Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Kiến nghị và giải quyết kiến nghị trong đấu thầu
Anh Ngọc - 14/11/2017 07:26
 
Khi kiến nghị của nhà thầu đáp ứng quy định tại Điều 118 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì chủ đầu tư, người có thẩm quyền có trách nhiệm xử lý, trả lời đơn kiến nghị của nhà thầu.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Công ty cổ phần Tư vấn Đô thị Việt Nam - Vinacity đặt câu hỏi như sau: Tại Mẫu số 02 phần Giấy ủy quyền của Thông tư số 03/2015/TT-Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp hướng dẫn: “Ký đơn kiến nghị trong trường hợp nhà thầu có kiến nghị”.

Theo Điều 118 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định: “Điều kiện để xem xét, giải quyết kiến nghị… Đơn kiến nghị phải có chữ ký của người ký đơn dự thầu hoặc đại diện hợp pháp của nhà thầu, được đóng dấu (nếu có)”.

Căn cứ vào các quy định trên, Công ty hỏi, trường hợp nhà thầu gửi công văn làm rõ hồ sơ mời thầu (do Phó giám đốc ký không có giấy ủy quyền) thì công văn đó có hợp lệ không? Công ty có phải phúc đáp lại công văn trên không?

Cũng theo Điều 118 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định: “Điều kiện để xem xét, giải quyết kiến nghị - 1. Đơn kiến nghị là của nhà thầu tham dự thầu”. Vậy, trường hợp nhà thầu đã gửi công văn làm rõ hồ sơ mời thầu nhưng đến thời điểm đóng thầu nhà thầu không nộp hồ sơ dự thầu và sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà thầu đó tiếp tục gửi công văn kiến nghị kết quả lựa chọn nhà thầu thì công văn đó có hợp lệ không? Công ty có phải phúc đáp lại công văn trên không?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

Việc làm rõ hồ sơ mời thầu được thực hiện theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Theo đó, trường hợp bên mời thầu nhận được văn bản đề nghị làm rõ hồ sơ mời thầu của nhà thầu, bên mời thầu phải xem xét, trả lời các nội dung đề nghị làm rõ hồ sơ mời thầu của nhà thầu theo quy định nêu trên.

Trường hợp nghi ngờ về thẩm quyền ký văn bản làm rõ hồ sơ mời thầu, bên mời thầu có thể xác minh làm rõ với nhà thầu về thẩm quyền của người ký.

Về giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, theo quy định tại Điều 91 và Điều 92 Luật Đấu thầu, nếu nhà thầu (kể cả nhà thầu mua hồ sơ mời thầu nhưng không nộp hồ sơ dự thầu) thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu có quyền kiến nghị về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu (bao gồm nội dung hồ sơ mời thầu) và kết quả lựa chọn nhà thầu. Các điều kiện để xem xét, giải quyết kiến nghị của nhà thầu được quy định tại Điều 118 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó đối với trường hợp của Quý Công ty, khi kiến nghị của nhà thầu đáp ứng quy định tại Điều 118 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì chủ đầu tư, người có thẩm quyền có trách nhiệm xử lý, trả lời đơn kiến nghị của nhà thầu.

Quy định về việc sử dụng nhà thầu phụ trong Luật Đấu thầu
Theo quy định tại Luật Đấu thầu, nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu theo hợp đồng được ký với nhà thầu chính.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư