Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kiều hối vẫn ngần ngừ với đầu tư
Khánh An - 29/09/2016 20:07
 
Chiếm 5,58% GDP theo số liệu 2015, nhưng nguồn kiều hối do người Việt Nam ở nước ngoài gửi về vẫn đứng ngoài các dòng đầu tư chính thức.
.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE phát biểu tại Hội thảo

Câu hỏi mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam đang được các chuyên gia tham gia dấy lên tại Hội thảo khoa học quốc gia về chủ đề này do Trường Đại học kinh tế quốc dân và Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức sáng nay.

Câu trả lời chưa dễ tìm được sự thống nhất.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho rằng, nếu không nhận diện đúng bản chất của dòng vốn này để có những thay đổi chính sách một cách toàn diện, thay vì nhỏ giọt như hiện tại, kỳ vọng có thêm một dòng vốn đầu tư chạy song cùng với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn đầu tư trong nước sẽ khó thành.

“Việt Nam được xếp vào 11 nước thu hút kiều hối hàng đầu thế giới. Ở châu Á chỉ đứng sau Trung Quốc và Philippines. Nguồn kiều hối năm 2015 là 12,25 tỷ USD, xấp xỉ vốn FDI thực hiện trong năm này (14,5 tỷ USD). Đây là một nguồn lực to lớn. Chưa khai thác được là điều đáng tiếc”, GS-TSKH Nguyễn Mại phân tích.

Ông dẫn hai nguồn thông tin phân tích đều đáng tin cậy. Một là, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những nước nhận kiều hối nhưng tác động của dòng vốn này không lớn đến phát triển kinh tế.  Lý do là một phần lớn nguồn tiền này đã được sử dụng vào tiều dùng, trả nợ ngân hàng.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM – địa phương tiếp nhận một nửa lượng kiều hối của cả nước lại cho rằng, phần lớn kiều hối được dùng để sản xuất kinh doanh, để đầu tư chứ không phải để cất trữ, chi tiêu hay đầu tư bất động sản, chứng khoán như trước.

“Quan điểm của tôi là số người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tăng lên do nhu cầu học tập, làm ăn, sinh sống và định cư ở các nước ngoài. Việt Nam cần có chính sách hai chiều, vừa mở cửa với Việt kiều đang ở nước ngoài, đồng thời mở cửa với cả người Việt Nam trong nước ra nước ngoài làm ăn, sinh sống để từ đó có chính sách không phân biệt đối xử về mọi phương diện trong lĩnh vực hoạt động đối với người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài”, GS-TSKH Nguyễn Mại đề xuất.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, sự thuận lợi trong chính sách và môi trường đầu tư sẽ dẫn hướng dòng vốn này.

Dẫn chứng là giai đoạn trước 2014, tỷ lệ kiều hối đổ vào bất động sản là 17,3%; tỷ lệ này các năm sau đó là 20%. Lý do thay đổi, theo ông Chung, là có giai đoạn 2011-2013 kinh tế rất khó khăn, nên nguồn tiền gửi không ổn định và hướng theo mục đích khác.

“Mong muốn sử dụng khác nhau là đặc tính của kiều hối. Từ cuối năm 2014 đến quý III/2016, cùng với những mở rộng của chính sách liên quan đến người nước ngoài mua và sở hữu nhà, một lượng lớn kiều hối đã đổ vào thị trường bất động sản”, ông Chung nói.

Tuy vậy, ông Chung cho biết thêm, luồng kiều hối đổ vào bất động sản dù ở cả 3 phân khúc là mua nhà, sửa nhà, kinh doanh bất động sản, nhưng tỷ lệ kinh doanh không cao, chủ yếu là mua đất cắm dùi và sửa chữa nhà.

Bất động sản sẽ hút lượng kiều hối khổng lồ
Các chuyên gia dự báo, một lượng lớn kiều hối dịp Tết Bính thân 2016 sẽ "chảy" vào kênh bất động sản.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư