, sát hạch viên có sai sót trong việc chấm bài thi sát hạch lý thuyết…

Đáng báo động là, trên đây là những vi phạm không mới nếu “soi” vào kết quả kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe được Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện trong 4 - 5 năm gần đây.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cả nước hiện có 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 312 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 84 trung tâm sát hạch lái xe. Tuy nhiên, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đang trong tình trạng “đông, nhưng không tinh”, chất lượng đào tạo chưa theo kịp với yêu cầu thực tế. Biểu hiện rõ nhất là, việc một bộ phận không nhỏ lái xe ô tô, tuy đã có giấy phép, nhưng hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ, quy tắc giao thông, cũng như trách nhiệm, ý thức, đạo đức của người lái xe… lại rất hạn chế.

Siết quy trình đào tạo, sát hạch lái xe

Để chấn chỉnh thực trạng này, Thanh tra Bộ GTVT đã kiến nghị lên Bộ GTVT cần hạ lưu lượng và dừng tuyển sinh đào tạo lái xe của các đơn vị, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch đồng thời các trường hợp vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép đào tạo theo quy định.

“Chúng tôi đã kiến nghị Bộ GTVT sửa đổi một số quy định cụ thể, như không cho những trung tâm nhỏ lẻ hoạt động, mà cần quy về một mối nhằm tránh tình trạng đào tạo tràn lan và cố tình lôi kéo người học bằng nhiều cách của các cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe”, ông Huyện cho hay.

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ ngày 1/7 tới đây, hệ thống phần mềm của Dự án Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc sẽ được đưa vào sử dụng tại tất cả các sở GTVT, cơ sở đào tạo lái xe trên toàn quốc. Điều này có nghĩa, người học lái xe ô tô, mô tô trước khi đăng ký vào học đều phải chụp ảnh trực tiếp tại cơ sở đào tạo, từ đó sẽ loại trừ việc người học chỉ cần nộp ảnh và photo chứng minh thư nhân dân từ các dịch vụ nhận hồ sơ, đào tạo lái xe mô tô hạng A1.

“Ngoài việc tăng cường quản lý từ khâu đào tạo, sát hạch đến cấp, đổi, sử dụng giấy phép, hệ thống này sẽ giúp lực lượng tuần tra kiểm soát trong tra cứu, xử lý vi phạm và giúp doanh nghiệp sử dụng người lái xe dễ dàng khai thác, truy cập; hạn chế việc một người sử dụng nhiều giấy phép lái xe và sử dụng giấy phép giả”, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư